Mới đây, Hữu Nghị Food, doanh nghiệp bánh kẹo nổi tiếng với sản phẩm mứt Tết, bánh Tipo, Daisy… thông qua chủ trương đầu tư vào thị trường Trung Quốc.
Theo đó, doanh nghiệp phát triển hoạt động khảo sát, thăm dò, nghiên cứu, đo lường dung lượng thị trường, xây dựng bộ tiêu chí khách hàng tiềm năng, lập kế hoạch tìm kiếm khách hàng cùng các hoạt động khác nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của công ty sang đất nước hơn 1,4 tỷ dân.
Tổng ngân sách cho dự án là 45 tỷ đồng. Trong trường hợp phát sinh vượt quá 10%, Ban dự án trình HĐQT phê duyệt phần phát sinh.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị (Hữu Nghị Food, mã chứng khoán: HNF), tiền thân là Nhà máy Bánh kẹo Hữu Nghị, thành lập ngày 08/12/1997. Hiện tại, doanh nghiệp có ba nhà máy đặt tại Bình Dương (3,5ha), Hà Nội (1,7ha) và Bắc Ninh (6,5ha).
Dự án phát triển thị trường Trung Quốc được HĐQT Hữu Nghị Food thông qua trong bối cảnh doanh nghiệp lãi lớn trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu HNF 6 tháng đầu năm đạt 813 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 60 tỷ đồng, tăng gấp 7,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả này giúp Thực phẩm Hữu Nghị hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho cả năm, đặc biệt có ý nghĩa khi mới vừa năm ngoái, doanh nghiệp còn chật vật vì biên lợi nhuận thu hẹp do giá đường tăng cao.
Đẩy mạnh việc bán hàng, mở rộng thị trường ngay từ những tháng đầu năm là trợ lực chính đưa doanh thu và sản lượng của HNF tăng trưởng tốt. Tháng 1, Hữu Nghị Food cho biết, họ hợp tác cùng LEE BROS. FOODSERVICE, INC đưa sản phẩm bánh trứng Tipo chính thức xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hoa Kỳ. Sau Mỹ, Trung Quốc – quốc gia láng giềng tỷ dân là thị trường tiềm năng tiếp theo mà Hữu Nghị Food hướng tới.
Bánh TIPO bán tại siêu thị trên đất Mỹ. Ảnh: Hữu Nghị Food. |
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu từ Việt Nam sang quốc gia này bao gồm dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử, nông, thủy sản.
Với doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng thực phẩm như Hữu Nghị, việc xuất khẩu sản phẩm chế biến sang Trung Quốc không dễ dàng do yêu cầu về chất lượng, giá cả và sự khác biệt trong văn hóa, khẩu vị.
Tuy nhiên, trong nỗ lực mở rộng thị trường, vẫn có những doanh nghiệp Việt Nam đã thâm nhập và thành công trong thị trường đầy cạnh tranh này.
Năm 2012, khi Tập đoàn Trung Nguyên khánh thành nhà máy cà phê hòa tan lớn nhất châu Á tại KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang), nhiều người hỏi ông Đặng Lê Nguyên Vũ về quyết định đặt nhà máy cách biên giới Việt-Trung hơn 100 km nhưng lại xa vùng nguyên liệu hàng nghìn cây số.
“Tôi muốn chinh phục thị trường Trung Quốc, thay thế văn hóa trà của họ bằng văn hóa cà phê. Chỉ cần mỗi người Trung Quốc mua một USD cà phê G7 mỗi năm, doanh thu của Trung Nguyên sẽ tăng hơn một tỷ USD”, Chủ tịch Trung Nguyên không giấu giếm tham vọng.
Ngay từ đầu, nhà máy G7 của Trung Nguyên tại Bắc Giang, trị giá hơn 600 tỷ đồng với công suất chế biến và đóng gói 100 tấn cà phê mỗi ngày, được “Vua Cà phê” Việt Nam định vị sản xuất phục vụ thị trường miền Bắc và Trung Quốc.
