Chi tiết

Những nước giàu có hiệu suất kinh tế tốt nhất 2024

Tây Ban Nha, Ireland, Đan Mạch, Hy Lạp là top 3 hiệu suất kinh tế tốt nhất năm nay, trong khi Đức, Pháp thứ hạng không cao, theo Economist.

Lãi suất ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, xung đột tại châu Âu và Trung Đông, cùng với các cuộc bầu cử quan trọng tại Mỹ và Ấn Độ không cản bước tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu 2024 tăng 3,2%, trong khi lạm phát hạ nhiệt, tăng trưởng việc làm ổn định và thị trường chứng khoán tăng hơn 20% năm thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, bức tranh chung tươi sáng có thể không phản ánh được khác biệt lớn giữa các quốc gia.

Để nhận diện chênh lệch, Economist tổng hợp dữ liệu 5 chỉ số kinh tế và tài chính gồm: tăng trưởng GDP, hiệu suất thị trường chứng khoán, lạm phát cơ bản, thất nghiệp và thâm hụt ngân sách của 37 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nơi phần lớn là các nước giàu.

Sau đó, mỗi nền kinh tế được xếp hạng dựa trên hiệu suất để tạo ra điểm tổng hợp. Kết quả chung cuộc ghi nhận Tây Ban Nha có hiệu suất kinh tế tốt nhất năm nay. Nước này có GDP dự kiến tăng hơn 3%, nhờ thị trường lao động mạnh và mức độ nhập cư cao làm thúc đẩy sản lượng kinh tế.

Top 5 nền kinh tế OECD hiệu suất tốt nhất năm 2024 theo xếp hạng của Economist. Đồ họa: Phiên An

Top 5 nền kinh tế OECD hiệu suất tốt nhất năm 2024 theo xếp hạng của Economist. Đồ họa: Phiên An

Theo Viện Thống kê Quốc gia Tây Ban Nha, lạm phát cơ bản tháng 11 là 2,4%, tiếp tục giảm so với mức 2,5% hồi tháng 10. Tháng trước, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch đã nâng triển vọng của Tây Ban Nha từ “ổn định” lên “tích cực”.

Fitch cho rằng Tây Ban Nha sẽ tiếp tục vượt trội so với các nước eurozone nhờ xu hướng thị trường lao động tích cực được thúc đẩy bởi di cư ròng và cải cách mạnh mẽ, khả năng cạnh tranh được cải thiện và không có mất cân bằng tài chính vĩ mô.

Ở vị trí thứ hai, Ireland có GDP quý III tăng 2% so với quý IV/2023, thị trường chứng khoán tăng 17,6%, thất nghiệp giảm 0,3% và lạm phát cơ bản chỉ ở mức 2,3%, theo dữ liệu tổng hợp của Economist.

Điểm nhấn của nước này là thu thuế doanh nghiệp tháng 11 đạt 13,7 tỷ euro, tăng vọt 117% so với cùng kỳ, một phần nhờ khoản truy thu từ Apple sau phán quyết của Tòa án Công lý Liên minh châu Âu ngày 10/9. Tính chung 11, thu thuế doanh nghiệp của nước này tăng 59%. Reuters cho hay nhờ nguồn thu thuế dồi dào, Ireland đã 3 năm liên tiếp thặng dư ngân sách lớn, giúp chính phủ nhanh chóng tăng chi tiêu, giảm thuế và thành lập một quỹ đầu tư quốc gia.

Cùng xếp thứ ba là Đan Mạch và Hy Lạp. Đầu tháng này, Bộ kinh tế Đan Mạch nâng dự báo GDP năm nay từ 1,9% lên 3%. Tăng trưởng 2025 cũng điều chỉnh từ 2,2% lên 2,9%. Quốc gia Bắc Âu 6 triệu dân này hưởng lợi từ sự mở rộng nhanh chóng của Novo Nordisk – nhà sản xuất thuốc giảm cân Wegovy và thuốc điều trị bệnh tiểu đường Ozempic.

Theo Bộ kinh tế, một phần năm mức tăng trưởng việc làm nhờ sự gia tăng tuyển dụng tại Novo Nordisk, nơi đang sử dụng khoảng 30.000 lao động. “Dù Novo Nordisk có tầm quan trọng to lớn và ngày càng tăng đối với nền kinh tế Đan Mạch, chúng tôi không hình dung ra kịch bản mà nó quá lớn đến mức (tăng trưởng) đều phụ thuộc vào tập đoàn này”, Bộ trưởng kinh tế Stephanie Lose nói đầu tháng 12.

Hy Lạp từng suýt phá sản trong thập kỷ qua sau khi thâm hụt ngân sách 15% tổng sản lượng quốc gia, dẫn đến loạt gói cứu trợ quốc tế trị giá 295 tỷ USD và nhiều năm thắt lưng buộc bụng khiến lương và lương hưu bị cắt giảm mạnh. Tuy nhiên, họ đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng kinh tế hiện vượt trung bình eurozone.

