Xoay chuyển tình thế
Giá thép hợp đồng tương lai đã tăng vọt sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ sau đại dịch Covid-19. Hàng loạt chính sách hướng tới mục tiêu hỗ trợ thị trường bất động sản – ở tình trạng nguội lạnh trong một thời gian dài – được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nước này sớm phục hồi, kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép tăng lên. Phản ứng với chính sách, giá thép trên thị trường thế giới đã lên mức cao nhất trong ba tuần qua.
Phiên giao dịch ngày 26/9/2024, giá thép HRC đã ghi nhận mức phục hồi 7% so với vùng đáy 3.000 Nhân dân tệ/tấn. Trên Sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải (Trung Quốc), giá các mặt hàng thép đều tăng, như thép cây tăng 2,35%, thép cuộn cán nóng tăng gần 2,2%, thép không gỉ tăng 1,56%… Trên sàn Giao dịch hàng hóa Đại Liên (Trung Quốc), giá quặng sắt giao tháng 1/2025 cũng ghi nhận mức tăng hơn 4%.
Công ty Chứng khoán MBS nhận định, giá thép trên thị trường thế giới có thể phục hồi từ quý IV năm nay, được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong 8 tháng đầu năm nay. Tình trạng này đến từ tiêu thụ thép ở Trung Quốc giảm mạnh, chủ yếu do cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt do Chính phủ Trung Quốc đã hạn chế cấp phép các lò luyện thép sử dụng than từ năm 2024 nhằm bảo vệ môi trường. Giá thép cũng được hỗ trợ từ phía cầu. Trung Quốc vừa hứng chịu cơn bão Benica – cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua. Nhiều cơ sở hạ tầng tại Thượng Hải và Giang Tô bị bão phá hủy, dẫn đến khả năng nhu cầu thép sẽ tăng trong ngắn hạn để phục vụ cho hoạt động tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng.
Không chỉ hưởng lợi từ việc giá thép trên thị trường thế giới đi lên, ngành thép trong nước cũng giảm áp lực cạnh tranh với sản phẩm cùng loại giá rẻ từ Trung Quốc khi cán cân cung – cầu thép của nước này cân bằng hơn. Thị trường thép Việt Nam cũng có triển vọng phục hồi tích cực nhờ thị trường bất động sản ấm lên, nhiều chủ đầu tư rục rịch triển khai dự án mới. Cùng với đó, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh trở thành động lực tăng trưởng cho thị trường thép trong nước.
Báo cáo thị trường bất động sản của CBRE nhận định, nguồn cung nhà ở tại Hà Nội sẽ tăng 30% và tại TP.HCM tăng 20%. Riêng tại Hà Nội, CBRE cho biết, nguồn cung bất động sản mới mở bán đến từ 55.000 sản phẩm từ nửa cuối năm 2024 đến năm 2026, phân bố quanh đường vành đai 3 và mở rộng ra Đông Bắc và phía Tây Thành phố. Các dự án phát triển kéo theo nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng tăng lên.
Dự báo được MBS đưa ra, kể từ quý IV/2024, giá thép xây dựng trong nước có thể phục hồi 5% so với mức đáy vào tháng 8. Ước tính, giá thép xây dựng có thể đạt trung bình 571 USD/tấn (tăng 4% so với cùng kỳ) và HRC giảm 7% so với cùng kỳ, xuống còn 556 USD/tấn do áp lực giảm giá từ thép Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm. Giai đoạn 2024 – 2026, giá thép xây dựng được kỳ vọng có thể tăng 7%, HRC tăng 6% nhờ tăng trưởng nhu cầu trong nước và áp lực cạnh tranh từ thép Trung Quốc giảm.
