Chi tiết

Ông Donald Trump sẽ khai màn “cuộc chiến” với FED?

FED có thể mất quyền hoạt động độc lập với chính phủ Mỹ (Ảnh CNBC)
FED có thể mất quyền hoạt động độc lập với chính phủ Mỹ (Ảnh: CNBC)

Cho đến nay, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) vẫn là tổ chức tài chính tiền tệ trong “màn sương mờ ảo”. Chưa ai hiểu rõ đằng sau tổ chức này là ai, gồm những cá nhân nào, đã thao túng kinh tế thế giới ra sao?

Một trong những điều khiến FED trở nên quyền lực vô song chính là tính độc lập với hệ thống quyền lực chính trị Mỹ, không chịu sự lãnh đạo của Tổng thống. Về nguyên tắc, ngân hàng này hoạt động dựa trên “hơi thở” của thị trường và “sức khỏe” kinh tế Mỹ.

Nhưng sắp tới đây, mọi thứ có thể thay đổi khi đã có một luồng quan điểm ủng hộ Tổng thống Donald Trump nắm quyền chỉ đạo FED. Thượng nghị sĩ Mike Lee đã đăng bài trên mạng xã hội với nội dung kêu gọi FED phải chịu sự chỉ đạo của Tổng thống.

Đáng chú ý hơn, tỷ phú Elon Musk đã bày tỏ đồng tình với ý kiến trên. Bình luận của Musk phản ánh một chiến dịch gây sức ép rộng hơn đối với sự độc lập của FED có thể hình thành trong chính quyền mới của ông Trump.

Ngay sau đó, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, ông sẽ không từ chức nếu Tổng thống Trump yêu cầu ông làm như vậy. Điều này đánh dấu sự hồi sinh của mối quan hệ “kinh tế và chính trị” phức tạp bậc nhất trong thế giới đương đại, đó là quan hệ căng thẳng giữa Chủ tịch FED và Tổng thống đương nhiệm.

Truyền thống độc lập của FED nhằm mục đích giữ cho ngân hàng Trung ương này toàn quyền định hình các quyết định về chính sách tiền tệ, chẳng hạn như tăng hoặc giảm lãi suất, nới lỏng hoặc cắt giảm định lượng.

Thật ra trong chiến dịch tranh cử lần này, ông Trump đã ít nhiều bày tỏ ý định phá vỡ tính độc lập của FED. Như hồi tháng 8, phát biểu tại một cuộc họp báo tại câu lạc bộ Mar-a-Lago ở Florida, ông Trump nói: “Tôi cảm thấy rằng Tổng thống ít nhất cũng nên có tiếng nói trong đó”.

Bộ đôi quyền lực kinh tế và chính trị có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay (Ảnh NBC News)
Bộ đôi quyền lực kinh tế và chính trị có ảnh hưởng lớn nhất hiện nay (Ảnh NBC News)

Theo một số cách giải thích, sở dĩ FED sống chết nắm quyền độc lập là bởi, họ không muốn phục tùng điều kiện có phần “phi kinh tế” của các chính trị gia – các cơ quan công quyền luôn trong tình trạng cần tiền, luôn muốn in thêm đô la Mỹ để chi tiêu.

Quá nhiều tiền được in ra sẽ “vô hiệu hóa” tài sản của nền kinh tế vì sẽ dẫn tới kịch bản “siêu lạm phát”. Kinh tế gia nổi tiếng Paul Krugman từng ví von “không ai muốn một kịch bản Venezuela xảy ra”. Trên thực tế, nợ công của Mỹ không bao giờ giảm và việc nới trần nợ luôn là câu chuyện lắm bi hài với bất kỳ Tổng thống nào.

Ví dụ, giai đoạn 2022 đến tháng 9/2024 tổ chức này tăng lãi suất 11 lần để chống lạm phát, chính quyền ông Joe Biden hoàn toàn giữ im lặng. Dĩ nhiên không phải lúc nào FED cũng đúng!

Tiếp đến, nếu Tổng thống nắm luôn tổ chức quyền lực này sẽ xảy ra hệ lụy ban hành các chính sách tiền tệ phục vụ quyền lực chính trị nhiều hơn. Ví dụ, giảm lãi suất, cho vay vốn rẻ để tạo nhanh công ăn việc làm, kích thích hoạt động kinh tế sôi động,… lấy lòng cử tri.

Nguồn