OECD dự báo kinh tế Hy Lạp tăng trưởng 2,3% năm nay và 2,2% vào 2025. “Các khoản giải ngân ngày càng tăng từ Quỹ Phục hồi và Tăng cường Sức chống chịu của EU, lạm phát giảm dần và những cải thiện liên tục về việc làm dự kiến sẽ hỗ trợ tăng trưởng từ năm 2024 đến 2026,” báo cáo OECD nêu đầu tháng này.

Cùng với Hy Lạp, 2024 cũng là năm thứ 3 liên tiếp khu vực Địa Trung Hải ghi nhận thành công với Italy tiếp tục phục hồi. Trong khi, một số nền kinh tế lớn gây thất vọng, với kết quả yếu kém từ Anh và Đức. Hai nước vùng Baltic là Latvia và Estonia lại rơi xuống cuối bảng. Mỹ hạng 3 năm ngoái thì 2024 chỉ ở vị trí 20.

Xem xét từng hạng mục tính toán sẽ tiết lộ sức khỏe từng nền kinh tế giàu có. Với GDP toàn cầu năm nay được thúc đẩy bởi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ khoảng 2,8%, theo IMF. Israel là điểm sáng khác, với tăng trưởng quý III/2024 so với quý IV/2023 đến 6,7%, dù chủ yếu nhờ mức nền so sánh thấp khi kinh tế phục hồi sau xung đột Hamas.

Ngược lại, tăng trưởng tại một số nơi không ấn tượng. Đức và Italy chịu ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và sản xuất trì trệ. GDP Nhật Bản dự kiến chỉ tăng 0,2%, do du lịch suy yếu và công nghiệp ôtô gặp khó. Tệ hơn, Hungary và Latvia đã rơi vào suy thoái.

Với chứng khoán, thị trường Mỹ tăng trưởng đến 24%, khi giá trị các công ty công nghệ vốn đã cao lại tiếp tục tăng. Thị trường Canada, liên kết chặt chẽ với Mỹ, cũng tăng trưởng tốt nhờ lĩnh vực năng lượng và ngân hàng.

Nikkei 225 của Nhật Bản đã đạt mức cao kỷ lục, mặc dù hiệu suất cả năm chỉ trung bình. Ngược lại, một số thị trường gặp khó khăn như Phần Lan và Hàn Quốc, nơi chứng kiến sự sụt giảm mạnh sau một cuộc khủng hoảng chính trị.

Lạm phát toàn cầu đã giảm đáng kể nhưng giá dịch vụ vẫn ở mức cao tại nhiều quốc gia. Ở Anh, tăng trưởng tiền lương tiếp tục đẩy chi phí dịch vụ lên cao, khiến lạm phát cơ bản – tức đã loại bỏ các thành phần dễ biến động như năng lượng và thực phẩm, ở mức đáng lo ngại. Ở Australia, giá nhà tăng góp phần vào lạm phát. Trong khi, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chứng kiến lạm phát cao. Chiều ngược lại, Pháp và Thụy Sĩ đã kiểm soát tốt áp lực giá cả.

Mọi người hát theo người chơi đàn piano tại quán bar Tony 2 ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/9. Ảnh: Reuters

Mọi người hát theo người chơi đàn piano tại quán bar Tony 2 ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 29/9. Ảnh: Reuters

Thất nghiệp gia tăng thường được coi là biểu hiện của khó khăn kinh tế, điều mà nhiều người dự đoán khi lãi suất tăng. Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Khu vực Nam Âu từng có tỷ lệ thất nghiệp cao giờ cải thiện đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp tại Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Ở Mỹ và Canada, thất nghiệp tăng nhẹ chủ yếu do người lao động quay trở lại lực lượng lao động và nhập cư cao.

Chỉ số khác Economist dùng tính điểm là thâm hụt ngân sách, khả năng đảm bảo nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Năm nay, Đan Mạch và Bồ Đào Nha nổi bật với thặng dư ngân sách nhờ kỷ luật tài khóa. Na Uy và Ireland cũng ghi nhận thặng dư nhờ thu thuế tăng.

Tuy nhiên, hầu hết chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu không kiểm soát. Thâm hụt sơ cấp của Ba Lan đã vượt 3% GDP, do gia tăng chi tiêu quốc phòng để ứng phó với cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Tại Nhật Bản, các gói kích thích tài khóa lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế và giảm áp lực chi phí sinh hoạt có nguy cơ làm trầm trọng thêm vấn đề nợ công khi kỷ nguyên lãi suất siêu thấp kết thúc. Tình hình nợ công của Anh đang xấu đi, với ngân sách mới nhất không khắc phục được tài chính công. Pháp đang chìm trong bất ổn chính trị và không thể kiềm chế chi tiêu.

Khi năm 2025 đang đến gần, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những thách thức mới. Gần một nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia vừa tổ chức bầu cử trong năm nay, dẫn đến sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo được mô tả là “khó đoán định”. Thương mại đang bị đe dọa, nợ công gia tăng và thị trường chứng khoán không có nhiều dư địa để chịu sai lầm, theo Economist.

Phiên An (theo The Economist, Reuters)


Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-nuoc-giau-co-hieu-suat-kinh-te-tot-nhat-2024-4828489.html