Chi tiết

Ngành IT đang thu hút vốn ngoại ra sao

Sau hai thập niên thu hút đầu tư FDI phần cứng, vốn ngoại dần quan tâm lĩnh vực phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin nhưng còn khiêm tốn.

“Đây là một startup phi thường và tuyệt vời tại Việt Nam. Với VinBrain, giờ đây chúng tôi có điểm khởi đầu cho một trung tâm thiết kế tương lai lớn”, CEO Nvidia nói hồi đầu tháng này khi công bố mua lại VinBrain – công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup.

Cuối tháng 11, quỹ đầu tư tư nhân Mỹ Sunstone Partners cũng công bố đầu tư chiến lược vào KMS Technology – công ty dịch vụ phần mềm chuyên lĩnh vực chuyển đổi số, dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI), trụ sở tại TP HCM. Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Nhưng ông Julian Hinderling, Phó tổng giám đốc Sunstone Partners nói hợp tác cùng KMS Technology là “cơ hội lớn đổi mới năng lực, mở rộng quy mô kinh doanh”.

Những thương vụ gần đây đang phát tín hiệu cho xu hướng lĩnh vực phần mềm – dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng được vốn ngoại để mắt, sau hai thập niên ngành IT chủ yếu thu hút các ông lớn quốc tế trong mảng phần cứng như Intel, Samsung và các nhà gia công cho Apple đến xây nhà máy lắp ráp.

Trước sự xuất hiện của dòng vốn Mỹ như thương vụ VinBrain hay KMS, các nhà đầu tư châu Á đã rục rịch nhắm tới ngành IT trong nước. Năm ngoái, thương vụ được cho là hàng nghìn tỷ đồng thuộc về Sumitomo (Nhật Bản), khi họ đầu tư chiến lược vào Rikkeisoft – công ty chuyên về gia công phần mềm. Cùng năm, Tập đoàn Agest (Nhật Bản) hoàn tất mua lại LogiGear Việt Nam và đổi tên thành Agest Việt Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia trong ngành, các thương vụ nhỏ hoặc không tiết lộ giá trị đã âm thầm diễn ra vài năm qua. Quản lý cấp cao tại một doanh nghiệp trụ sở tại Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP HCM) cho biết các tập đoàn Nhật Bản thường quan tâm thâu tóm các công ty phầm mềm giá trị từ một triệu USD.

“Các công ty Nhật Bản chuộng mua lại doanh nghiệp phần mềm Việt Nam để gia công cho các dự án của họ, thay vì phải thuê ngoài với chi phí đắt hơn. Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc khá kín tiếng, thường mua lại vốn góp, cổ phần chứ ít ra mặt thâu tóm toàn bộ”, quản lý này nhận định.

Tuy nhiên, nhìn chung đến nay, vẫn còn hiếm dự án FDI hoặc thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn được công bố trong lĩnh vực phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin. Theo thống kê về thị trường M&A doanh nghiệp Việt Nam từ 2019 đến nay, IT không có mặt trong top đầu các ngành giao dịch lớn. 10 tháng đầu năm, 88% giá trị giao dịch đến từ ngành bất động sản, tiêu dùng thiết yếu, công nghiệp.

Sức hút so với khu vực này cũng còn khiêm tốn. Hãng phân tích S&P Global (Mỹ) trong báo cáo mới đây chỉ thống kê được 7 thương vụ của vốn tư nhân (PE) và đầu tư mạo hiểm (VC) vào lĩnh vực phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, với tổng giá trị khoảng 3,8 triệu USD trong 11 tháng.

Trong khi cùng giai đoạn, Singapore là thỏi nam châm thu hút gần như toàn bộ dòng vốn tư nhân đổ vào ngành phần mềm và dịch vụ của Đông Nam Á, với 104 giao dịch trị giá khoảng 2 tỷ USD. Indonesia đứng thứ hai với 21 giao dịch (gần 128 triệu USD) và Philippines đứng thứ ba với 5 thương vụ, quy mô 69,5 triệu USD.

