Chi tiết

Người dân mua bán vàng trên chợ mạng

Nắm bắt thực tế khó mua vàng tại các thương hiệu lớn, nhiều người đã lên chợ mạng rao bán với giá cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng mỗi lượng.

Biết nhiều người muốn mua vàng số lượng lớn nhưng các tiệm kim hoàn khan hiếm nguồn cung, bà Thu (Thủ Đức, TP HCM) thay vì mang 5 lượng nhẫn trơn ra tiệm, quyết định rao bán trên mạng xã hội.

Theo đó, giá bà đưa ra là mức bình quân của giá mua và bán tại SJC. Ví dụ giá mua – bán của SJC là 87 – 89 triệu đồng thì mức giá bà Thu bán sẽ là 88 triệu đồng. Bằng cách này, bà được lợi một triệu đồng mỗi lượng so với bán ở tiệm, người mua cũng có giá mềm hơn.

Ghi nhận của VnEpress cũng cho thấy những ngày gần đây xuất hiện nhiều hội nhóm trao đổi vàng 24K trên mạng xã hội, có nhóm lên đến hơn 65.000 thành viên. Hàng ngày, các bài đăng mua, bán vàng miếng và nhẫn trơn diễn ra sôi nổi, với giá bán cao hơn thị trường 1-3 triệu đồng.

Một bài đăng bán vàng nhẫn với giá cao hơn thị trường 3 triệu đồng một lượng. Ảnh: Quỳnh Trang

Một bài đăng bán vàng nhẫn với giá cao hơn thị trường 3 triệu đồng một lượng. Ảnh: Quỳnh Trang

Không chỉ rao bán, một số tài khoản mạng xã hội cũng thường xuyên đăng bài chuyên thu mua vàng nhẫn các thương hiệu lớn như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, PNJ… giá cao theo thỏa thuận. Ngoài các đầu nậu này, nhiều người dân cũng lên mạng tìm kiếm người bán lại vàng tại các địa phương.

Bà Thu và các hội nhóm trên là những trường hợp mua bán trao tay khá phổ biến hiện nay, trước bối cảnh giá vàng liên tục tăng và lập kỷ lục trong khi các thương hiệu lớn “khan” hàng.

Giá vàng thế giới lập đỉnh liên tiếp, kéo giá vàng trong nước đi lên trong chục ngày qua. Vàng nhẫn trơn tăng từng ngày và thiết lập các mốc kỷ lục mới, lên gần 89 triệu đồng một lượng. Vàng miếng cũng tăng khoảng 4 triệu đồng trong 10 ngày.

Giá vàng tăng nhanh cũng tác động đến tâm lý nhiều người dân. Tại SJC – thương hiệu lớn duy nhất trên thị trường hiện có sẵn vàng miếng và nhẫn trơn – những ngày gần đây, người dân kéo đến xếp hàng dài chờ mua vàng nhẫn. Do cửa hàng giới hạn mỗi lần mua tối đa nửa chỉ nhẫn trơn, nhiều người cho biết phải đi thành nhiều ngày mới gom đủ lượng mong muốn.

Ngoài SJC, phần lớn thương hiệu vàng lớn khác như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu… thường rơi vào tình trạng cháy hàng nhẫn trơn. Nhiều đơn vị gần đây thậm chí dừng việc nhận khách đặt trước. Khách lẻ may mắn mua được nhẫn trơn khi cửa hàng vừa có khách bán ra.

Đầu giờ chiều, rất đông người dân xếp hàng chờ mua vàng nhẫn trơn tại SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), dù chỉ đươc mua tối đa 5 phân mỗi người. Ảnh: Quỳnh Trang

Đầu giờ chiều 23/10, rất đông người dân xếp hàng chờ mua vàng nhẫn trơn tại SJC Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP HCM), dù chỉ được mua tối đa 5 phân mỗi người. Ảnh: Quỳnh Trang

Với vàng miếng còn khó mua hơn. Nhiều người phản ánh thủ tục mua vàng miếng tại 5 đơn vị do Ngân hàng Nhà nước uỷ thác (SJC và 4 ngân hàng quốc doanh) khó khăn hơn nhiều so với trước đây. Số lượng mua cũng hạn chế chỉ 1-2 lượng và áp dụng với khách đã đăng ký thành công trực tuyến. Lượt đặt mua của 4 ngân hàng thường nhanh chóng hết lượt từ sớm. Riêng SJC, vào đầu ngày cũng có bán vàng miếng lẻ cho khách vãng lai chưa đăng ký trước, nhưng số lượng tối đa thường dưới 1 lượng và nhiều người nói không dễ mua được.

Còn tại các thương hiệu được phép kinh doanh vàng miếng khác như PNJ, DOJI, Bảo Tín Minh Châu…. họ đã ngừng việc bán loại hình này ra thị trường nhiều tháng nay, từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp ấn định giá, vì không có nguồn.

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng (VGTA), nhận định nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu khiến người dân buộc phải tìm đến tiệm vàng quen thuộc (dù không có giấy phép mua bán vàng miếng) để mua với giá cao, hoặc mua bán trao tay với những người có nhu cầu.

Bày tỏ lo ngại về việc khan hiếm nguồn cung sẽ tạo ra những biến tướng như tình trạng mua bán vàng “hai giá”, hoặc hình thành thị trường mua bán tự do, ông Khánh đề xuất Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tăng nguồn cung cho thị trường.

Phương án thứ nhất, theo đề xuất của chuyên gia này, là cho phép một số doanh nghiệp vàng đầu ngành được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, nhẫn, nữ trang… Hoặc một giải pháp khác cũng được ông đề cập đến, là cho phép 4 ngân hàng quốc doanh nhập vàng tiêu chuẩn quốc tế, để cung cấp lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Trong bối cảnh các giao dịch trao tay trở nên nhộn nhịp hơn, ông Khánh cũng khuyến cáo người dân cẩn trọng, không nên giao dịch với người lạ qua mạng xã hội vì rủi ro rất lớn, do khó kiểm định chất lượng vàng.

Gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng nhắc nhở người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp phép kinh doanh.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải…

Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Nghị định 88/2019 nêu mức phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.

Quỳnh Trang


Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-dan-mua-ban-vang-tren-cho-mang-4808066.html