Chi tiết

‘NHNN đã chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém’

Sáng 8/1, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, điều hành kinh tế vĩ mô trong năm 2024 có sự chuyển biến rõ nét. Xác định rõ mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, việc xác định rõ vị thế chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả kết hợp chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm.

“Đây là sự chuyển hướng, xác định vị thế các chính sách lựa chọn đúng đắn, bởi trong bối cảnh kinh tế biến động khó lường, không thể có 2 chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa (CSTK) đều mở rộng”, Thống đốc cho biết.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Ảnh: VGP.

Về điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, Thống đốc nhấn mạnh, năm 2024, là năm rất nhiều khó khăn, áp lực. CSTT đã góp phần kiểm soát lạm phát, giảm được mặt bằng lãi suất, trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế còn cao, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Tín dụng cả năm 2024 tăng 15,08%, bằng chỉ tiêu định hướng. Đặc biệt, cuối năm 2024, NHNN đã thông báo tăng trưởng tín dụng năm 2025 cho các TCTD. Bên cạnh đó, NHNN và Bộ Xây dựng đã thống nhất cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) không tính dư nợ cho vay nhà ở xã hội vào chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng…

Về hoạt động tái cấu trúc hệ thống, đại diện NHNN cho biết, năm 2024, sau một thời gian dài, NHNN đã chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng (OceanBank, CB Bank); còn 2 ngân hàng (GPBank, DongABank) Chính phủ đã ban hành Nghị quyết, vài ngày tới NHNN sẽ ban hành Quyết định và tổ chức lễ chuyển giao.

Hệ thống ngân hàng ngày càng đa dạng các loại hình dịch vụ cung ứng cho doanh nghiệp và người dân đi đôi với thúc đẩy chuyển đổi số (đến nay nhiều ngân hàng đã có trên 90% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số).

Điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 như năm 2024

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, NHNN nhất trí với chủ đề đề nhấn mạnh “tăng tốc bứt phá”, xác định vị thế CSTT và CSTK như năm 2024. NHNN sẽ bám sát diễn biến tình hình, phối hợp tốt với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Với vai trò là Ngân hàng Trung ương trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN kiến nghị, bên cạnh động lực tăng trưởng từ xuất khẩu, dựa vào cầu nước ngoài như những năm qua, cần có giải pháp khai thác mạnh mẽ cầu trong nước (chúng ta đang có lợi thế của một quốc gia có dân số hơn 100 triệu dân).

Để thúc đẩy tăng trưởng thì cần tập trung đột phá, đặc biệt là công nghệ chuyển đổi số, huy động nguồn vốn trong nước và cả nước ngoài, khi mà dư địa về nợ công, nợ nước ngoài của chúng ta vẫn cho phép, song song với đó là gia tăng hiệu quả sử dụng vốn cũng như là tăng năng suất lao động. “Có như vậy thì chúng ta mới có thể đạt được tăng trưởng kinh tế cao, nhưng vẫn đảm bảo được các cân đối lớn của vĩ mô, cũng như bảo đảm ổn định được thị trường tiền tệ và ngân hàng”, Thống đốc đưa ý kiến.

Với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, năm 2024, NHNN đã chuyển giao 4 ngân hàng yếu kém.

Với việc triển khai, tích hợp Đề án 06 về dữ liệu dân cư quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, cần tập trung ưu tiên xây dựng và làm giàu hệ thống dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp. Qua đó, giúp cho việc quản lý nhà nước nói chung, quản lý hoạt động ngân hàng, kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý, tạo điều kiện cho việc minh bạch các giao dịch trong nền kinh tế.

Nguồn