Chi tiết

Người trẻ khó mua nhà dù thuế bất động sản Việt Nam thấp

Các loại thuế bất động sản ở Việt Nam và một số quốc gia khác. Ảnh: BĐS

Thuế bất động sản tại Việt Nam thấp hơn các quốc gia khác

Phát biểu tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam – VRES 2024, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định kinh tế, quản lý và xã hội là ba yếu tố chính tác động đến giá bất động sản.

“Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầu người, lạm phát mạnh mẽ. Đồng thời, môi trường lãi suất và hiệu quả đầu tư các kênh trong nước đều củng cố nhu cầu mua bất động sản của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Quốc Anh đánh giá:

Theo khảo sát, bất động sản được đánh giá là kênh đầu tư có lợi suất tốt nhất tại Việt Nam trong 10 năm qua​ với tỷ suất lợi nhuận của loại hình Chung cư đạt 197% và Đất nền đạt 137% vào quý IV/2024 so với quý I/2015.

Yếu tố thứ hai là quản lý với thuế vừa là nguồn thu, vừa là công cụ quản lý thị trường. Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy tỷ trọng thuế bất động sản trong GDP theo quốc gia​ của Việt Nam đang ở mức (0,03%) thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore (1,5%), Nhật Bản (2,6%), Hàn Quốc (4%).

“Thị trường bất động sản Việt Nam mới trải qua khoảng 30 năm và ở giai đoạn khởi đầu, nên việc so sánh với thị trường các quốc gia khác chỉ ở chừng mực nào đó. Nhưng đây cũng là cách để chúng ta có thể nhận định rõ ràng hơn về thị trường bất động sản trong tương lai.

Trên thế giới, có 5 loại thuế bất động sản phổ biến nhất, bao gồm thuế sở hữu, thuế thu nhập, thuế trước bạ, thuế để trống và thuế phát triển. Hầu hết các quốc gia đều áp dụng 3 – 5 loại hình, trong đó, có Việt Nam. Tương lai, Việt Nam cũng có thể áp dụng 2 sắc thuế để trống và phát triển để quản lý thị trường bất động sản”, ông Quốc Anh nhận định.

Tham khảo từ một số quốc gia nổi bật trên thế giới, có thể thấy Thuế bất động sản được sử dụng làm chính sách quản lý thị trường và tối ưu nguồn thu. Tuy nhiên, trước khi áp dụng, nhiều thách thức về lý thuyết và vận hành cần được cân nhắc phù hợp. Điểm nhìn cho Việt Nam nằm ở việc tồn tại nhiều thách thức từ lý thuyết đến áp dụng thuế bất động sản phù hợp.

Một số từ khoá liên quan đến bất động sản nổi bật trên Google. Ảnh: BĐS

Người trẻ vẫn khó mua nhà

Theo khảo sát, “người trẻ khó mua nhà” là cụm từ khóa liên quan đến bất động sản được tìm kiếm nhiều nhất trên Google trong 3 năm liên tiếp 2022, 2023 và 2024.

Theo các chuyên gia, dân số và tốc độ đô thị hóa của Việt Nam cho thấy nhiều cơ hội cho tăng trưởng nhu cầu bất động sản. Xu hướng gia đình nhỏ hơn cũng thúc đẩy nhu cầu mua bất động sản cho thế hệ sau thừa kế và hành trình tự sở hữu nhà của người trẻ. Ngoài ra, về mặt văn hóa, người Việt Nam có nguyện vọng lớn với việc sở hữu bất động sản trong đời.

Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, so sánh lương trung bình và giá nhà của thời xưa – nay, không riêng Gen Z hiện nay mà người trẻ Việt, dù ở giai đoạn nào cùng gặp không ít khó khăn trong việc tự mua nhà.

“Thời điểm năm 2004, một cá nhân thuộc thế hệ 7x mất khoảng 31,3 năm thu nhập để mua được một căn chung cư (60m2) giá 0,6 tỷ đồng, trong điều kiện lãi suất huy động là 7,4%.

Sau 10 năm, số năm thu nhập để một cá nhân thuộc thế hệ 8x mua được căn hộ như trên là 22,7 năm. Giá căn hộ đã tăng lên 1,5 tỷ đồng trong khi lãi suất huy động giảm còn 6%.

Đến năm 2024, một cá nhân 9x cần 25,8 năm thu nhập để mua căn hộ trên (giá 3 tỷ đồng) trong điều kiện lãi suất huy động là 4,5%. Tuy số năm thu nhập và lãi suất đã giảm dần theo thời gian nhưng nhìn chung, người trẻ thuộc các thế hệ vẫn cần nỗ lực trong thời gian dài mới có thể tự sở hữu nhà”, đại diện Batdongsan.com.vn cho biết.

Dù vậy, người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung vẫn kỳ vọng cao về việc sở hữu bất động sản trong đời​, với các lý do phổ biến gồm lợi suất cao và ổn định, thị trường tài chính chưa phát triển, sự công nhận từ xã hội và tài sản – nơi sinh sống cho gia đình.



Nguồn