Kỳ vọng cải thiện biên lợi nhuận
Giá nguyên liệu giảm nhanh và giá bán cải thiện, nhu cầu tăng lên được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp ngành thép có biên lợi nhuận gộp tốt hơn trong quý cuối năm và năm sau. Thống kê của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho thấy, từ đầu năm tới nay, giá tôn mạ giảm 2% song giá HRC giảm tới 11%. Giá bán trung bình giảm chậm hơn giá nguyên liệu đầu vào giúp Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) có thể tiếp tục giảm giá bán để cải thiện sản lượng tiêu thụ, kỳ vọng biên lợi gộp năm 2024 có thể đạt 11,3% và biên lợi nhuận gộp năm 2025 đạt 12,1%.
Tập đoàn Hòa Phát, doanh nghiệp đầu ngành thép, được hưởng lợi lớn từ sự phục hồi của giá thép. Doanh thu và lợi nhuận của Hòa Phát được MBS dự phóng có thể ghi nhận mức tăng trưởng 74% và 51% trong giai đoạn 2024 – 2025 nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp cải thiện. Năm 2026, với sự đóng góp của 3 triệu tấn HRC từ Nhà máy Dung Quất 2, lợi nhuận ròng của Hòa Phát có thể tăng 31%, đạt hơn 23.576 tỷ đồng.
Hòa Phát đang có 4 động lực tăng trưởng mạnh mẽ, đó là Nhà máy Dung Quất 2 dự kiến hoàn thành xây dựng vào quý I/2025, với năng lực sản xuất thép thô đạt trên 14,5 triệu tấn mỗi năm; ngành xây dựng phục hồi; giá thép bước vào chu kỳ tăng và dẫn đầu thị phần xuất khẩu thép. Ngoài ra, dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong 10 năm tới, với tổng chiều dài hơn 1.500 km, đang mở ra cơ hội cho Hòa Phát tham gia cung ứng thép (làm đường ray) cho dự án này. Công ty Chứng khoán Funan ước tính, chi phí xây dựng công trình, đường ray, nhà ga của dự án có thể lên tới 650.907 tỷ đồng.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát khẳng định, Tập đoàn Hoà Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray tốc độ cao và sẵn sàng tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án này.
Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG), doanh nghiệp đầu ngành tôn mạ, được hưởng lợi từ sự phục hồi của nhu cầu trong nước. MBS ước tính lợi nhuận ròng trong năm 2024 – 2025 của Hoa Sen có thể tăng trưởng 2,3% và 6% nhờ sản lượng tăng trưởng và biên lợi nhuận gộp tăng. Bên cạnh đó, việc thuế chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ được phê duyệt và áp dụng trong thời gian tới có thể giúp Hoa Sen giành lại thị phần khi chênh lệch giá của tôn mạ Trung Quốc và Việt Nam thu hẹp.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thép Nam Kim có triển vọng tích cực tại thị trường xuất khẩu EU và Mỹ. MBS dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2024 của Thép Nam Kim tăng trưởng 287% so với năm ngoái nhờ doanh thu tăng 20% và biên lợi nhuận gộp tăng 7,5% (khi giá bán tăng mạnh hơn giá nguyên liệu HRC). Dự phóng của MBS với chỉ tiêu lợi nhuận năm 2025 của Thép Nam Kim là tăng trưởng 111%.
Trong tuần qua, cổ phiếu ngành thép nhiều phiên ghi nhận tăng trưởng tích cực, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư ở nhóm này (HPG có chuỗi 5 phiên liên tục tăng; HSG và NKG ghi nhận mức tăng lần lượt 2,73% và 2,84% trong phiên giao dịch ngày 25/9).
Ngành thép Việt Nam đã vươn lên vị trí đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng. Cổ phiếu ngành thép cũng đón nhận sự quan tâm lớn của nhà đầu tư khi bước vào chu kỳ phục hồi.
Xét về định giá, một số cổ phiếu thép đang ở mức hấp dẫn. P/B của HPG khoảng 1,6 lần, dưới mức trung bình 2,1 lần của chu kỳ tăng trưởng. P/B của HSG đang ở mức 1,1 lần, dưới mức trung bình 1,3 lần của chu kỳ tăng trưởng, còn P/B của NKG đang ở mức 1,05 lần, dưới mức trung bình 1,2 của chu kỳ tăng trưởng.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)