Những cung đường cao tốc xuyên núi, xuyên rừng, dọc bờ biển hay băng qua những vùng đất khô cằn của đất nước đang dần hiện ra, nối liền một dải Nam – Bắc, nối cả niềm tin và khát vọng của người dân VN từ mũi Cà Mau tới địa đầu phía bắc của Tổ quốc.
500 ngày đêm nối 2 cực Tổ quốc
Trước thềm năm 2025, Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Đợt thi đua cao điểm “500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”. Để nối liền 3.000 km đường cao tốc từ Cà Mau tới Lạng Sơn, từ nay đến 31/12/2025, Bộ GTVT sẽ phải hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc thuộc 28 dự án do Bộ và các địa phương làm chủ đầu tư. Nếu đặt trong bức tranh cho tới năm 2021, cả nước mới chỉ đầu tư được gần 1.200 km đường bộ cao tốc thì mục tiêu nói trên có thể bị xem là không tưởng. Thế nhưng, nhìn lại hành trình 3 năm qua có thể thấy điều này hoàn toàn khả thi. Bởi chỉ từ 2021 đến nay, tổng chiều dài cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác đã đạt gần 900 km.
Một cán bộ thuộc Bộ GTVT không khỏi xúc động nhớ lại giai đoạn sau đại dịch Covid-19 khi triển khai các đoạn cao tốc cuối cùng thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1. Sau thời gian dài bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng, các đoạn Cam Lộ – La Sơn; Mai Sơn – QL45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây khởi công trong vô vàn khó khăn khi đối mặt với thời gian dài giãn cách vì dịch bệnh, bão giá nguyên vật liệu càn quét, thời tiết bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ… Và sau đó là những cuộc chạy đua tiến độ quyết liệt theo tháng, thậm chí theo từng ngày liên tiếp nối nhau. Đi cùng với đó là những dấu mốc kỷ lục được tạo dựng.
Trong ngày cuối cùng của năm 2022, đoạn Cam Lộ – La Sơn dài 98,3 km đi qua Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế với tổng mức đầu tư 7.669 tỉ đồng chính thức khánh thành. Tiếp đó, năm 2023, ngành giao thông đã biến dọc chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam thành “đại công trường”, đưa vào khai thác 475 km đường cao tốc, lập kỷ lục lớn nhất từ trước đến nay. Không ngừng nghỉ, 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 (2021 – 2025) đồng loạt khởi công trong ngày đầu tiên của năm 2024. Hết năm 2024, ngành GTVT đã đưa toàn bộ 11 đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 hoàn thành đi vào khai thác, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước lên 2.021 km. Cùng với đó, khởi công 12 dự án giai đoạn 2, gấp rút thi công đảm bảo tiến độ.
“Khối lượng công việc khổng lồ, đường găng của từng dự án liên tục được xác lập, điều chỉnh, tiến độ căng thẳng đến nghẹt thở. Đã có những khó khăn, thử thách tưởng chừng không thể vượt qua. Song, với tính chất quan trọng của dải cao tốc Bắc – Nam, từ các đơn vị tư vấn, Ban QLDA, hội đồng giải phóng mặt bằng, bà con địa phương vùng dự án, các bộ ngành địa phương, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc rất quyết liệt…, từng mốc mục tiêu đã lần lượt hoàn thành. Đây cũng là động lực và cơ sở để chúng tôi tin tưởng kế hoạch hoàn thiện 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025 hoàn toàn có thể thực hiện được”, đại diện Bộ GTVT kỳ vọng.
Theo Bộ GTVT, tổng chiều dài tuyến cao tốc dự kiến đạt khoảng 1.172 km, trong đó 1.104 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và 68 km dự kiến hoàn tất trong năm 2026 nhưng có khả năng được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành ngay trong năm nay. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất bổ sung dự án thành phần 2, dự án đường cao tốc Cao Lãnh – An Hữu dài 16 km vào danh mục dự án hoàn thành năm 2025 theo Chương trình thi đua cao điểm 500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc.
Trong chặng đua 500 ngày đêm này, Bộ GTVT yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công nỗ lực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, triển khai thi công. Các chủ đầu tư dự án sẽ phải lập tiến độ chi tiết hằng tháng, tăng ca, đẩy nhanh thi công, bù lại khối lượng đang bị chậm. Dự kiến, sẽ có 4 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 với tổng chiều dài 221,48 km sẽ hoàn thành vào dịp 30.4 gồm: đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi (35,28 km), Hàm Nghi – Vũng Áng (54,2 km), Bùng – Vạn Ninh (49 km), Vân Phong – Nha Trang (83 km).
