Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Washington DC, ông Powell đề cập đến quan điểm cho rằng tác dụng của chính sách tiền tệ có “độ trễ dài và biến thiên”, nhằm giải thích vì sao Fed không chờ cho tới lúc đạt được mục tiêu về lạm phát mới khởi động việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Hàm ý ở đây là nếu đợi cho tới lúc lạm phát giảm còn 2%, thì thời gian chờ đợi có thể là quá lâu, bởi mức độ thắt chặt chính sách hiện có vẫn sẽ tiếp tục phát huy tác dụng giảm lạm phát và có thể kéo lạm phát xuống dưới 2%”, ông Powell nói.
Nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới cho biết thay vì đợi lạm phát về 2%, Fed muốn có được “sự tin tưởng lớn hơn” rằng lạm phát sẽ giảm về 2%. “Yếu tố giúp gia tăng niềm tin đó là có thêm các số liệu tốt về lạm phát, và cuối cùng chúng tôi cũng đã có được một vài số liệu như vậy”, ông Powell nói.
Trong một tín hiệu lạc quan khác, ông Powell nói ông cho rằng “hạ cánh cứng” không phải là “một kịch bản có thể xảy ra” đối với nền kinh tế Mỹ.
Đây là lần đầu tiên ông Powell phát biểu trước công chúng kể từ khi Bộ Lao động Mỹ vào tuần trước công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 cho thấy tốc độ lạm phát giảm nhanh hơn dự báo. Thậm chí, so với tháng trước, giá cả tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ còn giảm.
Ông Powell nói ông không có ý định đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về việc đến thời điểm nào Fed có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất. Cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 này.
Lãi suất quỹ liên bang, tức lãi suất chính sách của Fed, đã duy trì ở mức 5,25-5,5% từ tháng 7 năm ngoái tới nay. Khi Covid-19 mới trở thành đại dịch vào năm 2020, Fed hạ lãi suất về ngưỡng 0-0,25%, từ ngưỡng 1,5-1,75% trước đó.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, vào cuối ngày 15/7 theo giờ Mỹ, thị trường đặt cược khả năng gần 94% Fed hạ lãi suất lần đầu trong cuộc họp tháng 9. Ngoài ra, thị trường đang đặt cược khả năng gần 62% Fed có đợt giảm lãi suất thứ hai vào tháng 11 và khả năng gần 44% đợt giảm lãi suất thứ ba sẽ diễn ra vào tháng 12.
Nếu Fed giảm lãi suất 3 lần trong năm nay, với lượng giảm mỗi lần là 0,25 điểm phần trăm, lãi suất quỹ liên bang sẽ hạ về mức 4,5-4,75% vào cuối năm nay. Lãi suất của Fed có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến chi phí vay vốn của tất cả các loại khoản vay trong nền kinh tế Mỹ, chẳng hạn lãi suất cho vay thế chấp nhà.
“Những người tôi không quen biết khi nhìn thấy tôi luôn nói: ‘Này, hãy giảm lãi suất đi’. Có người gặp tôi trong thang máy sáng nay đã nói như vậy”, ông Powell nói vui.
Đánh giá về nền kinh tế Mỹ mà ông Powell đưa ra vào ngày 15/7 cho thấy quan điểm của ông là nền kinh tế đang cân bằng trở lại và điều đó sẽ giúp đưa lạm phát về mục tiêu của Fed. Điều này sẽ tạo cơ sở để Fed chống lạm phát thành công mà vẫn bảo vệ được toàn dụng việc làm trong nền kinh tế – hai mục tiêu mà Quốc hội Mỹ đặt ra cho ngân hàng trung ương.
“Hiện không có hiện tượng dư thừa trên thị trường lao động… Về cơ bản, thị trường đang cân bằng”, ông Powell nói. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức 4,1%, chỉ thấp hơn 0,1% so với mức trung vị mà các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Fed xem là trạng thái việc làm toàn dụng phù hợp với mức lạm phát 2%.
Ông Powell cũng nhất mạnh rằng “lạm phát đang ở ngưỡng 2%” và cho rằng việc lạm phát giảm về ngưỡng này từ mức đỉnh thiết lập vào năm 2022 mà không khiến thất nghiệp tăng mạnh là “một sự đi ngược lại hiểu biết thông thường”.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, tăng 2,6% trong tháng 5. Sau báo cáo CPI và báo cáo chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) công bố vào tuần trước, giới phân tích dự báo PCE tháng 6 của Mỹ – dự kiến công bố vào tuần tới – sẽ cho thấy mức tăng 2,5%.
Lần xuất hiện này, ông Powell cũng nói ông dự định làm việc trên cương vị Chủ tịch Fed cho tới hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2026, nhưng từ chối tiết lộ ông có tiếp tục đảm nhiệm vị trí này hay không nếu được Tổng thống Mỹ tiếp theo bổ nhiệm.
Sau ông Powell, một số quan chức khác cũng sẽ phát biểu trong tuần này, gồm các thống đốc Christopher Waller và Adriana Kugler. Các phát biểu của họ sẽ giúp thị trường tài chính có được cái nhìn sâu hơn và rõ nét hơn về toan tính của Fed vào thời điểm quan trọng này của chu kỳ chính sách tiền tệ.