Chi tiết

Nghiên cứu thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để mua NOXH

Theo Bộ Xây dựng, gói tín dụng này sẽ đáp ứng tốt các nhiệm vụ trong việc đảm bảo công tác an sinh xã hội về nhà ở.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2024 vừa qua, ông Vương Duy Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, vào ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, hoàn thành khoảng 1.062.200 căn hộ.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 dự kiến hoàn thành khoảng 428.000 căn và giai đoạn 2025-2030 sẽ hoàn thành thêm khoảng 634.200 căn.

Để thực hiện Đề án này, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm việc thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, gói tín dụng này không nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, các ngân hàng thương mại phải tự cân đối nguồn vốn và mức lãi suất ưu đãi chỉ kéo dài ngắn hạn, 3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho người mua nhà.

Nghiên cứu thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để mua NOXH
Nghiên cứu thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để mua nhà ở xã hội. Nguồn ảnh: Thư viện Pháp luật

Về lý do khiến quá trình giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng diễn ra chậm, ông Vương Duy Dũng lý giải rằng chính vì thời gian ưu đãi ngắn nên không thu hút được sự quan tâm từ cả người mua và chủ đầu tư.

Ông Dũng cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất nhưng thời hạn ưu đãi ngắn (3 năm cho chủ đầu tư và 5 năm cho cá nhân) vẫn chưa đủ hấp dẫn. Thêm vào đó, các ngân hàng thương mại phải tự chịu trách nhiệm về lợi nhuận và rủi ro theo quy định pháp luật về tín dụng, mà không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Nhiều chuyên gia đã nhận định, lãi suất vay mua nhà ở xã hội hiện tại còn quá cao so với thực tế, đồng thời kiến nghị cần kéo dài thời gian vay từ 10-15 năm thay vì chỉ 5 năm như hiện nay.

Ông Dũng cũng so sánh với gói vốn đề xuất 30.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách sẽ đáp ứng tốt hơn các nhiệm vụ chính trị của Nhà nước trong việc đảm bảo công tác an sinh xã hội về nhà ở.

Đáng chú ý, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 theo Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội ước tính lên tới 500.000 tỷ đồng, trong khi gói 120.000 tỷ đồng mới chỉ chiếm khoảng 24% tổng nhu cầu.

Do đó, để tăng cường ưu đãi, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu thêm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trong đó 15.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và 15.000 tỷ đồng từ ngân sách địa phương.

Gói này nhằm hỗ trợ người thu nhập thấp và công nhân có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để mua nhà ở xã hội.

Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, việc triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Vì vậy, Bộ Xây dựng đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để sớm đưa gói tín dụng này vào thực tế.



Nguồn tin