Chi tiết

Ngoài BIDV, những ngân hàng nào đã tăng phí SMS Banking?

Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài “Khách hàng “tá hoả” vì phí SMS Banking tăng vọt”, các ý kiến tiếp tục phản ánh không chỉ BIDV mà nhiều ngân hàng khác cũng điều chỉnh phí thông báo biến động số dư (SMS Banking) thời gian qua.

Anh Hoàng Tiến (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM), là tài xế xe công nghệ, cho biết tháng 10 vừa qua, anh nhận được thông báo phí SMS Banking từ tài khoản mở tại VietinBank là 220.000 đồng. Mức phí này tăng nhiều so với trước đây. Đặc biệt, do đặc thù chạy xe công nghệ nên có rất nhiều cuốc xe, cước phí chỉ vài chục ngàn đồng nếu tính phí SMS theo thực tế phát sinh sẽ rất cao, từ vài trăm ngàn đồng tới cả triệu đồng.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều chủ tài khoản ngân hàng cho biết bị trừ vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng phí SMS Banking.

Từ đầu tháng 10-2024, BIDV đã điều chỉnh biểu phí dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản (BSMS) đối với khách hàng phổ thông là 10.000 đồng/thuê bao/tháng dưới 15 tin nhắn. Từ 15 tin nhắn trở lên, phí sẽ tính theo số lượng tin phát sinh thực tế là 700 đồng/tin nhắn SMS.

Ngân hàng này cũng khuyến khích khách chuyển sang nhận thông báo biến động số dư tài khoản qua ngân hàng số BIDV SmartBanking (tin nhắn OTT) hoàn toàn miễn phí.

Trước BIDV, một loạt ngân hàng khác cũng tăng phí dịch vụ SMS Banking.

Ngoài BIDV, những ngân hàng nào đã tăng phí SMS Banking?- Ảnh 1.

Nhiều người vẫn chuộng nhận tin nhắn qua SMS Banking dù các ngân hàng khuyến khích nhận tin nhắn qua app Mobile Banking miễn phí

Vietcombank áp dụng cơ chế tính phí và mức phí duy trì dịch vụ SMS chủ động là 10.000 đồng/tháng/thuê bao nếu khách phát sinh dưới 20 tin nhắn/tháng. Từ 20 tin nhắn/tháng/thuê bao trở lên, ngân hàng này tính phí thực tế là 700 đồng/tin nhắn.

Từ ngày 1-11, Vietcombank cũng ngừng cung cấp dịch vụ SMS chủ động đối với khách hàng chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán phí dịch vụ trong vòng 3 tháng liên tiếp gần nhất.

VietinBank cũng áp dụng cách tính phí SMS Banking là 11.000 đồng/tháng/thuê bao nếu số lượng tin nhắn dưới 14 tin nhắn. Nếu từ 15 tin nhắn trở lên, phí phát sinh thực tế sẽ là 800 đồng/tin nhắn.

Tại Sacombank, khách hàng sử dụng dịch vụ SMS Banking sẽ phải trả phí 15.000 đồng/tháng/thuê bao khi số lượng tin nhắn nhận được dưới 30 tin nhắn. Nếu khách hàng nhận được trên 30 tin nhắn/tháng mức phí phải trả thêm sẽ là 700 đồng/tin nhắn.

VPBank cũng là một trong những ngân hàng thay đổi biểu phí dịch vụ SMS Banking gần đây, theo hướng áp dụng phí cố định sử dụng gói 100.000 đồng/tài khoản thanh toán/thuê bao/tháng và phí theo số lượng tin nhắn thực tế.

Các mức phí sẽ tăng dần theo số lượng tin nhắn phát sinh thực tế, dưới 15 tin nhắn là 10.000 đồng; từ 16-30 tin nhắn là 20.000 đồng/tháng/thuê bao…

Nếu khách hàng của VPBank phát sinh từ 101 tin nhắn SMS mỗi tháng trở lên, phí sẽ là 100.000 đồng và 700 đồng/tin nhắn đối với tin nhắn từ 101 trở lên.

Cùng với việc tăng phí dịch vụ SMS, các ngân hàng cũng khuyến khích khách hàng chuyển sang nhận thông báo biến động số dư trên ứng dụng (app) ngân hàng số để được miễn phí. Theo giải thích của một ngân hàng thương mại, việc chuyển đổi từ sử dụng phí SMS Banking sang miễn phí trên app Mobile Banking sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho cả khách hàng và ngân hàng.

“Bởi mức phí mà ngân hàng tính dựa trên mức phí do công ty viễn thông công bố và chỉ thu phí đối với tin nhắn báo biến động số dư, còn đối với các tin nhắn khác như gửi mã OTP, thông báo thay đổi thông tin cá nhân theo yêu cầu, thông báo nhắc nợ… đều do ngân hàng tự trả phí cho các công ty viễn thông” – một ngân hàng giải thích.

Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng đã nhiều lần kiến nghị các nhà mạng giảm cước phí tin nhắn dịch vụ – đang được tính cao gấp khoảng 3 lần so với phí tin nhắn bình thường.

Hiện tại, các nhà mạng vẫn không giảm cước phí tin nhắn, và đến giờ mức phí SMS thực tế này được “tính đủ” cho khách hàng theo số lượng tin nhắn thực tế phát sinh.

Source link