Chi tiết

Người Việt tăng tiết kiệm

Lạc quan hơn về tình hình kinh tế và tài chính cá nhân nhưng người Việt đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu hơn.

Chị Thu Hà dự kiến đến Tết sẽ trả xong 100 triệu đồng còn lại lúc vay mua căn hộ ở huyện Hoài Đức (Hà Nội). Tháng vừa qua, chị còn nhận được thông báo tăng lương nhưng vẫn giữ vững tinh thần tiết kiệm. “Gia đình tôi không ăn ngoài và ăn vặt trừ khi có dịp kỷ niệm đặc biệt nên giảm được gần 2 triệu đồng so với trước”, chị nói.

Sau một đợt khủng hoảng nợ thẻ tín dụng và mất tiền vì một vụ lừa đảo vào giai đoạn tháng 7- 9/2024, An Nguyễn, 30 tuổi (quận Bình Thạnh, TP HCM) nói “làm lại cuộc đời” kể từ tháng 10. Anh vạch kế hoạch dành tối thiểu 20% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm dài hạn.

“Tôi nghĩ hạnh phúc gia đình phụ thuộc nhiều vào tài chính. Giờ tôi đặt mục tiêu cụ thể, phân chia mức độ ưu tiên: bắt buộc, cần thiết, không có cũng được trong các khoản chi”, An nói.

Khảo sát quý III của công ty nghiên cứu thị trường NielsenIQ (NIQ) chỉ ra rằng người tiêu dùng Việt Nam đã lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế và tình hình tài chính cá nhân. Nhưng họ không bung tiền mua sắm mà còn tiết kiệm hơn trước.

Có đến 45% người được hỏi nghĩ kinh tế đất nước không suy thoái, tăng 3 điểm phần trăm so với quý I. Đồng thời, 67% cho biết tình hình tài chính cá nhân tốt hơn, đi lên đều đặn trong 4 quý liên tiếp gần đây.

Dù vậy, người Việt chủ động kiểm soát chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm hơn. Có 83% được hỏi nói tiết kiệm là thói quen và 75% nói không bao giờ để hết tiền trong túi. Cùng kỳ quý III/2023, hai thói quen này lần lượt ở mức 77% và 63%. Ngoài ra, 72% muốn tiết kiệm cho dài hạn, tăng 6 điểm phần trăm.

Bà Linh Dương, Quản lý cấp cao bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng & Thông tin Thị trường NIQ lý giải tâm lý trên do nhiều khách hàng cảm thấy giá hàng tạp hóa, nhu yếu phẩm tăng 6 tháng qua. “Vì vậy, họ có xu hướng tiết kiệm hơn để tạo an tâm cho tài chính gia đình”, bà nói.

Ngoài ra, nhiều người còn tranh thủ tiết kiệm để phòng thân khi ốm đau vì lo chi phí cho y tế tăng, theo bà Thảo Huỳnh, Trưởng nhóm Nghiên cứu ngành tại Việt Nam của NIQ. Theo khảo sát, 50% cho biết chi phí y tế và sức khỏe gia tăng là mối quan tâm hàng đầu. Chị Thu Hà cũng xác nhận động lực chính giữ kỷ luật chi tiêu cho gia đình là sợ tốn kém nhiều khi gặp bệnh tật.

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM ngày 18/6/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Người dân mua hàng tại một siêu thị ở TP HCM ngày 18/6/2023. Ảnh: Thanh Tùng

Hai cách tiết kiệm phổ biến của người Việt là điều chỉnh lại hành vi mua sắm, lối sống và gửi tiền vào ngân hàng. 73% được hỏi nói có thực hành tránh lãnh phí như chỉ mua sắm những sản phẩm cần thiết, 47% dành nhiều thời gian ở nhà hơn.

“Làm việc tại nhà giúp tiết kiệm chi phí đi lại. Mọi người cũng cân nhắc kỹ hơn khi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí và việc mua số lượng lớn để tích trữ giờ ít phổ biến, thay bằng mua đủ dùng”, bà Linh Dương chỉ ra.

Thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng chậm lại ở mức 8,5% so với mức 9,8% của cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 4,6%, so với cùng kỳ là 7,3%, theo Tổng cục Thống kê.

Trong khi đó, lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng tăng lập kỷ lục mới, đạt 6,92 triệu tỷ đồng đến tháng 8, tăng 6% so với thời điểm cuối năm 2023, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước. Trong khảo sát quý III của NIQ, 61% người tiêu dùng nói thích tiết kiệm hơn đầu tư. Vào cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này là 54%.

Xu hướng tiết kiệm trong chi tiêu của người Việt vẫn mở ra những cánh cửa kinh doanh cho doanh nghiệp nắm được thị hiếu và thói quen. Chuyên gia lưu ý rằng người tiêu dùng đang giới hạn chi tiêu nhưng không đồng nghĩa họ chấp nhận mua hàng kém chất lượng hơn.

Bà Thảo Huỳnh cho hay đang có sự phân cực trong hàng hóa tiêu dùng. Trong 4 nhóm phân khúc giá gồm: tiết kiệm, phổ thông, cao cấp và siêu cao cấp thì đang tăng trưởng tốt là nhóm phổ thông (chiếm 50% tỷ trọng) chứ không phải tiết kiệm. Phân khúc siêu cao cấp cũng phát triển, nhất là xu hướng ưu chuộng các thực phẩm đắt tiền có lợi cho sức khỏe, nguồn gốc tự nhiên hay hữu cơ.

Nguyên nhân do cấu trúc “dân số vàng” đang dần tiến tới già, trong khi các vấn đề sức khỏe – như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, đột quỵ – có xu hướng trẻ hóa. Kết hợp với chi phí y tế ngày càng tăng, mọi người muốn phòng bệnh hơn chữa bệnh. “Lựa chọn ít đường hoặc không đường vốn phổ biến trong dòng sữa nước nay đã lan rộng sang nhiều loại thực phẩm khác”, bà Thảo Huỳnh ví dụ.

Ngoài tập dụng xu hướng tốt cho sức khỏe, doanh nghiệp có thể chú ý phân phối thêm qua thương mại điện tử. Ngược chiều với bán lẻ trực tiếp – nhất và các chợ truyền thống – sức mua ở kênh này liên tục tăng. Báo cáo “e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek, Bain & Co dự báo quy mô thương mại điện tử Việt Nam năm nay đạt 22 tỷ USD, tăng 18% so với 2023.

Hiện 61% người tiêu dùng được hỏi nói có mua sắm online để tiết kiệm, theo NIQ. “Đang có sự chuyển dịch mua hàng từ kênh truyền thống sang trực tuyến để tận dụng nhiều ưu đãi hơn”, bà Linh Dương nói. Thành công của các đợt ưu đãi mua sắm trực tuyến ngày đôi phản ánh điều này.

Trên Shopee, nhiều người tận dụng ngày 11/11 vừa qua để săn đồ mỹ phẩm và vệ sinh nhà cửa, với lượng đơn hàng gấp 6-7 lần so với thông thường. Suốt 2 tuần chiến dịch khuyến mại, người tiêu dùng đã tận dụng các ưu đãi để tiết kiệm tổng cộng 2.300 tỷ đồng, với riêng 00 tỷ đồng tiền miễn phí vận chuyển.

Lazada dự báo nhu cầu mua sắm online còn tiếp tục bùng nổ cuối năm, với giá trị trung bình mỗi đơn hàng vào cao điểm có thể tăng đến 4 lần thông thường. Bà Đoàn Trang Hà Thanh, Giám đốc vận hành Lazada kỳ vọng lượng truy cập và doanh thu (GMV) có thể tăng hai con số nhờ các chiến dịch giảm giá trực tiếp và kết hợp với các hoạt động tương tác qua game, livestream.

Viễn Thông


Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-viet-tang-tiet-kiem-4819061.html