Chiều 8/11, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Đại học (ĐH) Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (HCM) và Hiệp hội bán dẫn Semi tổ chức Diễn đàn “Hợp tác toàn cầu trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn”.
Sự kiện có sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN), tổ chức và chuyên gia trong lĩnh vực bán dẫn ở trong và ngoài nước như Intel, CMC, Dassault Systemes, Trường ĐH VinUni, ĐH Quốc gia Chungnam (Hàn Quốc)…
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Tâm cho rằng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.
“Sự đầu tư, hỗ trợ vào nguồn nhân lực trẻ Việt Nam là chìa khóa để mở cánh cửa tương lai tươi sáng và bền vững hơn, mang lại lợi ích to lớn cho cả Việt Nam và cả DN”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm phát biểu.
Thách thức…
Chia sẻ tại Diễn đàn. bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. HCM cho biết hiện nay, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin Thị trường Lao động TP. HCM, Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động trong lĩnh vực bán dẫn đất nước, và trong số đó, chỉ 20% kỹ sư đạt tiêu chuẩn cho ngành công nghệ cao; phần còn lại cần phải được đào tạo thêm.
Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 30.000 – 50.000 kỹ sư trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện tại, khoảng 74% kỹ sư trong ngành này tập trung tại TP. HCM, trong đó 50% được đào tạo từ ĐH Quốc gia TP- một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch và bán dẫn tại Việt Nam.
Dựa trên phân tích, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 5 thách thức lớn:Thứ nhất, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, trong khi Việt Nam còn khá tụt hậu;Thứ hai, nguồn nhân lực giảng viên và chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn còn rất thiếu;Thứ ba, hệ thống phòng thí nghiệm hiện tại còn lạc hậu và lỗi thời;Thứ tư, mối liên kết giữa DN và các trường đại học còn lỏng lẻo, chưa có sự gắn kết chặt chẽ;Thứ năm, nhận thức của sinh viên và người dân về ngành công nghiệp bán dẫn còn mới mẻ và hạn chế.
Bà Mai cho biết, mặc dù ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị đi đầu trong cả nước về đào tạo trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, với kinh nghiệm hơn 20 năm, nhưng hiện nay đội ngũ giảng viên trong ngành này còn rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay… “Do đó, chúng tôi nhận thấy cần phải đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên giỏi thì mới có thể đào tạo ra những thế hệ sinh viên xuất sắc”.- Bà Mai cho hay
Để giải quyết vấn đề này, ĐH Quốc gia TP.HCM dự định triển khai các chính sách nhằm đưa giảng viên và các cán bộ trẻ đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Sau khi học hỏi các kiến thức và công nghệ mới, họ sẽ trở về để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn.
Hiến kế …
Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Đỗ Thị Thu Hương, Giám đốc Quan hệ chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Intel cho rằng, có ba lĩnh vực nên tập trung để tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục, chính phủ và DN.
Thứ nhất, phát triển và điều chỉnh chương trình giảng dạy với những tư vấn của các DN. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể hỗ trợ tài chính, nguồn lực và chính sách để phát triển chương trình giảng dạy này.
Thứ hai, chương trình thực tập và học bổng. Hiện Intel đang tiếp nhận hàng chục sinh viên thực tập tại cơ sở ở TP. HCM mỗi năm. Chương trình thực tập này mang lại cơ hội được hướng dẫn, đào tạo và trải nghiệm thực tế cho sinh viên. Chính phủ cũng có thể hỗ trợ các DN trong việc tiếp nhận sinh viên thông qua các chương trình hỗ trợ thích hợp.
Thứ ba, chương trình hợp tác R&D giữa các trường ĐH và DN để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Các chương trình hợp tác này có thể là những dự án chung giữa DN và ĐH.
“Từ khi Intel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam, thông qua các chương trình khác nhau, chúng tôi đã góp phần đào tạo khoảng 8.000 – 10.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn”- đại diện Intel thông tin.
Khẳng định ngành công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực đặc biệt, đòi hỏi nhiều đầu tư để xây dựng các chương trình giáo dục và các yếu tố hỗ trợ khác, ông Huỳnh Phú Minh Cường, Phó Trưởng khoa Kỹ thuật điện và điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM, ĐH Quốc gia TP. HCM nhấn mạnh vai trò của Chính phủ.
“Giáo dục từ các trường ĐH là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ; cần có sự hỗ trợ từ cả ngành công nghiệp và từ phía chính phủ”- ông Cường đề nghị.
Trong khi đó, ông Yeonsang Park, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu bán dẫn liên trường, ĐH Quốc gia Chungnam cho rằng, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc đào tạo.
“Tại Hàn Quốc, trong giai đoạn đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, chính phủ đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với các công ty quốc tế, gửi sinh viên ra nước ngoài và tiếp cận công nghệ cao cấp.Tôi cho rằng Việt Nam cũng cần áp dụng mô hình tương tự. Trong giai đoạn đầu phát triển, chính phủ nên nỗ lực xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ với các công ty toàn cầu và kết nối các trường ĐH với DN. Tôi tin rằng đây là điều quan trọng nhất”- ông Yeonsang Park quả quyết.
Đồng tình với quan điểm này, ông Laurent El Ghaoui, Hiệu phó, Trường ĐH VinUni, cho rằng hợp tác quốc tế nên không chỉ dừng ở Chính phủ mà còn từ hiệp hội DN.
“Hiện nay, nhiều DN tự tổ chức chương trình thực tập riêng. Tại sao không cùng nhau xây dựng một liên minh? Dù mỗi DN đóng góp nhỏ, khi hợp lại sẽ tạo ra sự thay đổi lớn. Đây sẽ là mô hình hợp tác quốc tế lý tưởng cho Việt Nam”, đại diện VinUni gợi ý.