Nhiều thay đổi trong thành viên HĐQT VEAM
Sau thời gian gia hạn tổ chức, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UPCoM: VEA) đã diễn ra vào ngày 20/06. Tại đây, chứng kiến nhiều sự biến động trong bộ máy lãnh đạo.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VEAM ngày 20/06 – Nguồn: VEAM
|
Tổng Giám đốc bị khởi tố không ảnh hưởng đến hoạt động của thành viên và quan hệ với đối tác của VEAM
Trước câu hỏi của cổ đông về ảnh hưởng của sự việc cựu Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà bị khởi tố, ông Nguyễn Tiến Vy – Thành viên HĐQT VEAM cho biết mặc dù sự việc xảy ra bất ngờ nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương và sự chủ động tích cực của HĐQT, Ban điều hành nên hoạt động thường ngày của VEAM vẫn được duy trì ổn định.
Ông chia sẻ thêm, sự việc đã xảy ra tại văn phòng Công ty mẹ không ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị thành viên VEAM, cũng như không ảnh hưởng đến quan hệ với các đối tác, liên doanh của VEAM.
Cũng theo ông Vy, sự việc xảy ra cho thấy công tác quản trị của VEAM vẫn cần được rà soát, tăng cường, hoàn thiện hơn nữa để tránh những sự việc tương tự tái diễn. Ông Vy cũng thay mặt ban lãnh đạo gửi tới cổ đông lời xin lỗi về sự việc đáng tiếc.
* Khởi tố Tổng Giám đốc VEAM Phan Phạm Hà
Hình ảnh ông Phan Phạm Hà giai đoạn còn giữ chức vụ tại VEAM. Nguồn: VEAM
|
Quay về thời điểm 10/06, VEAM cho biết đã nhận được thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội về việc khởi tố bị can, lệnh tạm giam với ông Phan Phạm Hà, về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cùng ngày, HĐQT VEAM bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc với ông Phan Phạm Hà. Đồng thời, miễn nhiễn chức danh Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Mai Hương do vi phạm quy định lao động của Công ty. VEAM cũng giao cho ông Vũ Phong Hải phụ trách kế toán Công ty đến khi có quyết định của cấp có thẩm quyền. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10/06/2024.
Sự việc khởi tố gần đây cũng gợi nhớ về nhiều sự kiện “bắt bớ” các lãnh đạo VEAM trong quá khứ. Cụ thể, vào tháng 10/2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc VEAM, cũng bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Hay vào giữa năm 2022, hàng loạt lãnh đạo VEAM đã lĩnh án do sai phạm trong việc vay Ngân hàng trái quy định, gây thiệt hại gần 183 tỷ đồng.
Nhiều thay đổi trong thành viên HĐQT
Sau đại hội, cơ cấu HĐQT VEAM có nhiều biến động, với việc bãi nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối ông Phan Phạm Hà và miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Khắc Hải (Chủ tịch HĐQT) và bà Nguyễn Thị Nga, nhiệm kỳ năm 2022-2027.
Trong danh sách này, ngoài trường hợp ông Phan Phạm Hà bị bãi nhiệm như một lẽ tất yếu, còn có sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Nga – người còn được biết đến trong vai trò Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB), Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn BRG.
Trước đó, vào ngày 05/04, bà Nga đã nộp đơn đề nghị thôi giữ chức Thành viên HĐQT VEAM nhiệm kỳ 2022-2027. Đến ngày 08/04, VEAM công bố thông tin về lá đơn của bà Nga, văn bản do chính ông Phan Phạm Hà ký.
Bà Nguyễn Thị Nga sinh năm 1955 tại Hà Nội, là cử nhân kinh tế. Thời điểm trở thành Thành viên HĐQT VEAM năm 2017, bà Nga đã và đang đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt tại các doanh nghiệp lớn.
Nổi bật nhất trong sự nghiệp có lẽ là khoảng thời gian bà đảm nhận chức danh Phó Chủ tịch HĐQT SeABank từ năm 2008, trước khi giữ vai trò Chủ tịch HĐQT trong 10 năm sau đó. Đến nay, cựu Thành viên HĐQT VEAM đang làm Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT SeABank. Trước khi về với SeABank, bà Nga từng là Chủ tịch HĐQT và Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) giai đoạn 2002-2007.
* Phó Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga rút khỏi HĐQT VEA
Bà Nguyễn Thị Nga
|
Cũng tại đại hội, cổ đông đã bầu bổ sung 4 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 gồm ông Nguyễn Hoàng Giang, ông Ngô Khải Hoàn, bà Nguyễn Thị Hoa và bà Trần Thị Nguyệt. Ngay sau đó, HĐQT đã họp và thống nhất bầu ông Ngô Khải Hoàn làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hoàng Giang giữ chức Tổng Giám đốc.
Đoàn chủ tịch chụp ảnh cùng các thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2022-2027. Nguồn: VEAM
|
Tân Chủ tịch HĐQT VEAM phát biểu tại Đại hội. Nguồn: VEAM
|
Kế hoạch kinh doanh đi lùi, chưa chốt phương án cổ tức 2023
Năm 2024, VEAM đặt mục tiêu Công ty mẹ đạt tổng doanh thu gần 6,414 tỷ đồng, giảm 22% so với thực hiện 2023. Về cơ cấu, doanh thu tài chính vẫn là chủ đạo với hơn 5,861 tỷ đồng, còn lại hơn 495 tỷ đồng từ sản xuất công nghiệp và gần 58 tỷ đồng từ thương mại, dịch vụ. VEAM kỳ vọng còn lại 5,489 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 19%.
Kế hoạch kinh doanh 2024 của VEAM tập trung vào 3 mục tiêu chính gồm giải quyết tồn kho, tăng trưởng doanh thu và tái cấu trúc doanh nghiệp.
Để tái cơ cấu doanh nghiệp, VEAM sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch khắc phục những tồn tại để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa, đồng thời thoái vốn tại các đơn vị hoạt động không hiệu quả, không phù hợp định hướng phát triển, tập trung nguồn lực vào các công ty cùng ngành nghề.
Về phương án cổ tức 2023, VEAM có kế hoạch trả bằng tiền mặt 5,035 đồng/cp. Tuy nhiên, theo quy định phải xin ý kiến Chủ sở hữu là Bộ Công Thương nhưng hiện nay Bộ vẫn chưa có ý kiến chấp thuận. Do đó, đại hội ủy quyền cho HĐQT quyết định việc phân phối lợi nhuận theo ý kiến của Bộ Công Thương và lựa chọn thời điểm trả cổ tức phù hợp.
Liên quan đến sở hữu VEAM mà cụ thể là Bộ Công Thương, ông Nguyễn Tiến Vy cập nhật hiện nay, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đang làm việc để chuyển đổi cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với VEAM.
Nỗ lực niêm yết lên sàn chứng khoán
Tại đại hội, lãnh đạo VEAM xác định việc niêm yết cổ phiếu lên các sàn giao dịch chứng khoán là mục tiêu dài hạn và sẽ kiên trì theo đuổi. Tuy nhiên, VEAM chưa thể niêm yết do BCTC vẫn còn có một số ý kiến kiểm toán ngoại trừ. Các nội dung này liên quan đến các tồn tại phát sinh từ nhiều năm trước, cần có thời gian để xử lý.
Lãnh đạo VEAM nêu rõ đã xử lý được 1/4 ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh đây là ý kiến ngoại trừ có giá trị lớn nhất nêu trong BCTC đã được kiểm toán.