Chi tiết

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư?

Năm 2024: Giá vàng tăng mạnh nhất kể từ năm 2010

Báo cáo xu hướng kinh tế tài chính Việt Nam và thế giới tháng 1/2025 do Viện Kinh tế – Tài chính (Học viện tài chính) vừa công bố cho biết, trong năm 2024 giá vàng thế giới tăng 28,7%, đã có lúc gần chạm mốc 2.800 USD/ounce. Với mức tăng này, đây là năm tăng mạnh nhất tính từ năm 2010.

Có 3 nguyên nhân chính khiến giá vàng tăng cao trong năm qua:

Thứ nhất, Fed đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 1,0 điểm phần trăm trong năm 2024. Chính sách nới lỏng tiền tệ nhằm phục hồi tăng trưởng kinh tế làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng và khiến đồng USD suy yếu, qua đó tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này;

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị tại Nga-Ukraine và Trung Đông khiến nhà đầu tư đổ dồn vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn;

Thứ ba, xu hướng mua vào mạnh mẽ kim loại quý này của các ngân hàng trung ương toàn cầu như một biện pháp bảo đảm an toàn trước lo ngại lạm phát ở mức cao. Trong bốn quý liên tiếp tính đến quý 3/2024, các ngân hàng trung ương đã mua ròng hơn 900 tấn vàng, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước Đông Âu. Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tháng 10/2024 chứng kiến mức mua ròng vàng cao nhất của các ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024.

Trong nước, giá vàng liên tục phá vỡ các mốc giá quan trọng và đạt mức 90 triệu đồng/lượng vào tháng 5/2024. Tới tháng 9/2024, giá vàng nhẫn lập kỷ lục với mức giá cao nhất lịch sử là 81,6 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng SJC bán ra đạt mốc cao nhất mọi thời đại 92 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đạt đỉnh cao kỷ lục 2790 USD/ounce vào cuối tháng 10/2024.

So với thời điểm cuối năm 2023, giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC ghi nhận mức tăng lần lượt là 34% và 14% trong năm 2024.

Theo các chuyên gia Viện Kinh tế – Tài chính, nhiều năm gần đây giá vàng trong nước có sự chênh lệch lớn với giá thế giới do cơ chế độc quyền của Nhà nước trong sản xuất và kinh doanh vàng miếng và tình trạng giới đầu cơ làm giá gây hỗn loạn thị trường vàng. Tuy nhiên, với sự điều hành quyết liệt của Nhà nước trong việc bình ổn giá và đưa giá vàng tiệm cận với giá thế giới, từ tháng 6/2024 mức chênh lệch chỉ còn 4-7%.

Năm 2024, NHNN đã tổ chức bán vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và công ty SJC để bình ổn giá vàng. Ảnh: DĐDN

Năm 2025: Nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng

Nhiều dự báo cho thấy nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Donald Trump với những chính sách kinh tế khó đoán định có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ, nhưng đồng thời cũng có thể gây ra áp lực lạm phát và bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu. Với mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế Mỹ, kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm 2025. Tuy nhiên, lạm phát của Mỹ dự kiến sẽ vẫn ở mức cao và tiếp tục hỗ trợ cho giá vàng tăng lên.

Dự báo cho năm 2025, Tổng giám đốc Paul Williams của Solomon Global nhận định, các yếu tố bất ổn địa chính trị và xu hướng phi toàn cầu hóa sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng. Các ngân hàng trung ương dự kiến tăng cường mua vàng nhằm đa dạng hóa danh mục đầu tư, giúp kim loại quý này duy trì vai trò là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu.

Trong khi đó, ông Julia Khandoshko, Tổng giám đốc điều hành của Mind Money, nhận định giá vàng tăng trở lại mức cao nhất mọi thời đại 2.800 USD/ounce chỉ là vấn đề thời gian. Chuyên gia này dự báo, giá vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce vào năm 2025.

Theo các chuyên gia Viện Kinh tế – Tài chính, tại Việt Nam, giá vàng năm 2025 nhiều khả năng sẽ tăng vượt đỉnh năm 2024. Giá vàng trong nước cũng sẽ được Ngân hàng Nhà nước điều hành tiệm cận với giá vàng thế giới

Theo ghi nhận của Nhadautu.vn, trong vòng 1 tháng qua, giá vàng miếng SJC đã có xu hướng tăng cao, tuy khoảng cách chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra lại rút ngắn đáng kể.

Cụ thể, ngày 9/1/2025, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 84,5 – 86 triệu đồng một lượng, cao hơn 500.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước. Mức giá này được tiếp tục duy trì trong ngày 10/9. Trong khi trước đó 1 tháng (ngày 9/12/2024), mức giá này là 82,7 triệu đồng/lượng mua vào và .85,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Năm 2024, giá vàng miếng SJC bán ra đạt mốc 92 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới đạt 2790 USD/ounce vào cuối tháng 10/2024. Sáng 9/1/2025, giá vàng thế giới giao ngay đã ở mức 2.659 USD/ounce và được dự báo ở mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025.

Giá vàng được dự báo ở mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025.. Ảnh:VOV

Có nên đầu tư vàng trong bối hiện nay?

Theo ThS. Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế – Tài chính nếu tăng trưởng toàn cầu chậm hơn kỳ vọng và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra cùng với các bất ổn địa chính trị gia tăng, nhu cầu vàng toàn cầu có thể tiếp tục tăng so với năm 2024 đẩy giá vàng thế giới tăng cao như nhiều nhận định của các tổ chức kinh tế thế giới, sẽ tác động làm VND giảm giá, tỷ giá USD/VND tăng.

“Khi giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng trong nước cũng tăng theo, cùng với những bất ổn kinh tế thế giới khiến cho nhu cầu tích trữ vàng trong dân càng lớn. Nhà nước cần có những giải pháp để thu hút nguồn vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội…”- Chuyên gia đề xuất.

Dự báo, với bối cảnh hiện tại, mức giá 3.000 USD/ounce không còn xa, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, lưu ý việc đầu tư vàng vì thế cũng không nên “bỏ trứng vào một giỏ” bởi đầu tư vàng trong nước tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguyên nhân là thị trường vàng trong nước chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với nguồn cung vàng SJC thường xuyên khan hiếm. Ngoài ra, giá vàng trong nước cũng không biến động sát theo giá thế giới…

Trong khi đó, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, vàng là mặt hàng đặc biệt, có tác động lớn đến tỷ giá và lạm phát, nên không thể quản lý như các mặt hàng thông thường.

 Ông nhấn mạnh: “Không thể để tự do hóa thị trường vàng, mà cần có sự can thiệp của NHNN để tránh gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tuy vậy, NHNN cũng không thể cấm người dân tích trữ, đầu tư vàng”.

Vì thế, để hạn chế việc người dân tích trữ vàng, cần cải thiện các kênh đầu tư thay thế. “Giải pháp hiệu quả nhất là tạo ra những kênh đầu tư hấp dẫn hơn, như khôi phục thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu..”- Luật sư đề xuất.

Chênh lệch giá mua vào – bán ra đã được thu hẹp đáng kể
Tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2025, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) thông tin, trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các bộ ngành liên quan, đến nay mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được. Cụ thể, chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá thế giới từng có thời điểm lên đến gần 20 triệu đồng/lượng nhưng hiện nay đã thu hẹp còn 3-4 triệu đồng/lượng.

 



Nguồn