Chi tiết

Nhu cầu tiêu dùng suy giảm, MCM bớt “ngọt”

mocchaumilk.jpg
Lợi nhuận quý III/2024 của Mộc Châu Milk sụt giảm 55% so với cùng kỳ – Ảnh: MCM.

Cụ thể, Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 mới công bố của MCM ghi nhận doanh thu đạt 739,6 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp đạt hơn 206 tỷ đồng, giảm hơn 21% so với cùng kỳ.

Trong kỳ này, doanh thu tài chính của MCM giảm gần 44% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn gần 24 tỷ đồng, trong khi đó, chi phí cho hoạt động này lại tăng mạnh hơn 222%, lên hơn 568 triệu đồng, toàn bộ là chi phí lãi vay. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều được cắt giảm nhưng không đáng kể.

Kết quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp ngành sữa này ghi nhận đạt 42,6 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý III/2024 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ do doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 9,4% so với cùng kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 43,8% so với cùng kỳ do lãi suất tiền gửi giảm so với quý III/2023.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của MCM đạt 2.174 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 149 tỷ đồng, giảm 48,5% so với cùng kỳ năm 2023. Với kết quả này, doanh nghiệp hoàn thành được 64,5% kế hoạch doanh thu và mới chỉ hoàn thành 44,8% kế hoạch về lợi nhuận cả năm.

Hiện MCM đang có hai cổ đông lớn là Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) với tỷ lệ sở hữu 59,3% vốn và Vinamilk (VNM) với tỷ lệ sở hữu 8,85% vốn, còn lại là các cổ đông nhỏ với 31,85%. Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc, kiêm thành viên HĐQT VNM đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT MCM.

Trong báo cáo cập nhật doanh nghiệp gần đây, Chứng khoán BSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024 của MCM với doanh thu thuần đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 0,4% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 275 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2023. Theo BSC, mức suy giảm này đến từ nhu cầu tiêu dùng tại khu vực miền núi phía Bắc yếu và duy trì chi phí SG&A/ doanh thu nhằm duy trì hoạt động tiếp cận thị trường mới.

cpmcm.jpg
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 22/10, cổ phiếu MCM đạt mức giá 36.450 đồng/cp, giảm gần 27,4% so với hồi đầu tháng 6.

Sang năm 2025, Công ty Chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần của MCM đạt 3. 392 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 306 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, kỳ vọng mức phục hồi kết quả kinh doanh từ nền thấp nhờ chiến lược mở rộng danh mục sản phẩm, và nỗ lực tiếp cận kênh bán hàng mới và tập khách hàng mới.

Theo Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam (VIRAC), thị trường sữa Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy, nhu cầu tiêu thụ sữa tại Việt Nam gia tăng đáng kể. Người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn đến sức khỏe và dinh dưỡng. Theo các báo cáo ngành, mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người đã tăng lên, cho thấy sự quan tâm lớn từ thị trường đối với các sản phẩm sữa.

Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư công nghệ, nhiều nhà máy mới với công nghệ hiện đại đã đưa vào sản xuất chế biến trong ngành sữa Việt Nam. Hiệ nay, cả nước có hơn 1.700 trại bò sữa, với quy mô trung bình 37,4 con/trại và nhiều trang trại nuôi quy mô lớn từ 2.000 con đến vài chục nghìn con. Ngoài ra còn có gần 28.700 hộ chăn nuôi bò sữa…

Tuy nhiên, VIRAC cho rằng, ngành sản xuất sữa trong nước vẫn đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Hiện nay, ngành sữa Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu và cơ sở hạ tầng sản xuất còn hạn chế đã dẫn đến sự mất cân xứng giữa cung và cầu. Do đó, nhiều công ty sữa phải nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài để bù đắp khoảng trống này.

Cũng theo VIRAC, ngành sữa Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, trong đó có 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa.

Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%). Các doanh nghiệp hàng đầu trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài bao gồm FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand).

“Để giành lấy thị phần và lòng tin của người tiêu dùng, các “ông lớn” trong thị trường sữa đều triển khai những chiến lược kinh doanh riêng, bao gồm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu, cũng như áp dụng các chính sách giá cả và khuyến mãi hấp dẫn”, VIRAC đánh giá.


Source link