Tổng cục Thuế vừa phát đi cảnh báo về một số thủ đoạn, hành vi sai trái và trách nhiệm pháp lý khi thành lập “doanh nghiệp ma” để mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng.
Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua bộc lộ những bất cập trong việc cấp phép thành lập doanh nghiệp mới và việc hỗ trợ, kiểm tra, hậu kiểm, quản lý thực chất tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới so với điều kiện kinh tế – xã hội trên địa bàn một số tỉnh/thành phố.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp nhân thân của chủ doanh nghiệp hay vốn chủ sở hữu được đăng ký khống tạo nên gánh nặng đối với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là đối với cơ quan thuế.
Theo cơ quan này, Nhà nước chủ trương tạo điều kiện về thủ tục đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh song việc quy định như hiện tại làm phát sinh ra các “doanh nghiệp ma” lợi dụng thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp để trục lợi.
Thời gian vừa qua, với các vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng đã và đang được điều tra, tòa án các cấp xét xử diễn ra trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước. Điều này cho thấy có lỗ hổng lớn liên quan đến việc thành lập, quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy nhiều đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma”, được đứng tên bởi họ hàng, hay thậm chí cả những người xa lạ, kể cả những người bị bệnh hiểm nghèo, nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm… giám đốc doanh nghiệp.
“Những doanh nghiệp ma” này đè nặng lên cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tìm biện pháp ngăn ngừa hiệu quả “doanh nghiệp ma”, không vì thành tích số lượng doanh nghiệp được thành lập mới mà cấp phép thành lập tràn lan, làm hao tổn nguồn lực của cơ quan quản lý”.
Tổng cục Thuế.
Nêu rõ 4 dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp “ma”, Tổng cục Thuế cho biết thứ nhất, nhận biết qua loại hình kinh doanh.
Hình thức doanh nghiệp được các đối tượng thực hiện tội phạm mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập doanh nghiệp như: công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, nhận biết qua đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Các doanh nghiệp “ma” thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp như bất động sản, du lịch.
Qua đó các đối tượng này cho rằng có thể vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.
Thứ ba, nhận biết qua trụ sở giao dịch và thời gian hoạt động kinh doanh.
Các doanh nghiệp “ma” thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo; hoặc những địa chỉ thậm chí không tồn tại nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện.
Bên cạnh đó, các đối tượng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu. Thời gian hoạt động của một doanh nghiệp thường khá ngắn.
Thứ tư, nhận biết qua phương thức thanh toán.
Các công ty “ma” thường thực hiện các hoạt động trái pháp luật, do đó sẽ tránh sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty khi đăng ký, thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt; hoặc chuyển khoản lòng vòng qua nhiều bên trung gian nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.
Tổng cục Thuế khẳng định hiện tượng thành lập, hoạt động của các doanh nghiệp “ma” tác động xấu đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội và đây là trách nhiệm không chỉ riêng ngành thuế.
Theo trên, cơ quan thuế đã và đang tích cực tăng cường công tác quản lý thuế, phối hợp với các cơ quan liên quan để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện kịp thời những doanh nghiệp này.
Cụ thể, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhằm phát hiện kịp thời các hành vi thành lập doanh nghiệp để mua, bán hoá đơn, trốn thuế, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với Ngân hàng nhà nước, cơ quan công an thu thập tài liệu điều tra, xác minh, nếu có dấu hiệu vi phạm, trốn thuế thì chuyển hồ sơ đến cơ quan công an điều tra, xử lý.
Các cục thuế cũng giao nhiệm vụ tới từng công chức, đội, từng bộ phận có liên quan đến quản lý người nộp thuế, tiến hành thành lập tổ rà soát, quản lý rủi ro sử dụng hoá đơn, phân tích, đánh giá xác minh người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế, tiến hành khai thác, rà soát và đánh giá kết quả phân tích dữ liệu… Từ đó, thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát, kiểm tra việc sử dụng hoá đơn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế, hóa đơn, chứng từ.
Với ứng dụng của công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, Tổng cục Thuế cho biết những hóa đơn, chứng từ của doanh nghiệp đều được lưu vết và cơ quan thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm đó.
“Việc thành lập doanh nghiệp “ma” để mua bán hóa đơn, hoặc bên mua lập khống, mua khống hóa đơn, lập khống chứng từ đều không phải là lựa chọn khôn ngoan hay đúng đắn đối với doanh nghiệp. Nhà quản lý, điều hành doanh nghiệp cũng cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ doanh nghiệp mình”, Tổng Cục thuế thông tin.
“Tính từ khi triển khai đến hết 21/4/2024, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế tiếp nhận và xử lý ước đạt 7,48 tỷ hóa đơn, trong đó có 2,08 tỷ hóa đơn có mã và hơn 5,4 tỷ hóa đơn không mã.
Về triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tính đến hết ngày 21/4/2024, có 53.424 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là hơn 328,6 triệu hóa đơn.
Từ khi ngành thuế triển khai hệ thống hóa đơn điện tử đến nay, thông qua các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, cơ quan thuế thực hiện phân tích, đối chiếu, đánh giá đối với từng hóa đơn điện tử mà người nộp thuế gửi vào hệ thống dữ liệu hóa đơn điện tử, từ đó, dễ dàng phát hiện việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn cũng như sử dụng hóa đơn không hợp pháp và xử lý kịp thời các sai phạm”
Báo cáo của Tổng Cục Thuế