(ĐTCK) Với tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 70 tỷ USD, lượng công việc mang lại cho các tổ chức tham gia sẽ là khá lớn.
Trong tuần giao dịch từ ngày 23/09 đến ngày 27/09, bộ đôi cổ phiếu ngành đường sắt SRT và HRT trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý nhờ hiệu ứng tích cực từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong những phiên đầu tuần, 2 cổ phiếu đồng loạt tăng trần, đóng cửa phiên cuối tuần, HRT đánh dầu mức tăng gần 22% so với tuần trước, trong khi SRT tăng xấp xỉ 49%.
Vào tuần trước (18/09), Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về đề án chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam và kết luận đây là công trình rất quan trọng và cần thiết.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có chiều dài 1.541 km, quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, hạ tầng thiết kế với tốc độ 350km/h. Dự án bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Trên toàn tuyến có 23 ga khách với cự ly trung bình khoảng 67km, 5 ga hàng gắn với các đầu mối hàng hóa.
Tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 70 tỷ USD. Về lộ trình dự kiến, Bộ Giao thông Vận tải đã có đề xuất ưu tiên nguồn lực để khởi công 2 đoạn Hà Nội – Vinh và TP.HCM – Nha Trang (642km) vào cuối năm 2027. Đoạn Vinh – Nha Trang (899km) dự kiến sẽ được khởi công trước năm 2030. Mục tiêu phấn đấu hoàn thiện toàn bộ tuyến đường vào năm 2035.
Theo đánh giá mới đây của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), dự án này đang rất cấp thiết để bắt đầu khi hạ tầng Việt Nam đang là rào cản cho sự phát triển kinh tế.
Việt Nam hiện đã có đủ năng lực tài chính, đảm bảo trong khả năng đầu tư. Bộ Tài chính đánh giá đến năm 2030, dự án hoàn toàn đáp ứng 3 tiêu chí về an toàn nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, hai chỉ tiêu về trả nợ trực tiếp của Chính phủ và bội chi ngân sách tăng nhẹ. Dự kiến thời điểm triển khai vào năm 2027, quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Mặt khác, theo giá trị và kế hoạch – công nghệ xây dựng hiện tại, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 67 tỷ USD. Bình quân khoảng 43 triệu USD/km, thấp hơn suất đầu tư của Indonesia là khoảng 52 triệu USD/km. Và ở mức trung bình so với các nước trên thế giới.
Ước tính chi phí cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với chiều dài 1,541km là 70 tỷ USD. (Nguồn: YSVN) |
YSVN cho rằng, do tổng vốn đầu tư cao, lượng công việc mang lại cho các tổ chức tham gia sẽ là khá lớn. Không chỉ các doanh nghiệp đường sắt như HRT và SRT được hưởng lợi khi có khả năng sẽ được giao vận hành, quản lý dự án, YSVN chỉ ra nhiều ngành liên quan cũng được hưởng lợi.
Thứ nhất, sắt thép là nguyên vật liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất cho dự án. Chính phủ cũng sẽ ưu tiên sử dụng sắt thép trong nước. Các doanh nghiệp được hưởng lợi bao gồm: HPG, HSG và NKG. Trong đó, YSVN ưu tiên HPG nhờ lợi thế thép HRC và Dung Quất 2 giúp mở rộng năng lực sản xuất.
Thứ hai, các ngành vật liệu xây dựng khác gồm đá, xi măng, gạch ốp lát. Ngành đá sẽ ưu tiên các doanh nghiệp còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới (DHA, KSB, VLB). Ngành xi măng và gạch ốp lát hướng đến các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực sản xuất lớn, lần lượt là HT1, BCC và PTB, VCS.
Thứ ba, các nhà thầu xây dựng có thể giành lấy các hợp đồng thầu phụ (dù tổng thầu và các bên tư vấn nhiều khả năng là doanh nghiệp nước ngoài). Các doanh nghiệp đầu ngành, có chuyên môn cao và uy tín có thể xem xét gồm: CTD, FCN, C4G, CC1, VCG, HHV.
Thứ tư, nhóm xây dựng điện và thiết bị điện sẽ là các doanh nghiệp đầu ngành, năng lực sản xuất lớn gồm PC1, TV2 và GEX.
Thứ năm, các ngân hàng quy mô lớn, có chi phí vốn thấp nhất và lãi suất cho vay thấp nhất sẽ có thể tham gia cho vay dự án. Các ngân hàng quốc doanh được ưu tiên lựa chọn gồm: VCB, BID, CTG.
Thứ sáu, ngành bất động sản sẽ được hưởng lợi khi giá trị quỹ đất dọc theo tuyến đường sẽ gia tăng giá trị, nhưng chưa có bản vẽ tuyến đường nên chưa xác định được các doanh nghiệp cụ thể.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/nhan-dien-cac-co-phieu-nhom-nganh-huong-loi-tu-du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-post354737.html