Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động. Theo đó, 8 cổ phiếu Việt Nam gần như chắc chắn sẽ được thêm vào danh mục thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE bao gồm: VCB, GAS, VHM, VIC, HPG, VNM, MSN, SSI.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tiềm năng khác như CTG, ACB, TCB… cũng có khả năng được lọt vào danh mục nếu thoả mãn các điều kiện về vốn hoá có thể đầu tư, tỷ lệ sở hữu nước ngoài còn lại và thanh khoản giao dịch tại thời điểm cơ cấu danh mục.
Các CTCK có thị phần giao dịch khách hàng tổ chức lớn nhất dự kiến sẽ hưởng lợi, bao gồm SSI, HCM và VCI nhờ phí giao dịch từ dòng vốn của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ước tính của ACBS, giá trị phí giao dịch thu được không lớn so với quy mô lợi nhuận hiện tại của các công ty này. Đối với những tiêu chí mà Việt Nam “chưa đạt” để được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE, ACBS cho rằng sẽ cần nhiều thời gian hơn để giải quyết, bao gồm: giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, có thị trường ngoại hối phát triển, tăng cường quyền tiếp cận thông tin bình đẳng và đối xử công bằng với nhà đầu tư nhỏ lẻ, có trung tâm thanh toán bù trừ (CCP).
Có thể nói, việc xóa bỏ yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện mấu chốt để Việt Nam được FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Ngày 18/09/2024, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành Thông tư 68/2024/TT-BTC (có hiệu lực từ 02/11/2024) tạo hành lang pháp lý cho sản phẩm “giao dịch thiếu tiền” đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Thông tư 68/2024/TT-BTC đã chính thức ban hành, cho phép các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ không cần đủ tiền để ký quỹ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Động thái này kích thích tâm lý hào hứng của nhà đầu tư, tạo lực hút rất mạnh khiến các phiên giao dịch chứng khoán cuối tháng 9 tăng vọt. Ba phiên gần đây khối lượng và thanh khoản của thị trường tăng vọt lên trên 20 ngàn tỷ đồng mỗi phiên.
Với động thái nới rộng từ Thông tư 68, cho thấy sự tham gia của khối ngoại đã giúp lực cầu trên thị trường khớp lệnh duy trì được đà tăng của thị trường chứng khoán (TTCK).
Các Công ty Chứng khoán cho rằng, việc ban hành Thông tư 68 của Bộ Tài chính sẽ: Thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức nước ngoài hơn khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế; Kỳ vọng gia tăng dòng vốn nước ngoài đổ vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng còn quá sớm để Việt Nam được nâng hạng trong kỳ công bố kết quả của FTSE Russell vào ngày 08/10/2024 tới đây.
Do các Công ty Chứng khoán (CTCK) cần thời gian xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm này, trước khi FTSE khảo sát lấy ý kiến của các bên tham gia thị trường để quyết định có nâng hạng TTCK Việt Nam hay không. Việc FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách thị trường mới nổi thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 03/2025. Việc nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để TTCK Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, việc áp dụng công bố thông tin bằng tiếng Anh theo lộ trình kể từ 2025-2028 là một sự khởi đầu tốt. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài hay thị trường ngoại hối còn nhiều rào cản trước mắt. Trong dài hạn hơn, nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi của MSCI và thị trường mới nổi tiên tiến của FTSE, TTCK Việt Nam có thể thu hút thêm dòng vốn lớn hơn nữa. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được FTSE và MSCI nâng hạng lên hị trường mới nổi, TTCK Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới đến năm 2030.
Source link