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (Indonesia), dòng vốn PE và VC đổ vào các ngành như ứng dụng di động, dịch vụ tài chính trực tuyến, công nghệ đám mây, phân tích dữ liệu kỹ thuật số và quản lý cơ sở hạ tầng Internet ở Đông Nam Á sẽ đạt ít nhất 1.000 tỷ USD vào 2030.

Cơ hội chung rộng mở và một số chuyên gia cũng lạc quan cho Việt Nam. Trong diễn đàn gần đây, TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam dự báo IT, công nghệ nói chung có thể sẽ “hot” trên thị trường M&A, bên cạnh các ngành chủ lực truyền thống như bất động, sản tiêu dùng, sản xuất.

Theo công ty kiểm toán này, xu hướng đầu tư dịch chuyển sang lĩnh vực công nghệ được thúc đẩy bởi sáng kiến và cải cách từ chính phủ, gồm ưu đãi thuế cho ngành công nghệ cao, tối ưu hóa các quy trình đầu tư nước ngoài… giúp giảm bớt rào cản với nhà đầu tư ngoại.

Cùng với đó, chương trình chuyển đổi số quốc gia nhắm đến kinh tế số chiếm 30% tỷ trọng GDP vào 2030 tạo cơ hội hấp dẫn. Theo báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek, Bain & Company, quy mô nền kinh tế số Việt Nam đạt 36 tỷ USD năm nay, tăng 16% so với năm trước. Dự báo, quy mô này có thể tăng lên 90-200 tỷ USD vào 2030.

“Xu hướng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu ứng dụng data và AI ngày càng cấp thiết”, ông Julian Hinderling, Phó tổng giám đốc Sunstone Partners nhận xét.

Một góc văn phòng làm việc của KMS Technology tại Việt Nam. Ảnh công ty cung cấp

Một góc văn phòng làm việc của KMS Technology tại Việt Nam. Ảnh: KMS Technology

Theo Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, đến 2023, doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đạt gần 16 tỷ USD, tăng 6 lần sau một thập niên. Trong đó, xuất khẩu phần mềm và dịch vụ đạt trên 5 tỷ USD. Xuất khẩu phần mềm vẫn duy trì mức tăng trưởng hai con số trong năm ngoái sang thị trường Nhật Bản và châu Á – Thái Bình Dương.

Trong báo cáo hồi tháng 8 về dòng vốn FDI, Ngân hàng HSBC chỉ ra điểm đáng khích lệ, ngành công nghệ Việt đã làm chủ được nhiều kiến thức, quy trình sản xuất phức tạp, chứ không chỉ là sản xuất, lắp ráp phần cứng cơ bản.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại thách thức với dòng vốn ngoại vào lĩnh vực này. Đầu tiên là hạ tầng công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh mạng 5G, các trung tâm dữ liệu và dịch vụ đám mây dần trở thành nhu cầu tất yếu. Để tiếp tục phát triển bền vững, Việt Nam cần tăng đầu tư để nâng cấp hạ tầng công nghệ, đảm bảo đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thứ hai, khi các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, việc tuân thủ các tiêu chuẩn an ninh và quy định bảo mật dữ liệu trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các doanh nghiệp muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này đòi hỏi họ cải tiến công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao về bảo mật dữ liệu.

Cuối cùng, vấn đề tồn tại lâu nay của ngành là nhu cầu chuyên gia giàu kinh nghiệm vượt xa nguồn cung. Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thị trường IT Việt Nam cần bổ sung ít nhất 500.000 lao động công nghệ từ nay đến năm 2025. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách với doanh nghiệp trong triển khai các chương trình đào tạo upskilling (nâng cao) và reskilling (đào tạo lại) cho nhân viên, theo báo cáo thị trường IT Việt Nam 2024 – 2025 của đơn vị tuyển dụng TopDev.

Viễn Thông


Nguồn tin: https://vnexpress.net/nganh-it-dang-thu-hut-von-ngoai-ra-sao-4824811.html