Chi tiết

“Ông chủ” thật sự của Nam A Bank là ai?

“Ông chủ” thật sự của Nam A Bank là ai?

Mặc dù không còn nắm quyền điều hành nhưng ông Nguyễn Quốc Toàn và các bên liên quan đang sở hữu hơn 18% vốn Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank, HOSENAB), tương đương hơn 200 triệu cp.


Nguồn: Nam A Bank (Căn cứ theo thông tin cổ đông cung cấp đến ngày 21/08/2024)

Khi Chủ tịch “làm thuê”

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của Nam A Bank (công bố ngày 22/08/2024) cho thấy dàn lãnh đạo cấp cao của nhà băng này đều không đứng tên sở hữu cổ phần.

Bên cạnh đó, báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của Ngân hàng cũng thể hiện cá nhân Chủ tịch HĐQT Trần Ngô Phúc Vũ không nắm giữ bất kỳ cổ phần NAB. Phía gia đình của ông Vũ chỉ có em trai Trần Ngô Phúc Khoa sở hữu 29,441 cp NAB, chiếm 0.003% vốn điều lệ Ngân hàng.

Hai lãnh đạo chủ chốt khác là ông Trần Ngọc Tâm – Phó Chủ tịch HĐQT Nam A Bank nắm gần 3.4 triệu cp, chiếm 0.32% vốn và ông Trần Khải Hoàn – Thành viên HĐQT kiêm Quyền Tổng Giám đốc sở hữu hơn 2.95 triệu cp, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0.279%.

Vốn dĩ người ngồi ghế Chủ tịch HĐQT thường là chủ doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu lớn nhất. Tuy nhiên, đối với ngân hàng, chuyện sở hữu này lại hoàn toàn khác.

Chủ tịch HĐQT thường là người đại diện theo pháp luật, song, Chủ tịch cũng chưa hẳn đã là người nắm giữ nhiều vốn nhất. Pháp luật hiện hành chỉ quy định Chủ tịch HĐQT do HĐQT bầu ra, nhưng không quy định đó phải là người sở hữu cổ phần ngân hàng nhiều nhất. Cũng vì lẽ đó, chủ sở hữu nhà băng tại Việt Nam rất đa dạng, nhiều “ông chủ” thực sự không xuất hiện với tư cách người lãnh đạo cao nhất công khai tại ngân hàng.      

Ai mới là “ông chủ” thật sự của Nam A Bank?

Theo danh sách công bố của ngân hàng, tại thời điểm 21/08/2024, cổ đông pháp nhân lớn nhất của Nam A Bank là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (Pacific Dragon) sở hữu hơn 9.4% vốn, tương đương hơn 99.8 triệu cp.

Ngoài ra còn có sự xuất hiện của ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai lớn của cố doanh nhân Trần Thị Hường (tên thường gọi là Tư Hường) với sở hữu hơn 3.33% (35.3 triệu cp); ông Nguyễn Văn Hoàng nắm hơn 3.32% (hơn 35.1 triệu cp) và bà Nguyễn Thị Xuân Thủy – em gái ông Toàn nắm 2.9% (30.4 triệu cp).

Từ lai lịch của Rồng Thái Bình Dương cho thấy công ty này và ông Nguyễn Quốc Toàn cùng ông Nguyễn Văn Hoàng có mối liên quan với nhau.

Rồng Thái Bình Dương thành lập từ tháng 10/1999 với vốn điều lệ ban đầu 90 tỷ đồng, do con trai và con gái bà Tư Hường đứng tên góp gần 100% vốn. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Toàn góp 89.7 tỷ đồng (chiếm 99.7% vốn) và bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc góp 250 triệu đồng.

Cuối năm 2012, vợ ông Toàn là Á hậu Dương Trương Thiên Lý sở hữu 99.94% cổ phần. Đến năm 2013, bà Đào Thị Diệu đã nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của bà Thiên Lý và nắm giữ đến tháng 06/2016.

Do đó, khoảng đầu năm 2015, khi Rồng Thái Bình Dương được công bố nắm giữ 14.26% vốn điều lệ của Nam A Bank thì doanh nghiệp này đã là một pháp nhân hoàn toàn độc lập với vợ chồng ông Toàn.

Bên nhận đứng tên sở hữu vốn Rồng Thái Bình Dương sau khi bà Diệu thoái vốn gồm có bà Trương Vũ Họa Mi (nắm 50%, tương đương 400 tỷ đồng), còn ông Nguyễn Văn Hoàng tăng sở hữu từ 0.06% (0.48 tỷ đồng) lên nắm giữ 50% vốn (400 tỷ đồng).

