Nhiều dự án chờ gỡ vướng
Bà Phạm Thị Thuý Hà, Trưởng ban Quản lý đấu thầu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, từ khi thực hiện Quy hoạch Điện VI, Điện VII, Chính phủ đã có cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án công trình điện khẩn cấp, chủ yếu là tập trung đấu thầu trước một số thiết kế kỹ thuật của các gói thầu. Nhờ đó, nhiều dự án do EVN làm chủ đầu tư rút ngắn được thời gian triển khai khoảng 6 tháng.
Theo bà Hà, cơ chế đặc thù được đưa vào Quyết định 2414/QĐ-TTG năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện đã hết hiệu lực. Vừa qua, khi triển khai dự án Đường dây 500 kV mạch 3, EVN đã “đấu thầu trước” 226 gói thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị, mỗi gói thầu tiết kiệm được 22 – 40 ngày, góp phần đưa dự án về đích sớm chỉ sau 6 tháng.
Tuy nhiên, vì pháp luật chưa cho phép nên EVN vừa vận dụng, vừa “nghe ngóng”, sau khi kiểm duyệt mà có thay đổi trong hợp đồng thì hồ sơ mời thầu đó sẽ được sửa đổi trong quá trình phát hành cho các nhà thầu triển khai. Tập đoàn mong cơ chế đặc thù sớm được luật hoá để tạo cơ chế thông thoáng cho các gói thầu về sau.
Ông Lê Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc PVN cho hay, dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 của Tập đoàn đặt tại Sóc Trăng lẽ ra đã vận hành thương mại từ năm 2018, nhưng bị chậm tiến độ từ năm 2019 đến nay, mặc dù đã hoàn thành gần 80%. Lý do là cuối năm 2018, Mỹ áp dụng lệnh cấm vận với Power Machines (Nga), đối tác liên doanh tổng thầu EPC với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (đơn vị thành viên của PVN).
“Việc chấm dứt hợp đồng này là do khách quan, bất khả kháng và chưa có tiền lệ. Do đó, PVN đang lúng túng trong xử lý hệ quả của việc này vì không có quy định cụ thể để thực hiện”, ông Cường nói và kiến nghị, cần bổ sung vào Luật Đầu tư quy định xử lý hệ quả trong trường hợp chủ đầu tư bị ngừng hoặc chấm dứt dự án đầu tư do nguyên nhân khách quan.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông – Vận tải, trước thời điểm Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 được ban hành, cả nước có 140 dự án giao thông được thực hiện theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Trong đó, khoảng 63 dự án triển khai giai đoạn 2011 – 2015 gặp khó khăn do vướng mắc về trạm thu phí và sụt giảm doanh thu (do lưu lượng xe thấp hơn dự kiến, có đường mới mọc lên chia sẻ lưu lượng…), một số dự án không huy động được vốn tín dụng, thậm chí vỡ kế hoạch tài chính.
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Chính phủ đề xuất bỏ định mức vốn tối thiểu đối với các dự án PPP; khôi phục áp dụng loại hợp đồng BT; nâng tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư, dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục.
Một số dự án sau đó phải chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể đối với việc chuyển đổi này. Một số dự án xây dựng – chuyển giao (BT) vướng mắc cơ chế đổi đất lấy hạ tầng nên loại hình hợp đồng BT sau đó bị đưa ra khỏi Luật Đầu tư theo phương thức PPP trong lần sửa đổi năm 2022 (có hiệu lực từ 1/3/2022), nhưng chưa có quy định chuyển tiếp để xử lý các dự án đó.
Hiện tại, có khoảng 160 dự án giao thông được thực hiện theo phương thức PPP bị ách tắc từ 5 – 10 năm nay, với giá trị 59.000 tỷ đồng.
Thông luồng và hậu kiểm
Nhằm tháo gỡ những bất cập trên, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức PPP và Luật Đấu thầu (gọi tắt là dự án Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư hoặc dự thảo Luật). Kỳ vọng, dự thảo Luật sẽ được thông qua vào ngày 29/11 tới theo quy trình thủ tục rút gọn tại một kỳ họp.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật thể hiện tinh thần đột phá trong việc phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chuyển phương thức quản lý mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Theo đó, đối với Luật Quy hoạch, Chính phủ đề xuất đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch; bổ sung thủ tục điều chỉnh quy hoạch rút gọn theo nguyên tắc không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch chung; phân quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động cho địa phương. Cùng với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn dự kiến được thông qua tại kỳ họp này, các vướng mắc của dự án đầu tư liên quan đến các loại quy hoạch sẽ có cơ chế để tháo gỡ.
Đối với Luật Đầu tư, dự thảo Luật đưa ra các quy định đẩy mạnh phân cấp phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Đồng thời, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.
Về sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP, Chính phủ đề xuất bỏ định mức vốn tối thiểu đối với các dự án PPP; khôi phục áp dụng loại hợp đồng BT; nâng tỷ lệ vốn nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án có chi phí giải phóng mặt bằng trên 50% tổng mức đầu tư, dự án thực hiện tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn và dự án có yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục.
Về sửa đổi Luật Đấu thầu, Chính phủ đề xuất đơn giản hóa thủ tục đấu thầu nhằm góp phần khơi thông nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện gói thầu có yêu cầu đặc thù, không thể áp dụng các hình thức khác được quy định tại Luật; cho phép tiến hành đấu thầu trước đối với một số gói thầu để rút ngắn thời gian thực hiện dự án và tạo sự linh hoạt cho chủ đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) chia sẻ, ông ủng hộ việc Quốc hội thông qua dự thảo Luật sửa đổi 4 luật về đầu tư tại kỳ họp này để tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án, khơi thông nguồn lực cho môi trường đầu tư.
Lấy dẫn chứng từ TP.HCM, ông Ngân cho biết, trước đây Thành phố bị “bó” nhiều quy định nên hạn chế nguồn lực phát triển.
Từ khi được “trao” Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, Thành phố đã có một hệ thống cơ chế, chính sách đặc thù trong việc phân cấp, phân quyền, huy động nguồn lực tài chính và thu hút nhân lực để phát triển.
Giờ đây, nhiều chính sách đặc thù mà TP.HCM vận dụng thành công được luật hoá trong Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và đây là một tín hiệu rất tốt, có tính lan toả.
Với dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức PPP, các đại biểu nhất trí cao việc xoá bỏ hạn chế với lĩnh vực đầu tư cũng như hạn mức vốn tối thiểu với dự án PPP, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư trong xã hội, nhất là vào lĩnh vực văn hoá – xã hội, thể thao, y tế.
Về việc nâng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước từ dưới 50% lên tối đa 70% như dự thảo, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá là hợp lý, bởi có những dự án chi phí mặt giải phóng mặt bằng lớn hoặc những công trình kỹ thuật phức tạp đòi hỏi vốn đầu tư lớn, nếu Nhà nước bỏ vốn dưới 50% sẽ khó thu hút đầu tư.
Liên quan tới cơ chế thanh toán hợp đồng BT, theo đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM), nếu thanh toán bằng quỹ đất thì khi nhà đầu tư hoàn thành khối lượng 50% giá trị công trình cũng có thể thanh toán.
Tuy nhiên, cần quy định giá đất tạm tính ban đầu đưa vào báo cáo tiền khả thi là giá do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định vào thời điểm đó. Sau khi dự án PPP hoàn thành, giá đất thay đổi thì áp dụng giá đất mới là giá chính thức, lấy giá này làm cơ chế bù trừ thanh toán với nhà đầu tư để đảm bảo khách quan, minh bạch.
(Theo Đầu tư Chứng khoán)