Chi tiết

Những dấu ấn đầu của Đèo Cả trong lĩnh vực thi công hạ tầng đường sắt, gói thầu 552 tỷ đồng tiến triển tích cực

 

Tổng Giám đốc Đèo Cả từng khẳng định, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Gói thầu XL01 thuộc Dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, thi công xây dựng 2 hầm đường sắt với tổng chiều dài 935m.

Gói thầu trị giá gần 552 tỷ đồng, nằm trên địa phận xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thời gian dự kiến hoàn thành 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung – Tập đoàn Đèo Cả thực hiện.

Ngày 30/8, Ban Điều hành Gói thầu XL01 dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét đã thi công đạt 100m đầu tiên phía Nam hầm số 2 hầm đường sắt Khe Nét.

Theo báo cáo của Ban Điều hành, đến nay, liên danh nhà thầu đã huy động hơn 200 nhân sự, hơn 40 máy móc thiết bị chuyên dụng, triển khai đồng loạt 4 mũi thi công (đào, gia cố cửa hầm và hầm chính). Sản lượng thực hiện đạt 55 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch đề ra.

Cao tốc Bắc - Nam: Điều chỉnh Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Hướng tuyến hầm đường sắt Khe Nét

Ông Nguyễn Duy Sông – Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL01 cho biết, trong quá trình triển khai dự án, để khắc phục các khó khăn và đảm bảo tiến độ đề ra, liên danh nhà thầu đã nỗ lực thi công, chủ động đưa ra các giải pháp thi công, đẩy mạnh công tác đào tạo nội bộ để nâng cao năng suất lao động cho cán bộ kỹ sư, công nhân, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”. Mục tiêu đến tháng 11/2024, đào thông hầm số 2 (vượt tiến độ 2 tháng), thi công đổ bê tông vỏ và hoàn thiện hầm 2 trước tháng 9/2025 và hoàn thành hầm 1 vào tháng 11/2025.

Trước đó, năm 2023, ông Nguyễn Quang Vĩnh – Tổng Giám đốc Đèo Cả từng khẳng định, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, tháng 1/2024, Tập đoàn Đèo Cả đã phối hợp Viện Nghiên cứu – Đào tạo Đèo Cả khai giảng chương trình đào tạo chuyên ngành xây dựng đường sắt-metro.

“Chúng tôi hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc,… học tập công nghệ, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, củng cố năng lực tổ chức để đấu thầu”, ông Nguyễn Quang Vĩnh chia sẻ.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, Việt Nam sẽ thực hiện nâng cấp 2.440km tuyến đường sắt hiện hữu, hoàn thành 2.362 km tuyến đường sắt mới. Tầm nhìn đến năm 2050, có 6.354 km đường sắt trong mạng lưới quốc gia được quy hoạch, trong đó, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, các tuyến metro đô thị.

Nguồn tin