Công ty bán dẫn khổng lồ của Mỹ Nvidia đang triển khai kế hoạch hợp tác toàn diện tại thị trường Ấn Độ, bắt tay hợp tác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành và ra mắt mô hình ngôn ngữ tiếng Hindi.
Trong tuần qua, trong khi các nước BRICS nhóm họp tại Nga tìm cách thiết lập trật tự thương mại, an ninh mới; các định chế tài chính hàng đầu IMF và WB tề tựu về Mỹ cảnh báo các mối nguy kinh tế thế giới.
Tại Ấn Độ, các “ông trùm” công nghệ và giới siêu giàu cũng tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh trí tuệ nhân tạo (AI). Đã bắt đầu hình thành mối liên hệ siêu khổng lồ giữa các công ty chip và các nhà tài phiệt Ấn Độ.
Giữa hàng loạt quan hệ đối tác được công bố trong dịp này là một thỏa thuận giữa Reliance của người giàu nhất Ấn Độ, tỷ phú Ambani và Nvidia để xây dựng cơ sở hạ tầng AI tại Ấn Độ. CEO Nvidia Jensen Huang cho biết, Nvidia đang hợp tác với các công ty bao gồm Yotta và Tata Communications nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán.
Nvidia và các đối tác Nam Á dự tính tăng “khả năng tính toán” của nền kỹ thuật số Ấn Độ gấp 20 lần vào cuối năm nay – ám chỉ đến sức mạnh điện toán của nước này. Ấn Độ từng là quốc gia sản xuất phần mềm; đã xuất khẩu phần mềm. Trong tương lai, Ấn Độ sẽ xuất khẩu AI.
Nvidia cũng đã công bố Nemotron-4-Mini-Hindi 4B, một mô hình ngôn ngữ bằng tiếng Hindi, ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất tại Ấn Độ. Có nghĩa rằng trong tương lai rất nhiều ứng dụng tiên tiến sử dụng ngôn ngữ này.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tìm cách thu hút các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ấn Độ đặt mục tiêu trở thành một thế lực lớn trong ngành công nghiệp bán dẫn khi nước này đang nỗ lực tự cung tự cấp chuỗi cung ứng.
Các nhà lãnh đạo tại New Delhi đã vạch ra nhiều mục tiêu khác nhau để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, đặt ra mục tiêu quan trọng là tăng trưởng ngành công nghiệp điện tử của quốc gia này từ giá trị hiện tại khoảng 155 tỷ đô la Mỹ lên 500 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030.
Không chỉ Nvidia mà Google, Amazon, Microsoft,… đã công bố kế hoạch đầu tư tổng cộng ít nhất 85 tỷ USD vào hạ tầng điện toán đám mây tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc. Sự tập trung của BigTech tại Ấn Độ ngầm khẳng định đây trung tâm trăng trưởng mới mang tính toàn cầu.
Sự khác biệt của Ấn Độ là sở hữu nền tảng nội lực dồi dào, đủ khả năng đối ứng với các tập đoàn lớn nước ngoài. Ví dụ, hệ sinh thái công nghệ truyền thông của tỷ phú Ambani rất mạnh về vốn và kinh nghiệm quản lý khai thác thị trường rộng lớn bậc nhất thế giới.
Người Ấn Độ có “gen” về công nghệ thông tin, giỏi về toán và số học, người Ấn phát minh ra số “0” là nền tảng của hệ nhị phân. Hệ thống này được sử dụng rộng rãi trong máy tính, điện tử và lập trình vì nó có thể biểu diễn bất kỳ số nào bằng cách kết hợp các bit.
Nói vậy để thấy rằng quốc gia Nam Á sở hữu đội ngũ nhân sự có chiều sâu, rất được trọng dụng tại các thung lũng silicon khắp thế giới. Đi kèm với lợi thế thị trường đông dân nhất thế giới, là chính sách thông thoáng. Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua láng giềng Trung Quốc trong tương lai không xa.