Chi tiết

Nhiều quỹ đầu tư đạt hiệu suất vượt xa VN-Index

Nhiều quỹ đầu tư mở đạt hiệu suất tốt trong 1 năm qua. Ảnh: Times Now.

Chốt phiên giao dịch 31/12/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.266,78 điểm, tăng 12,1% so với đầu năm, qua đó ghi nhận năm thứ hai liên tiếp tăng điểm (trước đó năm 2023 tăng 12,2%).

Dù vậy, đà tăng của chỉ số chính chỉ thực sự tập trung trong hơn 3 tháng đầu năm. VN-Index sau đó giao dịch giằng co trong biên độ 1.200 – 1.300 điểm.

Ngoài ra, thị trường không có một nhóm ngành cụ thể đủ sức “dẫn sóng”. Sự phân hóa diễn ra sâu sắc giữa các nhóm cổ phiếu và trong các mã cùng ngành.

Thậm chí, ở 4 phiên đầu năm 2025, VN-Index đã giảm 2/4 ngày giao dịch với biên độ điều chỉnh khá lớn. Cụ thể, phiên 3/1 và 6/1, chỉ số lần lượt giảm 15,12 điểm và 8,24 điểm. Tính tại phiên 7/1, VN-Index đạt 1.246,95 điểm, tương đương mức tăng 7,48% trong 1 năm trở lại đây.

Biến động khó lường của VN-Index khiến việc lựa chọn giải ngân trên thị trường trở nên khó khăn hơn, không ít nhà đầu tư trên nhiều diễn đàn chia sẻ danh mục vẫn âm dù thị trường tăng điểm. Trong bối cảnh đó, nhiều quỹ đầu tư mở vẫn ghi nhận hiệu suất cao đến hàng chục phần trăm.

Quỹ mở là hình thức đầu tư chứng khoán gián tiếp mà trong đó nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn và ủy thác cho công ty quản lý quỹ, tại đây các chuyên gia đầu tư dày dặn kinh nghiệm của quỹ sẽ đầu tư tiền vào chứng khoán (cổ phiếu hoặc trái phiếu) được sàng lọc và lựa chọn dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và định giá cổ phiếu/trái phiếu trên thị trường, giúp đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư trong trung và dài hạn.

Hiệu suất quỹ đầu tư mở trong 1 năm qua. Ảnh: Hóa Khoa.

Tính trong giai đoạn 1 năm trở lại, Quỹ đầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững SSI (SSISCA) đứng đầu với hiệu suất đạt 27,55%. SSISCA trực thuộc Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) – công ty con của CTCP chứng khoán SSI.

Mục tiêu đầu tư của Quỹ là tăng trưởng giá trị tài sản ròng dài hạn và tạo thu nhập ổn định cho nhà đầu tư thông qua việc đầu tư vào các cổ phiếu của các công ty có lợi thế cạnh trạnh bền vững và các tài sản có thu nhập cố định.

Một thành viên khác của SSIAM là Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Dài hạn Việt Nam (VLGF) cũng có hiệu suất 12 tháng lên đến 23,93%.

Quỹ ngoại VinaCapital có 4 thành viên đạt hiệu suất cao. Trong đó, Quỹ đầu tư cổ phiếu Kinh tế hiện đại VinaCapital (VMEEF) đạt 27,45%. Quỹ này đầu tư chủ yếu vào các cổ phiếu có triển vọng tốt về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong dài hạn.

Bên cạnh đó, còn có Quỹ Đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaCapital (+18,69%), Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital (+17,51%), và Quỹ Đầu tư Cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (+14,63%).

Quỹ mở của Vietcombank Fund có 2 thành viên là VCBF-BCF (+23,15%) và VCBF-MGF (+22,59%); hay DCDS của Dragon Capital (+19,78%)…

Sự khác biệt của các quỹ đầu tư

Khảo sát của Nhadautu.vn cho thấy các quỹ đầu tư ưu tiên rót tiền vào những cổ phiếu đầu ngành thuộc nhóm ngân hàng, công nghệ, bán lẻ.

