Các nhà quản lý quỹ dự đoán rằng ở nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, trái phiếu châu Âu mang lại giá trị hấp dẫn hơn so với trái phiếu Mỹ. Ảnh: AFP
Chiến thắng bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump đã làm dấy lên mối lo ngại về giá cả tăng cao, thôi thúc các chiến lược gia xem xét lại triển vọng về lợi suất trái phiếu và tiền tệ toàn cầu.
Lợi suất trái phiếu Mỹ có xu hướng tăng
Các chiến lược gia cho rằng lời cam kết cắt giảm thuế doanh nghiệp và áp thuế quan cao hơn của ông Trump – người sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào tháng 1/2025 – có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng lại làm gia tăng thâm hụt tài chính và thúc đẩy lạm phát.
Sự trở lại Nhà Trắng của ông Trump được cho là có khả năng gây xáo trộn chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), có khả năng duy trì xu hướng tăng đối với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Lợi suất trái phiếu có xu hướng tăng khi những người tham gia thị trường kỳ vọng giá cả tăng cao hoặc thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.
Ông Alim Remtulla, chiến lược gia ngoại hối trưởng tại EFG International, cho biết sẽ “không thể duy trì” nếu Fed tiếp tục các kế hoạch nới lỏng trong khi lợi suất trái phiếu tăng.
“Cuối cùng, Fed phải tạm dừng cắt giảm lãi suất vì nền kinh tế Mỹ không còn nguy cơ suy thoái hoặc nền kinh tế đảo chiều và lợi suất giảm mạnh khi suy thoái đang rình rập”, ông Remtulla trả lời phỏng vấn của đài CNBC.
“Cuộc bầu cử của ông Trump thúc đẩy cả hai khả năng là chiến tranh thương mại và tăng chi tiêu tài chính có mục đích trái ngược nhau”, ông Remtulla nói thêm.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng mạnh kể từ sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, trước khi thu hẹp mức tăng trong những ngày gần đây.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giao dịch cao hơn 3 điểm cơ bản ở mức 4,4158% vào sáng ngày 20/11. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và giá cả biến động ngược chiều nhau.
Trái phiếu châu Âu trở nên hấp dẫn hơn
Đối với châu Âu, ông Remtulla cho rằng, thị trường này đã có cái thở phào nhẹ khi dữ liệu không tồi tệ như dự đoán, đồng thời các nhà giao dịch nhận thức được rằng các chính sách của ông Trump sẽ mất 1 hoặc 2 quý để ban hành và thực hiện.
“Cũng có khả năng là lời lẽ trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là nhằm mục đích bầu cử và ông ấy sẽ điều hành gần với nguyên trạng hơn. Điều này cũng sẽ giúp khu vực đồng tiền chung euro tránh được suy thoái và giúp tăng giá [đồng euro]”, ông Remtulla nói thêm.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, mức tham chiếu cho khu vực đồng euro, đứng ở mức 2,337% vào ngày 20/11. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Đức kỳ hạn 2 năm tăng khoảng 1 điểm cơ bản ở mức 2,151%.
Bà Shannon Kirwin, phó giám đốc bộ phận xếp hạng thu nhập cố định tại Morningstar, cho biết một bộ phận đáng kể các nhà đầu tư đang hy vọng trái phiếu châu Âu sẽ duy trì “khá tốt” trong những năm tới, trong khi đồng euro dự kiến sẽ yếu đi.
“Ngay cả trước cuộc bầu cử Mỹ, các nhà quản lý quỹ trái phiếu mà tôi đã trao đổi có chung quan điểm rằng thị trường trái phiếu châu Âu mang lại giá trị hấp dẫn hơn so với thị trường Mỹ”, bà Kirwin cho biết.
“Do đó, nhiều nhà quản lý đã định vị danh mục đầu tư của họ hơi nghiêng về tín dụng châu Âu và tránh xa trái phiếu doanh nghiệp Mỹ”, đại diện Morningstar nói thêm.
Trong nỗ lực tăng nguồn thu của Mỹ, ông Trump đã đề cập rằng ông có thể áp dụng mức thuế toàn diện 20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào nước này, cùng với mức thuế quan lên tới 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc và mức thuế cao tới 2.000% đối với các loại xe được sản xuất tại Mexico.
Trong khi đó, đối với Liên minh châu Âu, ông Trump cảnh báo khối này sẽ phải “trả giá đắt” vì không mua đủ hàng xuất khẩu của Mỹ.
