Cập nhật chính sách quản lý và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ: Việt Nam đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại hội nghị COP 26.
Chuyển đổi năng lượng từ nâu sang xanh là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu trên thông qua việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, ứng dụng công nghệ tiên tiến, ít phát thải. Đồng thời, chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nhiều bước đi trong lộ trình trên đã được thực hiện. Trong lĩnh vực nông nghiệp, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp được triển khai có thể giảm từ 3-5 tấn CO2/ha bằng việc giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu…; phát triển rừng và hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển có khả năng hấp thu phát thải gấp 4 lần rừng tự nhiên.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế, giảm phát thải khí nhà kính cần chuẩn bị thực hiện định giá carbon. Hiện 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới áp dụng định giá carbon, bao gồm thuế carbon và thị trường carbon. Hoạt động này giúp kiểm soát khoảng 11 tỷ tấn carbon, tương đương khoảng 20% phát thải toàn cầu.
Trước xu thế tất yếu này, Việt Nam đang chuẩn bị cho việc cho việc thành lập và vận hành thí điểm thị trường carbon trong nước vào năm 2025 theo lộ trình đã được đề cập trong Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định 06/2022/NĐ-CP. Trước mắt, theo quy định tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính ở các lĩnh vực: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quy trình công nghiệp, nông lâm nghiệp và sử dụng đất, chất thải phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.
Tháng 6/2025, sẽ bắt đầu phân bổ hạn ngạch và triển khai thí điểm hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (ETS). Theo đó, các cơ sở thuộc hệ thống được phân bổ lượng hạn ngạch nhất định trong giai đoạn tuân thủ và có nghĩa vụ đảm bảo lượng phát thải ít hơn hoặc bằng lượng hạn ngạch được phân bổ. Cơ sở nào phát thải vượt hạn ngạch có quyền tìm mua hạn ngạch tại các cơ sở phát thải thấp hơn hạn ngạch được phân bổ để bù đắp.
Theo lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, cần phải có phương án thiết kế và quản lý hệ thống ETS phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.
Dự kiến trong giai đoạn thí điểm, các cơ sở phát thải lớn thuộc các lĩnh vực sản xuất sắt, thép; xi măng; nhiệt điện được đưa vào thị trường carbon với con số dự kiến khoảng 150 doanh nghiệp. Tỷ lệ tối đa tín chỉ carbon được sử dụng để bù trừ hạn ngạch là 20%. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức, quản lý các hoạt động trao đổi, thu hồi, nộp trả, vay mượn hạn ngạch.
Theo lộ trình, sau giai đoạn thí điểm, Việt Nam dự kiến vận hành chính thức thị trường carbon từ năm 2028 và kết nối thị trường trong nước với thị trường quốc tế, khu vực từ sau năm 2030.