Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có thể sẽ điều chỉnh từ từ, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới.
Nếu xét theo định giá, giá nhiều cổ phiếu đã không còn hấp dẫn. Do đó, các nhà đầu tư (NĐT) nên cẩn trọng khi xuống tiền.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý II/2024 đạt 6,93%, đây là mức tăng trưởng quý II cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Như vậy, tăng trưởng 6 tháng đầu năm nay đạt 6,42%, vượt xa mức 3,84% trong nửa đầu năm 2023 cũng như dự báo của nhiều tổ chức như World Bank (WB), Ngân hàng UOB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Hầu hết các tổ chức này đều cho rằng tăng trưởng quý II của Việt Nam chậm lại trong khoảng 5-6% và duy trì vùng này cho cả năm 2024.
Cũng theo báo cáo này, ở từng lĩnh vực đã thiết lập nhiều kỷ lục. Xuất khẩu trong 6 tháng đạt hơn 190 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt kỷ lục 185 tỷ USD thiết lập trong nửa đầu năm 2022. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức kỷ lục mới 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử có thặng dư ngân sách, với tổng thu đạt 1,02 triệu tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong khi đó tổng chi ngân sách hơn 803 nghìn tỷ đồng. Khách quốc tế trong 6 tháng tăng 58,4% lên mức cao kỷ lục 8,8 triệu lượt, cao hơn 4,1%.
>>> Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng mạnh, cổ phiếu ngành logistics có hấp dẫn?
Tuy nhiên, phản ứng của TTCK ngay phiên đầu tiên tháng 7 lại không như số liệu công bố khi chỉ số VN-Index có thời điểm giảm 5 điểm trước khi tăng lại cuối phiên nhờ lực đẩy của nhóm cổ phiếu lớn, như VCB, HPG, FPT… Thị trường tháng 7 quay trở lại đà tăng với 3 phiên tăng liên tiếp kéo chỉ số này quay lại gần mốc 1.280 điểm. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh. Giá trị giao dịch sàn HSX chỉ đạt khoảng 13.000 tỷ đồng/phiên (giảm mạnh so với bình quân những tuần trước đó trên 20.000 tỷ đồng/phiên).
Quan sát với từng cổ phiếu cũng nhận thấy không có cổ phiếu nào tạo ra đà tăng có tính chất dẫn dắt hoặc tạo ấn tượng với thị trường. Những cổ phiếu tăng hỗ trợ thị trường như HPG, DGC, VHC, POW… hầu như chỉ đang loanh quanh dưới đỉnh. Một số cổ phiếu tăng mạnh như TLG, MWG không duy trì được 2 phiên khi cầu mua trở nên yếu thế. Ngược lại, những cổ phiếu tăng nóng trong thời gian qua như ACV, FOX, VTP… giảm khá mạnh so với vùng đỉnh, thậm chí cổ phiếu FOX còn bị bán sàn trước khi nó hồi phục. Nhóm những cổ phiếu này đã giảm khoảng 10% so với đỉnh, ví dụ như ACV đang giao dịch ở mức 117.000 đồng/cổ phiếu so với đỉnh 135.000 đồng/cp. Hay cổ phiếu FOX đang giao dịch ở mức 99.000 đồng/cp, giảm so với đỉnh 114.000 đồng/cp.
Chỉ số VN-Index đóng cửa phiên 3/7 tại mốc 1.276,8 điểm, giảm khoảng 25 điểm so với đỉnh, nhưng nhiều cổ phiếu giảm 5-10%, thậm chí sâu hơn. Trong khi đó, thanh khoản giảm mạnh cho thấy dường như thị trường không đón nhận quá tích cực với các thông tin vĩ mô, hoặc là mọi thứ đã được phản ánh trước đó. Đây là thông tin quan trọng, nhưng nó lại không tạo ra sự hứng khởi cho nhà đầu tư (NĐT), thay vào đó là sự phân hóa. Vì vậy, đà hồi phục lần này sẽ bị đặt nhiều dấu hỏi.
Những điều cần lưu ý
Có một vài điểm cần lưu ý. Thứ nhất, kể từ tháng 11/2023 đến nay có rất nhiều cổ phiếu tăng giá, thậm chí nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh 300-400% như CTR, FRT, FOX, FPT, VTP… Nhiều nhóm ngành được gọi tên trong giai đoạn này như nhóm chứng khoán, thép, ngân hàng, công nghệ, bán lẻ… Tuy nhiên, TTCK đã trở thành thị trường đầu cơ thời gian dài vừa qua khi tăng mạnh theo bất cứ thông tin nào. Một số cổ phiếu như MFS hay ELC chỉ cần có chữ công nghệ là tăng giá bất chấp kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đang kém khả quan.
Những NĐT ưa thích nhóm cổ phiếu công nghệ đang chạy theo xu hướng của thế giới với các cổ phiếu như Alphabet, Ndivia, Microsoft… và các xu thế làm bán dẫn tại Việt Nam đang dâng cao. Việc Thủ tướng Chính phủ vừa thăm chính thức Hàn Quốc và làm việc với các đối tác trong ngành bán dẫn nước này càng mang lại nhiều hy vọng cho ngành này trong tương lai. Tuy nhiên, những NĐT vào nhóm ngành này sẽ phải chấp nhận nắm giữ cổ phiếu công nghệ đủ lâu để chờ ngày hái quả ngọt bởi thực tế hoàn toàn khác với các thông tin đang có.
Thứ hai, việc khối ngoại bán ròng quyết liệt cho thấy TTCK Việt Nam có vẻ không thực sự còn hấp dẫn với họ cho dù họ cũng đang kỳ vọng lớn vào việc nâng hạng thị trường. Việc bán ròng với giá trị quá lớn và mạnh như trên tạo áp lực không nhỏ, đặc biệt là họ bán ở vùng giá rất cao như hiện nay.
Thứ ba, các rủi ro địa chính trị vẫn đang ở mức rất cao và có thể hướng thế giới tới những câu chuyện khó đoán định trong tương lai. Ví dụ như tại Pháp, nếu Đảng cực hữu thắng trong cuộc bầu cử đầu tháng 7 này, sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt. Đặc biệt là cuộc bầu cử tại Mỹ cuối năm nay khi mà màn tranh luận vừa qua đang khiến Tổng thống đương nhiệm mất điểm lớn.
Như vậy, xét theo ngắn hạn, NĐT có thể đang kỳ vọng vào mùa báo cáo bán niên chuẩn bị công bố, nhưng nhiều khả năng mùa báo cáo này sẽ không có bất ngờ. Do đó, thị trường có thể sẽ sớm quay lại xu hướng điều chỉnh giảm.