Chi tiết

Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét

Ngành xây dựng quý 3 hồi phục chưa rõ nét

Nhiều doanh nghiệp xây dựng tiếp tục có kết quả kinh doanh tăng bằng lần trong quý 3/2024, giúp lợi nhuận ròng toàn ngành đạt gần 1,538 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, vẫn còn doanh nghiệp đang vượt khó.

Thống kê từ VietstockFinance, 99 doanh nghiệp ngành xây dựng trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 3/2024 với tổng doanh thu đạt hơn 35.6 ngàn tỷ đồng, tăng 9%; lãi ròng hơn 1.5 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và là 1 trong 2 quý (2/2024) có lợi nhuận cao kể từ quý 3/2022. Đây được xem là kết quả khả quan trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chưa rõ nét. Biên lãi gộp của các doanh nghiệp mảng này dao động từ 9-16%, trung bình quý 3/2024 ở mức 15%.


Nguồn: VietstockFinance

Doanh nghiệp khoe lãi tăng bằng lần

Trong số 99 doanh nghiệp xây dựng đã công bố BCTC quý 3, có 37 doanh nghiệp tăng lãi (chiếm 37%), 32 giảm lãi, 14 lỗ chuyển lãi, 3 lãi chuyển lỗ và 13 tiếp tục lỗ.

Nhóm tăng trưởng lợi nhuận có 17 doanh nghiệp tăng bằng lần. Nổi cộm nhất là Tập đoàn Bamboo Capital (HOSE: BCG) lãi ròng quý 3 gần 132 tỷ đồng, gấp hơn 23 lần so với cùng kỳ. BCG cho biết, lợi nhuận tăng cao do chi phí lãi vay giảm mạnh và mảng bất động sản phục hồi doanh thu.

Cũng nhờ phát sinh doanh thu kinh doanh bất động sản của dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp nhà ở thuộc khu đô thị Bắc Châu Giang (tỉnh Hà Nam) đã giúp lợi nhuận ròng CTCP Đầu tư Xây dựng Dầu khí IDICO (UPCoM: ICN) đạt gần 48 tỷ đồng, gấp 16.5 lần cùng kỳ.

Nhờ doanh thu bất động sản tăng, CTCP Đầu tư và Xây dựng Số 18 (HNX: L18) lãi ròng hơn 92 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ và là quý có lợi nhuận cao nhất từ khi niêm yết trên HNX năm 2008.


Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, các ông lớn ngành xây dựng có doanh thu trên ngàn tỷ đồng cũng đều có lợi nhuận tăng trưởng.

Coteccons (HOSE: CTD) kết thúc quý 1 năm tài chính 2025 (từ 1/7-30/9/2024) với doanh thu thuần gần 4,759 tỷ đồng, lãi ròng gần 93 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 39% so với cùng kỳ. Trong đó, nguồn thu chính vẫn từ hợp đồng xây dựng – gần 4,665 tỷ đồng, tăng 13%. Coteccons cho biết, ngoài doanh thu tăng, chính sách trích lập dự phòng đối với các dự án rủi ro mà Ban lãnh đạo thực hiện từ năm trước đã giảm nhẹ tác động của các biến động về chi phí nhân công, nguyên vật liệu xây dựng và các yếu tố vĩ mô lên chi phí giá vốn trong kỳ, khiến lợi nhuận tăng.

Xếp ngay sau là Tổng Công ty Xây dựng Số 1 – CTCP (UPCoM: CC1) với doanh thu thuần quý 3 đạt 2,260 tỷ đồng, tăng 78%; lợi nhuận ròng 29 tỷ đồng, tăng 61%, do tình hình phát triển kinh doanh tại các công ty con khả quan.


Nguồn: VietstockFinance

Những doanh nghiệp kém may mắn

Không phải doanh nghiệp xây dựng nào cũng hưởng lợi từ sự phục hồi của nền kinh tế. Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) tiếp tục đội sổ khi lỗ nặng nhất quý 3 với gần 82 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 121 tỷ đồng, là quý thứ 8 liên tiếp không có lợi nhuận.

Xếp ngay sau là Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) với khoản lỗ gần 32 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 1 tỷ đồng.

Dù doanh thu từ hoạt động thu phí cầu đường tăng, do giá vé và lưu lượng xe lưu thông qua trạm tăng trong quý 3/2024, nhưng không đủ bù các khoản chi phí khiến CTCP BOT Cầu Thái Hà (UPCoM: BOT) tiếp tục lỗ quý thứ 11 liên tiếp với hơn 18 tỷ đồng.


Nguồn: VietstockFinance

Dù không thua lỗ, nhiều doanh nghiệp cũng đánh rơi lợi nhuận, như Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (UPCoM: CTX) có lợi nhuận quý 3 giảm 89%, còn hơn 2 tỷ đồng.

CTCP Tập đoàn Xây dựng TRACODI (HOSE: TCD) phải điều chỉnh các hạng mục theo hướng kéo dài thời gian thi công, theo yêu cầu chủ đầu tư, khiến lợi nhuận ròng giảm 79%, còn hơn 10 tỷ đồng.

Lợi nhuận của CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) giảm 37%, về còn hơn 76 tỷ đồng.


Nguồn: VietstockFinance

Nhìn chung 9 tháng đầu năm, ngành xây dựng có kết quả kinh doanh tăng trưởng với doanh thu thuần toàn ngành đạt hơn 97,804 tỷ đồng, tăng 20%; trong khi lãi ròng hơn 4,580 tỷ đồng, gấp 4.7 lần cùng kỳ.

Trong đó, nổi bật nhất là Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) từ lỗ 880 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước đã chuyển thành lãi gần 837 tỷ đồng, cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất ngành trong 9 tháng năm 2024. Kết quả này gấp hơn 3 lần mục tiêu lãi ròng 269 tỷ đồng đề ra cho năm 2024 của HBC.

Lợi nhuận ròng 9 tháng của Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) đạt hơn 129 tỷ đồng, gấp 9.5 lần cùng kỳ. Doanh nghiệp này cũng vượt 29% kế hoạch lãi năm.

9 tháng đầu năm 2024, Bộ Xây dựng cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành tăng hơn 7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt trên 43%, tỷ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc ước đạt 26.5m2 sàn/người, tăng 0.9m2 so với năm 2023. Cùng với đó, chỉ số ngành xây dựng cũng tăng hơn 6% (tính tới ngày 15/11) so với đầu năm, trong khi VN-Index tăng gần 8%.


Nguồn: VietstockFinance

Trong quý 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lấy ý kiến dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức công tư sửa đổi với 3 điểm lớn trong sửa đổi Luật PPP như: các biện pháp để thúc đẩy triển khai dự án PPP, biện pháp để xử lý các vướng mắc của dự án BT giai đoạn trước và phân cấp, phân quyền cho các cấp để rút ngắn thủ tục thực hiện dự án PPP.

Bộ cũng lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi. Trong đó, điểm thay đổi chính chủ yếu là phân cấp cho UBND tỉnh được chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu công nghiệp, dự án cảng biển loại 1 có quy mô vốn đầu tư dưới 2,300 tỷ đồng nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án.

Đồng thời, Bộ lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi với mục tiêu chính để xử lý phân cấp, phân quyền triệt để nhằm rút ngắn thủ tục, các nội dung chồng chéo giữa các luật. Ngoài ra Bộ còn lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi nhằm xử lý vướng mắc liên quan thủ tục của dự án ODA, dự án có tài trợ vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Thanh Tú

FILI



Source link