Cho tới cuối năm 2017, Trung Nguyên mới khai trương văn phòng đại diện bên Thượng Hải (Trung Quốc), nhưng trước đó đã xuất khẩu cà phê hòa tan theo đường chính ngạch và không ngừng phát triển mạng lưới phân phối và đối tác tại quốc gia này.
Trong hai năm 2016 – 2017, doanh thu từ thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông, Đài Loan, ước tính đạt hơn 30 triệu USD.
Theo xếp hạng từ Chnbrand, thương hiệu cà phê G7 của Trung Nguyên Legend nhiều năm liên tiếp nằm trong top 10 thương hiệu cà phê hòa tan được ưa chuộng tại đất nước tỷ dân, bên cạnh những thương hiệu quốc tế sừng sỏ như Nestle, Starbucks.
Hiện nay, Trung Nguyên Legend có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán trên kênh offline và hàng chục nghìn cửa hàng trên kênh online như JD, Amazon, Taobao.com, Tmall.com, Century Mart… tại Trung Quốc.
Tham vọng của ông Đặng Lê Nguyên Vũ không chỉ dừng lại ở cà phê hòa tan. Tháng 9/2022, Trung Nguyên khai trương không gian “Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend” trên đường Tây Nam Kinh, Thượng Hải, một trong những con đường sầm uất nhất Trung Quốc. Cuối năm 2023, Trung Nguyên Legend mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Tòa nhà 14, Trung tâm Libo, Ngõ 379, Đường Nam Hong.
Cửa hàng Trung Nguyên Legend ở Thượng Hải. Ảnh: Trung Nguyên Legend |
Một trường hợp khác, “ông lớn” ngành sữa Vinamilk dù có thị trường xuất khẩu trên hơn 30 quốc gia trên thế giới, cũng không bỏ qua nước láng giềng đông dân. Từ năm 2020, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm sữa đặc Ông Thọ sang Trung Quốc.
Tại Quảng Châu, thông qua đối tác am hiểu về sản phẩm Việt Nam và thị trường Trung Quốc, sữa đặc Ông Thọ được đưa vào đa dạng kênh phân phối khác nhau, chủ yếu ở kênh bán sỉ, nhà hàng, quán trà sữa, cà phê.
Tháng 9 năm ngoái, Vinamilk hợp tác với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nhập khẩu – phân phối sữa và nông sản tại Trung Quốc, để đưa sản phẩm sữa chua Vinamilk thâm nhập quốc gia tỷ dân này. Sự kiện này được Vinamilk đánh giá sẽ mở ra cơ hội lớn để sản phẩm sữa chua “made in Vietnam” hiện diện, tiến tới tạo vị thế riêng tại đây.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đạt 38,28 tỷ USD, tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2024, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường trọng điểm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta.
Ngoài mặt hàng chủ lực rau quả, thủy sản, các doanh nghiệp đang tập trung gia tăng thị phần mặt hàng tiềm năng như cao su, hạt tiêu, sắn… Bên cạnh đó, những ngành hàng khác cũng có cơ hội phát triển nếu tìm được đúng “long mạch”, như cách Trung Nguyên Legend hay Vinamilk đã làm.
Về ưu thế của thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, quốc gia láng giềng có dân số rất đông, gấp hơn 14 lần dân số Việt Nam, có nhiều tập quán tiêu dùng tương đồng người Việt. Ngoài ra, Trung Quốc có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, có chung biên giới trên bộ, trên biển, cũng như đường hàng không với Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ kinh tế – thương mại giữa hai nước được thiết lập và phát triển từ lâu đời.
“Nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc ổn định với hiệu suất cao. Trong khi đó, quan hệ chính trị, ngoại giao giữa hai nước đang tiếp tục được củng cố và phát triển tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hợp tác giữa các Bộ, ngành và địa phương,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.