Chi tiết

Nguy cơ thuế cao khi “siết” nguồn gốc gỗ

Xu hướng bảo hộ hàng hoá cũng như “siết” xuất xứ tại Mỹ có thể khiến ngành gỗ Việt Nam tiếp tục đối mặt các biện pháp trừng phạt thuế suất cao nếu vi phạm nhưng đồng thời cũng đón cơ hội từ dòng đầu tư mới.

xknongsan0.jpg

Thị trường Mỹ là thị trường rất quan trọng khi chiếm khoảng 50% – 55% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vươn tới 170 thị trường thế giới, trong đó 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ. Tính chung cả 10 tháng của năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2023, tiến sát mục tiêu 14,2 tỷ USD của cả năm 2024.

Cơ hội đặc thù

Hiện thời điểm cuối năm, đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp đang thuận lợi. Trong đó, nhiều công ty đã có đơn hàng sản xuất đến giữa năm 2025. Đáng chú ý, thị trường Mỹ, nơi đóng góp hơn 55% tổng kim ngạch của ngành đang phục hồi rõ rệt.

Với chính sách áp thuế cao hàng hóa từ Trung Quốc của tân Tổng thống Donald Trump thì có khả năng, xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam vào thị trường này sẽ tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, song hành với đó là áp lực về nguồn gốc gỗ và sản xuất bền vững. Điều này buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh nguồn gốc và phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về xuất xứ và bảo vệ môi trường. Áp lực về đơn hàng giảm, chi phí logistics cao sẽ khiến doanh nghiệp ngành gỗ “khó chồng khó”.

Cùng với đó, cũng cần kiểm soát chặt chẽ dòng đầu tư, nhất là doanh nghiệp gỗ nước ngoài chuyển đến Việt Nam sản xuất để xuất khẩu vào Mỹ. Bởi nguy cơ khi nhập khẩu gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh, thì khả năng Mỹ sẽ áp dụng biện pháp phòng vệ với đồ gỗ Việt Nam, dẫn đến khó khăn cho chính doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, ở nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp bảo hộ hàng hoá. Quốc gia này tiến hành điều tra nhiều vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ từ Việt Nam, đặc biệt là đồ gỗ xuất khẩu từ Việt Nam được cho là “đội lốt” và có nguồn gốc từ các quốc gia khác như Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng yêu cầu Việt Nam tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm xuất siêu và điều chỉnh chính sách tỉ giá. Do đó, việc ông Trump đắc cử tổng thống lần này, ngành gỗ Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với những thách thức tương tự nhưng đồng thời cũng có thể tận dụng các cơ hội đầu tư và phát triển mới.

Khuyến nghị từ thực tế

Để hạn chế những rủi ro, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào Mỹ nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nói riêng cần chú ý đến các chính sách, quy định mới, đặc biệt chính sách định giá để tránh vi phạm quy tắc chống bán phá giá của Mỹ. Cần một kế hoạch kinh doanh dài hạn nhưng linh hoạt, có phương án dự phòng rủi ro là điều cần thiết. Đồng thời, cảnh giác với các hành vi gian lận, lừa đảo trong thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu thương mại, tăng tương tác và thắt chặt quan hệ giao thương để hai bên hiểu nhau hơn là biện pháp giảm rủi ro cho Việt Nam trước chính quyền mới.

Doanh nghiệp trong nước cần xây dựng quan hệ đối tác lâu dài với các doanh nghiệp Mỹ để không chỉ dừng lại ở vai trò nhà cung cấp mà còn thiết lập các quan hệ đối tác chiến lược từ phát triển sản phẩm chung, hợp tác nghiên cứu thị trường đến cung ứng dài hạn để ứng phó với những biến động thị trường. Hơn nữa, khi chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ, cải tiến và nâng cao năng lực để đảm bảo vị thế trong chuỗi giá trị, gia tăng giá trị hàng hoá xuất khẩu.

Về phía các cơ quan quản lý cũng nên chủ động theo dõi, đánh giá các xu hướng, quy định mới để thông tin kịp thời, hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp và không trái với cam kết quốc tế… Đồng thời nghiên cứu các giải pháp điều chỉnh các quy định có tính thích ứng với các xu hướng mới.

Nguồn