Chi tiết

Người dân TP. HCM gửi hơn 1,4 triệu tỷ đồng tiết kiệm vào ngân hàng

Số tiền này chiếm khoảng 36,8-38% trong tổng tiền gửi trên địa bàn.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) – chi nhánh TP. HCM, tính đến cuối tháng 10/2024, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8-38% tổng tiền gửi.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, tiền gửi tiết kiệm dân cư là nguồn vốn ổn định, chủ yếu từ tiền gửi tiết kiệm của người dân. Vì vậy, việc khai thác và sử dụng nguồn vốn này để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành Ngân hàng, đồng thời mang lại hiệu quả cho chính sách tiền tệ và tín dụng.

Cũng theo số liệu từ NHNN chi nhánh TP. HCM, trong 3 tháng gần đây, nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố liên tục tăng trưởng tích cực với tốc độ tăng bình quân trên 1,5%. Tiền gửi từ tổ chức kinh tế và cá nhân (bao gồm tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn) đã tăng 8,3% so với cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh cũng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh ngành ngân hàng thực hiện nhiệm vụ kép, vừa ổn định kinh tế vĩ mô vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, theo đó, tăng trưởng nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng có ý nghĩa quan trọng và phản ánh những tín hiệu tích cực.

Các chuyên gia tài chính lý giải rằng, việc người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng là do nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Giá vàng biến động mạnh với mức tăng hơn 50% kể từ đầu năm, khiến việc đầu tư vào vàng trở nên rủi ro. Đối với nhu cầu tích trữ vàng, người dân chỉ mua khi giá ổn định.

Bên cạnh đó, lãi suất huy động đã tăng nhẹ từ tháng 4/2024. Hiện lãi suất huy động của một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 5-5,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và ở mức 4,5-4,8%/năm cho kỳ hạn 6-9 tháng.



Nguồn tin