Chi tiết

Ông Trump dọa áp thuế, các quốc gia châu Á tìm thị trường mới

Một con tàu tại Cảng Klang gần Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Shutterstock
Thuế quan cao hơn của Mỹ gây ra lo ngại cho các quốc gia châu Á phụ thuộc vào thương mại để tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Shutterstock

Các nước châu Á đang phản ứng với tuyên bố bảo hộ của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump bằng cách nhấn mạnh hơn vào các hiệp định thương mại song phương và khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế xuyên quốc gia mà không cần sự tham gia của Mỹ.

Trong diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương gần đây tại Peru, các nhà lãnh đạo từ nhiều quốc gia đã kêu gọi tăng cường hội nhập kinh tế khu vực khi căng thẳng địa chính trị gia tăng và chuỗi cung ứng trở nên căng thẳng.

Trung Quốc đã ký một thỏa thuận thương mại chặt chẽ hơn với Peru, trong khi Indonesia đã nhất trí về một hiệp định thương mại với Canada.

Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục Khu vực Thương mại Tự do Châu Á – Thái Bình Dương, một thỏa thuận giữa các quốc gia thuộc APEC vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. “APEC hiện có ý nghĩa hơn bao giờ hết”, ông Wong nói.

Các nhà kinh tế cho biết các hiệp định thương mại không bao gồm Washington, chẳng hạn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ trở nên quan trọng hơn đối với các quốc gia châu Á trong những năm tới.

“Điều đó sẽ giúp chúng ta kiểm soát phần nào sự hỗn loạn và tổn thất xuất phát từ hệ thống toàn cầu đang sụp đổ”, bà Deborah Elms, người đứng đầu chính sách thương mại tại Quỹ Hinrich, một tổ chức thúc đẩy thương mại bền vững, cho biết.

r-4-1200x675.jpg
Các quốc gia thành viên của RCEP chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

RCEP, một hiệp định thương mại giữa 15 quốc gia châu Á – Thái Bình Dương bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thành viên ASEAN, đã được ký kết vào tháng 11 năm 2020 sau tám năm đàm phán. Các quốc gia này chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới.

Với CPTPP, thương mại giữa các thành viên đã tăng 5,5% từ năm 2018 đến năm 2021. Vương quốc Anh tham gia vào tháng 12 và hiện Trung Quốc đang muốn trở thành thành viên của hiệp định này.

Trước lập trường chống toàn cầu hóa của ông Trump, một số nhà phân tích thúc giục Nhật Bản nâng cấp CPTPP, thêm thành viên và thúc đẩy hợp tác với Liên minh châu Âu.

Nhưng theo Priyanka Kishore, người sáng lập công ty tư vấn Asia Decoded, chính sách kinh tế của Trung Quốc có thể cản trở hợp tác thương mại khu vực. Khi Bắc Kinh phải đối mặt với tình trạng dư thừa năng lực sản xuất, quốc gia này đang tăng xuất khẩu sang các nước như Ấn Độ và khối ASEAN, khiến các ngành công nghiệp liên quan đến xuất khẩu của họ khó phát triển hơn.

“Để khuyến khích thương mại khu vực, Trung Quốc sẽ cần kích thích tiêu dùng trong nước và nhập khẩu nhiều hơn”, chuyên gia Kishore khuyến nghị; đồng thời nói thêm rằng Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ nhu cầu bên ngoài của khu vực.

Thuế quan cao hơn của Mỹ sẽ gây khó khăn đối với các nền kinh tế châu Á có tỷ lệ thương mại trên GDP hơn 100%. Singapore và Hàn Quốc hiện là những quốc gia châu Á duy nhất có các hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Hiện thuế nhập khẩu do các nhà nhập khẩu tại Mỹ chi trả và được Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ thu. Mặc dù thuế cao hơn sẽ được chuyển sang cho người tiêu dùng Mỹ, nhưng điều này khiến sản phẩm của các nhà xuất khẩu sang Mỹ khó tiêu thụ hơn.

Global Trade Alert, một đơn vị giám sát độc lập các chính sách ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, đã cố gắng đánh giá cách các quốc gia châu Á ứng phó trong kịch bản xấu nhất khi họ bị từ chối quyền tiếp cận thị trường Mỹ.

Phân tích của tổ chức này cho thấy các quốc gia châu Á sẽ mất trung bình 5 năm để tìm kiếm các đối tác thương mại thay thế. Đặc biệt, nhiệm vụ này sẽ khó khăn hơn đối với các quốc gia như Thái Lan, nơi cần tới 24 năm để thay thế Mỹ bằng các đối tác thương mại khác như Trung Quốc, EU, Việt Nam và Nhật Bản. Đối với Hàn Quốc, quá trình này sẽ kéo dài đến năm 2038.

Ông Simon Evenett, giáo sư về địa chính trị và chiến lược tại trường kinh doanh IMD, cho biết: “Về cơ bản, các quốc gia vẫn xuất khẩu hàng cho các thị trường thứ ba, và những thị trường này đã tăng trưởng đáng kể trong thế kỷ này. Do đó, việc giữ cho hệ thống thương mại của phần còn lại của thế giới có độ mở càng nhiều càng tốt là yếu tố rất quan trọng để quản lý rủi ro chính sách từ Mỹ”.

Nguồn