“Chúng tôi nghe các nhà quản lý ở cả hai thị trường nói rằng họ thích giữ một chút tiền mặt dự phòng, chẳng hạn như bằng cách tăng chất lượng hoặc chọn sở hữu nhiều tiền mặt hơn bình thường, để có thể tận dụng lợi thế của sự biến động tiềm ẩn trong tương lai”, bà Kirwin nói thêm.
Trái phiếu châu Á ra sao?
Cho đến nay, thị trường dường như vẫn chưa định giá được rủi ro lạm phát Mỹ tăng lên trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, theo ông Sameer Goel, giám đốc nghiên cứu thị trường mới nổi toàn cầu tại Deutsche Bank.
Khi được hỏi nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump có thể tác động đến các nền kinh tế châu Á và tiền tệ khu vực này ra sao, ông Goel cho biết điều này có khả năng dẫn đến việc nới rộng khoảng cách lạm phát giữa Mỹ và châu Á, từ đó có thể khiến tiền tệ suy yếu.
“Tôi đoán, như thường lệ, các động thái khác nhau liên quan đến từng ngân hàng trung ương và quốc gia, nhưng tôi nghĩ rằng có nhiều luồng ý kiến trái chiều hơn là bù đắp ở đây vì thuế quan có thể gây gián đoạn và gây tổn hại nhiều hơn đến tăng trưởng”, ông Goel lưu ý.
“Mặt khác, nó có thể gây lạm phát tùy thuộc vào giá năng lượng hoặc các vấn đề khác như tiền tệ suy yếu, điều này có thể tác động ngược trở lại đối với một số quốc gia nhiều hơn so với các quốc gia khác”, ông Goel nói thêm.
Đối với các loại tiền tệ châu Á, các nhà phân tích tại tập đoàn tài chính MUFG cho biết các nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá đầy đủ về quy mô thuế quan tiềm tàng của Mỹ đối với Trung Quốc và các quốc gia khác.
Trong một báo cáo nghiên cứu được công bố sau chiến thắng bầu cử của ông Trump, các nhà phân tích tại MUFG dự đoán nếu chính quyền Trump áp mức thuế 60% đối với các sản phẩm của Trung Quốc sẽ khiến đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá từ 10 – 12% so với đồng đô la Mỹ. Họ cảnh báo rằng khả năng trả đũa thuế quan có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn và cũng có nguy cơ các quốc gia khác sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm của Trung Quốc.
Các loại tiền tệ châu Á có mức độ tiếp xúc cao hơn với thị trường Trung Quốc được cho là dễ bị tổn thương hơn trước thuế quan của ông Trump, đơn cử như đồng đô la Singapore, đồng ringgit Malaysia và đồng won Hàn Quốc.
Theo các chiến lược gia tại ngân hàng Hà Lan ING, các thị trường tài chính đang có xu hướng “đoán già đoán non” về tác động của chính quyền Trump.
“Lời khuyên của chúng tôi là không nên suy nghĩ quá nhiều và thay vào đó hãy có quan điểm chắc chắn rằng các kế hoạch nới lỏng tài khóa và chính sách nhập cư chặt chẽ hơn của chính quyền mới, kết hợp với lãi suất tương đối cao của Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ, tất cả đều tạo ra lý do vững chắc cho một đợt tăng giá của đồng đô la Mỹ”, các nhà chiến lược tại ING cho biết.
Họ nói thêm rằng: “Đúng vậy, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ quá nóng, nhưng năm 2025 sẽ là năm mà mọi bong bóng đô la tiềm ẩn sẽ được bơm thêm không khí”.
Trong khi đó, các loại tiền tệ châu Âu dự kiến sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Các nhà chiến lược tại ING ước tính phí bảo hiểm rủi ro sẽ lên mức đỉnh điểm vào cuối năm sau, điều này có nghĩa là ngay cả khi đồng euro có thể giữ trên mức ngang giá với đồng đô la Mỹ trước thời điểm đó.
ING cho biết các đồng tiền ở vùng Scandinavia như đồng krona của Thụy Điển và đồng kroner của Na Uy dễ gặp rủi ro giảm giá, trong khi đồng bảng Anh và đồng franc Thụy Sĩ đã đạt hiệu suất “vượt trội hơn một chút” so với đồng euro.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/ong-donald-trump-tai-xuat-nha-trang-se-tac-dong-ra-sao-den-thi-truong-trai-phieu-toan-cau-post358472.html