Tháng 08/2018, những chủ nhân mới của Rồng Thái Bình Dương là ông Dương Tiến Dũng nắm giữ 80% và bà Nguyễn Thị Kim Phượng 20%. Tháng 11/2018, ông Nguyễn Văn Hoàng quay trở lại đứng tên sở hữu 50% vốn Rồng Thái Bình Dương (400 tỷ đồng), còn bà Kim Phượng đã nâng sở hữu lên 50%.

Từ tháng 04/2019, bà Phượng và ông Hoàng không còn đứng tên sở hữu Rồng Thái Bình Dương, thay vào đó là bà Võ Thị Hiệp và ông Nguyễn Bình Duy, mỗi người nắm 50% vốn.

Sau khi không còn đứng tên sở hữu vốn, ông Nguyễn Văn Hoàng được bổ nhiệm làm người đại diện theo pháp luật kiêm Tổng Giám đốc Rồng Thái Bình Dương từ tháng 07/2021 đến tháng 05/2024. Từ đó đến nay, ông Hà Học Duy giữ vị trí này thay cho ông Hoàng.

Ông Nguyễn Văn Hoàng từng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đại diện theo pháp luật CTCP Hoàn Vũ Sài Gòn – đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam. Đây là cuộc thi sắc đẹp luôn có sự tài trợ chính của Nam A Bank.

CTCP Thương mại Sản xuất Độc lập là cổ đông nắm vốn NAB nhiều thứ hai với tỷ lệ 4.096% vốn (hơn 43.3 triệu cp). Vào cuối tháng 6 mới đây, Độc lập đã dùng 25 triệu cp NAB thuộc sở hữu của CTCP Kim Phong Bảo để phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu.

Kim Phong Bảo theo cơ cấu cổ đông của NAB cho thấy đang sở hữu 3.558% vốn NAB (hơn 36.6 triệu cp), tỷ lệ cao thứ ba.

Công ty Hoàn Vũ Sài Gòn là cổ đông tổ chức nắm sở hữu nhiều thứ tư tại NAB với 3.067% vốn (gần 32.5 triệu cp). Hiện Công ty có vốn điều lệ 650 tỷ đồng, hiện do ông Trần Ngọc Nhật làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Trước đó chức vụ này từng do các cá nhân gồm ông Nguyễn Văn Hoàng (nêu trên) và ông Trần Việt Bảo Hoàng đảm nhiệm.

Còn Công ty TNHH Hoàn Cầu chính là di sản của cố doanh nhân Tư Hường và chồng – ông Nguyễn Chấn thành lập từ năm 1993. Trước đây, Hoàn Cầu thuộc sở hữu của vợ chồng bà Hường và ông Chấn, sau một số biến cố, cơ cấu cổ đông cũng như vị trí Chủ tịch HĐQT chuyển giao lần lượt qua nhiều người như bà Tư Hường, ông Nguyễn Quốc Cường, ông Phan Đình Tân. Còn chức Tổng Giám đốc lần lượt qua ông Phan Đình Tân, ông Nguyễn Quốc Cường, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (con gái bà Tư Hường và ông Nguyễn Chấn).

Hiện Hoàn Cầu do ông Phan Đình Tân làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Vốn điều lệ 1,170 tỷ đồng, ông Tân nắm 99%, bà Nguyễn Tôn Nữ Như Hoàng 1%.

Cá nhân ông Tân đang sở hữu hơn 20 triệu cp NAB, tương đương 1.891% vốn. Ông Tân cũng từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT NAB thay cho ông Toàn vào năm 2015.

Như vậy, tỷ lệ sở hữu của ông Toàn và các bên có liên quan (Rồng Thái Bình Dương, ông Nguyễn Vũ Hoàng, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, Hoàn Vũ Sài Gòn, Hoàn Cầu, ông Phan Đình Tân) hiện chiếm hơn gần 27% vốn điều lệ của Nam A Bank.


Ông Nguyễn Quốc Toàn – cựu Chủ tịch HĐQT Nam A Bank

Ông Nguyễn Quốc Toàn được bầu làm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank vào năm 2014, nhưng bất ngờ rời vị trí một năm sau đó rồi tiếp tục quay trở lại vào năm 2016. 

Vào tháng 06/2019, ông Toàn chính thức thông báo từ nhiệm vị trí Chủ tịch Nam A Bank và ủy quyền cho Phó chủ tịch thường trực công việc tại ngân hàng để tập trung giải quyết một số vấn đề liên quan tranh chấp nội bộ gia đình. Như vậy, sau hơn 5 năm từ tuyên bố trên, ông Toàn chính thức rời ban lãnh đạo Nam A Bank.

Dù không còn nắm quyền điều hành, ông Nguyễn Quốc Toàn và các bên liên quan đến nay vẫn còn sở hữu lượng lớn cổ phần Nam A Bank.

Công ty sản xuất tôn dùng 25 triệu cp NAB huy động 200 tỷ đồng trái phiếu

Khang Di

FILI



Source link