Trong đó, FPT là mã xuất hiện trong danh mục của nhiều quỹ đầu tư đạt hiệu suất cao. 1 năm qua, FPT tăng 77,4% đạt 150.100 đồng/CP. Động lực tăng trưởng quan trọng cho đà tăng của cổ phiếu này đến từ cái “bắt tay” với nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới NVIDIA và kết quả lãi trước thuế 10 tháng đầu năm 2024 đạt 9.226 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, và hoàn thành 85% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Thành viên khác của FPT là FOX cũng được các quỹ top đầu ưa chuộng. Chốt phiên 7/1, giá cổ phiếu FOX đạt 99.200 đồng/CP, tăng 81,68% trong 1 năm trở lại đây. là thành viên thuộc Tập đoàn FPT, cung cấp dịch vụ viễn thông và internet, truyền hình trực tuyến, điện toán đám mây… Bên cạnh đó, công ty có nhiều dịch vụ trực tuyến như Online media, FPT Play, FShare, Fsend, Mix166, Startalk.

Đà tăng mạnh của FOX đến từ những kỳ vọng của nhà đầu tư ngành công nghệ, đặc biệt là khi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến Việt Nam và có những ký kết hợp tác về lĩnh vực AI, chip bán dẫn…

Bên cạnh 2 cái tên kể trên, một số cổ phiếu được các quỹ nắm như MWG (+32,18%), BWE (+28,67%), CTG (+26,73%), STB (+26,37%), MBB (+20,28%), ACB (+13,41%)…

Trong tương lai, loại hình đầu tư quỹ được đánh giá có nhiều triển vọng nhờ môi trường lãi suất tiền gửi thấp và nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả gia tăng, các quỹ đầu tư trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn, giúp dòng tiền nhàn rỗi được tối ưu hóa lợi nhuận.

Việc các quỹ đầu tư đạt mức sinh lời hơn VN-Index do nhiều yếu tố. Trước hết, các quỹ được quản lý bởi chuyên gia giàu kinh nghiệm và có trình độ. Do đó, quyết định lựa chọn giải ngân cổ phiếu sẽ được họ dựa trên các phân tích báo cáo tài chính, định giá cổ phiếu, kết hợp phân tích kỹ thuật. Đây là những kiến thức tài chính chuyên sâu.

Bên cạnh đó, quỹ sẽ phân bổ danh mục vào nhiều tài sản khác nhau, và đầu tư không quá 20% tỷ trọng NAV (giá trị tài sản thuần) vào một cổ phiếu. Điều này giúp quỹ giảm thiểu rủi ro.

Mô hình đầu tư quỹ mở dù khá mới mẻ với nhà đầu tư Việt, song đã xuất hiện ở các thị trường phát triển như Mỹ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và Nhật từ những năm 1924. Tại Việt Nam, tính tới cuối năm 2023, chỉ có 0,26% dân số Việt Nam đầu tư chứng chỉ quỹ, trong khi tại Mỹ hơn 52,3% tổng số hộ gia đình đang đầu tư quỹ mở.

Trong tương lai, loại hình đầu tư quỹ được đánh giá có nhiều triển vọng nhờ môi trường lãi suất tiền gửi thấp và nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả gia tăng, các quỹ đầu tư trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn, giúp dòng tiền nhàn rỗi được tối ưu hóa lợi nhuận.

Không những thế, Quyết định số 1726 phê duyệt Chiến lược phát triển đến thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để phát triển thị trường quỹ đầu tư, như hoàn thiện khung pháp lý các quy định nhằm phát triển công ty quản lý quỹ với điều kiện và tiêu chuẩn cao hơn đồng thời nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ đối với các quỹ đầu tư chứng khoán bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quyết định 1726 cũng nhấn mạnh chú trọng các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán nhằm phát triển và đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, cải thiện chất lượng cầu đầu tư nhằm hướng tới cầu đầu tư bền vững. Cụ thể, nghiên cứu xây dựng các văn bản pháp luật đối với loại hình quỹ đầu tư vào thị trường tiền tệ, các loại hình chứng chỉ quỹ ETF phức hợp, quỹ của quỹ… phù hợp với trình độ phát triển của TTCK, hướng tới cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy TTCK phát triển theo hướng bền vững.

Ngoài ra, đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ; khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào TTCK thông qua các loại hình quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện nhằm thúc đẩy phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam.



Nguồn