Các mạch máu kinh tế sẽ được kích hoạt
Nhìn lại 4 năm qua, nhiều tuyến cao tốc Bắc – Nam vượt sông hồ, xuyên núi, xuyên rừng, đi qua những vùng đất hoang sơ được khánh thành đưa vào khai thác, mở không gian phát triển đô thị mới, làm thay đổi nhiều vùng đất.
Đơn cử, tuyến cao tốc TP.HCM – Khánh Hòa chính thức thông xe từ cuối tháng 4.2024 đã rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 địa phương này xuống còn hơn 4 giờ, tạo nên làn sóng du lịch bùng nổ, biến Khánh Hòa trở thành một trong những điểm đến nghỉ dưỡng hàng đầu khu vực. Thông xe ngay trước lễ 30.4 – 1.5, tuyến cao tốc đã giúp Khánh Hòa tăng vọt lượng khách tới nghỉ dưỡng lên 969.000 lượt, với công suất phòng trung bình đạt gần 90%, trong khi các thủ phủ du lịch nổi tiếng khác như Đà Nẵng, Phú Quốc khi đó phải chật vật chờ khách vì giá vé máy bay quá cao. Trước đó, du lịch Bình Thuận cũng ghi dấu mốc tăng trưởng đột phá ngay khi cao tốc TP.HCM – Phan Thiết được nối liền. Ở phía bắc, các tuyến cao tốc tới Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang… rút ngắn thời gian di chuyển từ 2 – 4 tiếng cũng mang đến đột phá cho các tỉnh miền núi có tiềm năng du lịch, kinh tế lớn nhưng bao năm qua bị nghẽn bởi hệ thống đường sá khó khăn.
Cao tốc kéo “khúc ruột” miền Trung về gần thủ đô, thay vì mất 5 – 5 tiếng rưỡi để về tới Nghệ An như trước đây, toàn tuyến cao tốc từ Pháp Vân (Hà Nội) tới Nghệ An đã được hoàn thiện dài 251 km, rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội – Diễn Châu chỉ còn khoảng từ 3 – 3 tiếng rưỡi. Tương tự, cao tốc nối liền các tỉnh phía nam, giúp nhiều địa phương như Đồng Tháp “khuất nẻo”, Cà Mau “xa lắm” bỗng hóa gần.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, khẳng định để phát triển kinh tế, đầu tiên phải chú trọng cơ sở hạ tầng mà quan trọng nhất chính là giao thông. Địa phương muốn đón khách thì phải làm đường cho người ta tới; hàng hóa muốn có giá trị cao thì phải từ nơi sản xuất đến tận tay người tiêu dùng. Trong nhiều loại hình giao thông, đường bộ vẫn là mạng lưới chủ đạo, cơ động, thiết thực và nhanh nhất, không phải qua trung chuyển như hàng không, đường thủy hay đường sắt. Với địa hình trải dài như của VN, tuyến đường bộ Bắc – Nam chính là động mạch của nền kinh tế.
“Đường cao tốc Bắc – Nam ít giao cắt, tốc độ lưu thông lên tới 80 km/giờ là một trong những đòn bẩy mạnh mẽ tạo đột phá phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang bước vào thời kì chuyển mình mới, các dự án được khánh thành đưa vào sử dụng sẽ tạo đà rất tốt kích hoạt du lịch, thương mại, vận tải, công nghiệp… của các địa phương đồng loạt tăng tốc. Các “mạch máu” sẽ được kích hoạt, tạo sức bật đột phá kinh tế cả nước”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhấn mạnh.
Đồng bộ trạm dừng nghỉ trước Tết Nguyên đán
Nhằm đảm bảo khai thác đồng bộ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường cao tốc VN, Cục Đường bộ VN, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, đảm bảo khai thác đồng bộ, phục vụ nhu cầu cấp thiết của người dân và phương tiện tham gia lưu thông trên các tuyến cao tốc, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2025. Trường hợp không đáp ứng được tiến độ yêu cầu do yếu tố khách quan, nhà đầu tư/doanh nghiệp phải tiếp quản và vận hành các trạm tạm đã xây dựng trước đây và hoàn thành xây dựng trạm tạm mới trước ngày 20/1.
(Theo Thanh Niên)