Brazil dễ thay Mỹ bán nông sản cho Trung Quốc
Kịch bản ông Trump thắng cử có thể dẫn đến các loại thuế mới đối với Trung Quốc, khiến nông dân Hoa Kỳ có thể mất hàng tỷ USD khi thương mại bị chuyển hướng sang các quốc gia cạnh tranh như Brazil.
“Nếu xảy ra thương chiến Mỹ – Trung 2.0, tính cạnh tranh của sản phẩm Hoa Kỳ sẽ giảm so với sản phẩm của Brazil,” Ana Luiza Lodi, nhà phân tích tại StoneX Group, cho biết và nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tìm cách nhập khẩu càng nhiều càng tốt từ Brazil, thúc đẩy nhu cầu và tăng giá xuất khẩu tại Brazil so với tại Chicago.
Trung Quốc là đối tác hàng đầu của các nhà sản xuất nông sản Mỹ, đặc biệt là ngô và đậu nành thiết yếu cho ngành chăn nuôi khổng lồ của nước này. Thế nhưng, một cuộc chiến thương mại giả định tương tự như trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump năm 2018 có thể khiến nông dân Hoa Kỳ mất hàng tỷ USD, theo Hiệp hội Trồng ngô Quốc gia và Hiệp hội Đậu nành Hoa Kỳ.
“Kể từ khi các loại thuế trả đũa được áp đặt vào mùa hè năm 2018 đến cuối năm 2019, thiệt hại từ xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ vượt quá 27 tỷ đô la Mỹ, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 95% giá trị tổn thất,” báo cáo cho biết.
Một lựa chọn trả đũa của Trung Quốc là hủy bỏ quy định miễn thuế đối với nông sản Hoa Kỳ. Nếu điều này xảy ra, ước tính xuất khẩu đậu nành của Hoa Kỳ sang Trung Quốc có thể giảm tới 16 triệu tấn, tức hơn 50%. Xuất khẩu ngô sang Trung Quốc dự kiến giảm hơn 84%, tức khoảng 2,2 triệu tấn. Các thiệt hại còn lớn hơn nếu Trung Quốc áp đặt các loại thuế trả đũa mới trong một cuộc chiến thương mại mới.
Giống như cuộc chiến thương mại năm 2018, ngành nông nghiệp Hoa Kỳ khó có thể tìm đủ thị trường mới để bù đắp các thiệt hại đó. “Chúng ta sẽ cần tập trung vào các thị trường lớn khác như Mexico để thay thế Trung Quốc, nhưng Mexico cũng có rủi ro gián đoạn thương mại dưới thời ông Trump,” Tanner Ehmke, nhà kinh tế trưởng về ngũ cốc và hạt có dầu của ngân hàng nông nghiệp CoBank, nhấn mạnh và cho biết thêm: “Mexico cũng sẽ dựa vào nông sản Nam Mỹ để thay thế bất kỳ thương mại nào bị mất với Hoa Kỳ.”
Thay đổi chính sách do cựu Tổng thống Donald Trump đề xuất đang gây chú ý cho cả nền thương mại toàn cầu khi ông đe dọa mức thuế mới từ 10% đến 20% đánh lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Trung Quốc có lý do để lo ngại nhất, khi ông Trump nhấn mạnh đe dọa tăng cường các loại thuế hiện tại đối với hàng hóa Trung Quốc bằng cách áp thuế 60% lên tất cả hàng nhập khẩu từ nước này. Những loại thuế mới này có thể dẫn tới việc trả đũa thương mại từ Trung Quốc, đối tác lớn nhất của ngành nông nghiệp Hoa Kỳ.
Brazil vẫn sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc chuyển đổi đối tác thương mại. Ngành nông nghiệp của Brazil đã tăng trưởng đều đặn kể từ khi sản xuất nhiều đậu nành hơn Hoa Kỳ vào năm 2012, theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
USDA cho biết năm ngoái rằng Brazil sẽ chiếm gần 61% thị phần xuất khẩu đậu nành toàn cầu vào năm 2032. Các nhà phân tích cho rằng con số này có thể tăng sớm hơn với việc áp đặt các loại thuế mới.
Việt Nam cũng hưởng lợi ở nhiều ngành
Đối với Việt Nam, căng thẳng thương mại tiềm tàng giữa hai đối tác thương mại hàng đầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng cũng có thể đem lại cơ hội cho các ngành hàng xuất khẩu như dệt may, đồ điện tử, và nội thất sang Mỹ.
Mỹ đã nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 114 tỷ USD hàng hóa vào năm 2023, một con số tăng đáng kể so với mức 50 tỷ USD năm 2018 khi chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu.
Đặc biệt, các ngành hàng như dệt may và đồ điện tử đã chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam, với Việt Nam hiện cung cấp tới 60% lượng hàng mà trước đó Mỹ nhập từ Trung Quốc
Bên cạnh đó, sự gia tăng đầu tư từ các công ty Trung Quốc tại Việt Nam cũng giúp Việt Nam phát triển cơ sở sản xuất cho các sản phẩm điện tử và linh kiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ Mỹ. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, với khoảng 80% giá trị xuất khẩu điện tử của Việt Nam vào Mỹ năm 2022 được nhập từ Trung Quốc.
Theo các chuyên gia từ Harvard Business School, Việt Nam được coi là một điểm thay thế đáng tin cậy bởi vị trí địa lý thuận lợi và chi phí sản xuất cạnh tranh. Các nhà nghiên cứu Ebehi Iyoha và Jaya Wen của Harvard cho rằng, mặc dù một số hàng hóa từ Trung Quốc có thể được tái xuất qua Việt Nam, việc cung ứng gia tăng cho Mỹ vẫn mang lại giá trị gia tăng đáng kể cho nền kinh tế nhờ đầu tư mới, tăng trưởng sản xuất và tạo việc làm trong nước.