Ông lớn bán lẻ ICT, CE bứt tốc trong quý 2
Sau năm 2023 nhiều bất ổn, các nhà kinh doanh ICT, CE khép lại nửa đầu năm 2024 với kết quả khởi sắc, đặc biệt là nhóm bán lẻ, thậm chí có doanh nghiệp đã vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong 5 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đang kinh doanh sản phẩm ICT và CE (điện thoại di động và điện máy), toàn bộ đều có lợi nhuận tăng trưởng trong quý 2/2024.
Nhóm bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ
Kết thúc quý 2/2024, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) đem về hơn 34.1 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đưa doanh thu 6 tháng đầu năm lên hơn 65.6 ngàn tỷ đồng.
Doanh thu mỗi cửa hàng trong tháng của các chuỗi chủ lực như Điện máy Xanh (ĐMX), Thế giới Di động đã bao gồm Topzone (TGDĐ) và Bách hóa Xanh (BHX) đều tăng so với quý liền trước và cùng kỳ năm trước.
Với chuỗi TGDĐ và ĐMX, tháng 4 là sự bùng nổ của sản phẩm máy lạnh và thiết bị làm mát nhờ nhu cầu tăng cao trong mùa nắng nóng; trong khi hai tháng còn lại nổi bật với sản phẩm điện thoại, tivi nhờ các chương trình khuyến mãi và sự kiện bóng đá.
Còn với BHX, doanh thu bình quân chính thức vượt mốc 2 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế phát sinh trong năm 2024 đã giảm khoảng 7 tỷ đồng so với con số cuối quý 1 liền trước, cho thấy chuỗi đã có lãi trong quý 2.
Sau cùng, MWG lãi ròng gần 1.2 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 67 lần cùng kỳ, giúp lãi 6 tháng đầu năm đạt gần 2.1 ngàn tỷ đồng.
Với CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (HOSE: FRT), quý 2 ghi nhận doanh thu hơn 9.2 ngàn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Điểm nhấn là FRT chuyển từ lỗ ròng gần 219 tỷ đồng cùng kỳ thành có lãi gần 27 tỷ đồng. FRT cho biết, lợi nhuận khả quan nhờ thực hiện tối ưu chi phí hoạt động và hệ thống cửa hàng FPT Shop, đồng thời dịch chuyển cơ cấu sản phẩm, giúp tỷ lệ lãi gộp của chuỗi FPT Shop tăng lên.
Kể từ đầu năm 2024, Công ty cũng tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất tốt hơn, giúp chi phí tài chính giảm đến 55%. Bên cạnh đó, cuối quý 2/2024, Công ty con là CTCP Dược phẩm Long Châu tiếp tục mở rộng thêm 463 nhà thuốc so với cuối quý 2/2023. Chuỗi này tăng trưởng doanh thu 67% so với cùng kỳ.
Theo đó, 6 tháng đầu năm FRT mang về gần 18.3 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 22%, Long Châu vẫn là động lực tăng trưởng chính. FRT cũng chuyển từ lỗ gần 224 tỷ đồng sang lãi ròng gần 66 tỷ đồng.
Nhiều “màu sắc” tăng trưởng ở nhóm bán buôn
CTCP Thế Giới Số (Digiworld, HOSE: DGW) trong quý 2 doanh thu và lãi ròng lần lượt 5,008 tỷ đồng và hơn 89 tỷ đồng, tăng 9% và 8%. Mức tăng trưởng có được nhờ mảng máy tính xách tay, máy tính bảng, bất chấp đang trong mùa thấp điểm.
6 tháng đầu năm, DGW mang về 9,993 tỷ đồng doanh thu và gần 182 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12%.
Có quy mô doanh thu và lợi nhuận nhỏ hơn DGW, nhưng hai công ty “mẹ – con” là Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET) và CTCP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) nổi bật hơn về tốc độ tăng trưởng.
PET đạt gần 4,674 tỷ đồng doanh thu, tăng 5%. Trong khi lãi ròng đến 28 tỷ đồng, tăng 643%. Kết quả này nhờ hầu hết mảng kinh doanh của các công ty con đều tăng trưởng, xuất phát từ việc thị trường có dấu hiệu hồi phục giúp cải thiện biên lãi gộp.
Còn tại PSD – công ty con do PET trực tiếp nắm giữ 76.93% vốn – cũng có lãi ròng tăng đến 205% so với cùng kỳ, đạt gần 18 tỷ đồng, chủ yếu nhờ chi phí tài chính giảm mạnh, giúp hoạt động tài chính có lãi nhẹ 103 triệu đồng thay vì lỗ hơn 5 tỷ đồng như cùng kỳ.
Đã có doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận năm
Dễ thấy các doanh nghiệp kinh doanh điện thoại, điện máy vừa có quý 2 khởi sắc, giúp tiến thêm bước dài để đạt kế hoạch năm 2024 đề ra, thậm chí FRT đã vượt kế hoạch.
Tình hình thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp sau quý 2/2024
|
Cụ thể, FRT đặt kế hoạch lãi trước thuế 125 tỷ đồng trong năm 2024, thay vì thua lỗ năm 2023. Sau 6 tháng, FRT đã vượt 28% kế hoạch lợi nhuận.
Ông lớn MWG cũng đã thực hiện 86% kế hoạch lãi sau thuế 2.4 ngàn tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài cho biết, 2.4 ngàn tỷ đồng là con số không lớn và hoàn toàn nằm trong tầm tay nếu loại trừ những biến số không thể kiểm soát.
Diễn biến tại nhóm bán buôn có sự khác biệt hơn khi 3 doanh nghiệp thống kê đều chưa thể đi được nửa chặng đường, lần lượt là bộ đôi PSD và PET thực hiện 48% và 42%, riêng DGW mới đạt 37% kế hoạch lợi nhuận.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 6/8, Chủ tịch HĐQT DGW Đoàn Hồng Việt cho biết, kết quả thực hiện kế hoạch trong nửa đầu năm hơi thấp so với thông thường vào khoảng 40%, nhưng ông vẫn tự tin DGW sẽ hoàn thành mục tiêu với động lực từ các sản phẩm mới của MSI và Xiaomi, bên cạnh kỳ vọng hàng FMCG có thêm sản phẩm mới đủ lớn để kéo doanh số nửa cuối năm.
DGW cũng công bố kế hoạch doanh thu và lợi nhuận quý 3 lần lượt 6 ngàn tỷ đồng và 120 tỷ đồng, tăng 11% và 18% so với cùng kỳ. Nếu mọi chuyện diễn ra đúng kỳ vọng, DGW dự kiến đạt 62% kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng.