OCH đổi loại hình hoạt động công ty con để nhận thêm vốn
Lãnh đạo CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) vừa quyết định chuyển đổi loại hình hoạt động của công ty con Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang thành công ty cổ phần, đồng thời phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.
Theo đó, CTCP Sao Hôm Nha Trang được thành lập mới trên cơ sở chuyển đổi loại hình tổ chức và hoạt động của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang với vốn điều lệ 727 tỷ đồng, đồng thời kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tài sản của Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang.
Lãnh đạo OCH cũng thông qua việc công ty con sẽ phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn thêm khoảng 166 tỷ đồng theo hình thức góp bằng tiền. Sau khi hoàn tất, OCH sẽ nắm 56 triệu cp Sao Hôm Nha Trang, tương đương 77.13% vốn điều lệ, giảm từ mức 100% trước đó.
HĐQT OCH chỉ định bà Trần Thanh Hà tiếp tục giữ chức Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty con Sao Hôm Nha Trang.
Bên cạnh đó, nghị quyết còn chấp thuận để OCH, Công ty TNHH MTV Sao Hôm Nha Trang và bên cho vay của Sao Hôm Nha Trang ký đối trừ công nợ. Giá trị công nợ đối trừ không vượt quá 35% tổng tài sản trong báo cáo tài chính kiểm toán/soát xét gần nhất của OCH.
Năm 2023, Sao Hôm Nha Trang ghi nhận tổng doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2022, nhưng lỗ sau thuế gần 73 tỷ đồng do thị trường khách quốc tế quay trở lại Nha Trang chưa đạt như kỳ vọng.
Theo OCH, khách sạn StarCity Nha Trang – khai trương từ năm 2016 – do Sao Hôm Nha Trang quản lý tiếp tục thua lỗ trong năm 2023, dẫn đến nguồn vốn chủ sở hữu suy giảm nghiêm trọng. Dù vậy, hoạt động kinh doanh khách sạn vẫn đủ để đảm bảo các khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên, vận hành khách sạn, tiền thuê đất, mua sắm công cụ dụng cụ nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh cho khách sạn.
“Với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp sau nhiều năm mà chưa trùng tu lớn nên khách sạn đề xuất xin hỗ trợ vốn từ công ty mẹ để đầu tư sửa chữa, cải tạo và nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ”, OCH nêu tình trạng công ty con trong báo cáo thường niên năm 2023. Trước đó, OCH từng có ý định thoái toàn bộ vốn tại Sao Hôm Nha Trang cho công ty mẹ là CTCP Tập đoàn Đại Dương (sở hữu 55.6% vốn OCH).
Khách sạn StarCity Nha Trang
|
Về phần OCH, kết quả kinh doanh quý 2/2024 tiếp tục không khả quan dù doanh thu vẫn tăng 3% so với cùng kỳ, đạt 151 tỷ đồng. Chi phí lãi vay hơn 26 tỷ đồng, gấp 6 lần, làm Công ty lỗ ròng gần 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng; qua đó nâng lỗ lũy kế lên 651 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt 269 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% nhưng lỗ ròng gần 27 tỷ đồng. OCH mới đi được 26% chặng đường doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lãi sau thuế 42.6 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo Công ty thừa nhận đặt mục tiêu thấp hơn nhiều so với năm trước do vấn đề lãi vay và cho rằng “đang không có động lực phát triển” nên khó tăng trưởng đột biến. Theo lý giải, lợi nhuận OCH phụ thuộc lớn vào lĩnh vực thực phẩm, trong khi mảng khách sạn hoạt động chưa hiệu quả sau đại dịch COVID-19 và thị trường du lịch chưa hồi phục hoàn toàn.
“Chúng tôi xác định động lực phát triển trong thời gian tới sẽ thông qua mua bán và sáp nhập (M&A)”, một lãnh đạo cho biết và đánh giá tăng vốn trong bối cảnh hiện nay thì cổ đông sẽ không có lợi nên quyết định vay ngân hàng. Đối với mảng khách sạn, OCH sẽ hỗ trợ tài chính trong phạm vi nhất định, chủ yếu là hỗ trợ việc nâng cấp, cải tạo theo chu kỳ.
Tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ sở hữu của OCH tại các công ty con không có sự thay đổi so với đầu năm; nổi bật gồm Tân Việt (51.42%, kinh doanh khách sạn), Bánh Givral (50.77%, kinh doanh các loại bánh, kem), Kem Tràng Tiền (99.81%, kinh doanh các loại kem, chè), Viptour Togi (86.13%, kinh doanh khách sạn), Kem Tín Phát (99.68%, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa)…
Diễn biến lãi ròng và chi phí lãi vay hàng quý của OCH từ năm 2019 đến nay | ||
|