Hội nghị COP29 tại Baku, Azerbaijan đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng sự tham gia của Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bị đặt dấu hỏi.
Khoảng cách tài chính tại COP29
Tại COP29, các cuộc đàm phán tài chính đang trở thành một điểm nóng, với khoảng cách hàng nghìn tỷ USD giữa các quốc gia phát triển và các quốc gia đang phát triển.
Các nước giàu ủng hộ mức tài trợ tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm, trong khi các quốc gia đang phát triển yêu cầu con số lớn hơn nhiều, từ 500 tỷ đến 2 nghìn tỷ USD.
Các giải pháp sáng tạo đã được đề xuất, như “thuế đoàn kết” toàn cầu đối với ngành hàng không, vận tải biển và nhiên liệu hóa thạch, nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính này. Nhiều lãnh đạo đã ủng hộ và thúc đẩy ý tưởng này, với niềm tin rằng một chính sách như vậy không nằm ngoài khả năng thực hiện để huy động được nguồn lực đủ để chống lại tác động biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong khi các quốc gia như Anh, UAE, và Brazil đưa ra cam kết khí hậu tham vọng hơn, nước Mỹ dưới thời Trump được dự báo đang đi theo hướng ngược lại.
Theo các chuyên gia, triển vọng cho bất kỳ mục tiêu tài chính nào được thống nhất tại các cuộc đàm phán này sẽ bị hạn chế nếu ông Trump quyết định cắt giảm đóng góp của quốc gia giàu nhất thế giới. Chính quyền Biden đã cung cấp 9,5 tỷ USD trong ba năm đầu tiên, tăng từ 1,5 tỷ USD khi ông Biden nhậm chức.
Michael McKenna, một nhà vận động hành lang năng lượng đảng Cộng hòa từng làm việc trong chính quyền Trump ở nhiệm kỳ đầu tiên, thẳng thắn nhận định rằng chính quyền Trump coi trọng lợi ích nội địa hơn là các cam kết quốc tế.
Theo các chuyên gia, chính quyền Trump không chỉ rút khỏi Thỏa thuận Paris mà còn cả những chương trình đa phương khác. Một số người trong đảng Cộng hòa đã thúc giục chính quyền Trump sắp tới xem xét rút khỏi toàn bộ Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), hiệp ước năm 1992 làm nền tảng cho chế độ đàm phán khí hậu toàn cầu.
Với viễn cảnh nền kinh tế hàng đầu thế giới rút khỏi các cam kết, triển vọng thực hiện được mục tiêu khí hậu càng trở nên xa vời. Điển hình như Quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương cần tới 5 tỷ USD để bảo vệ 2 trung tâm dân cư chính khỏi nước biển dâng – một con số khổng lồ so với GDP chỉ hơn 280 triệu USD.
Mỹ tham gia các sáng kiến khí hậu quốc tế?
Mặc dù có lập trường cứng rắn, nước Mỹ dưới thời ông Trump có thể vẫn tìm cách tham gia vào các cuộc thảo luận khí hậu toàn cầu.
Sự hiện diện mới của Mỹ có thể liên quan đến triển khai công nghệ mới như năng lượng hạt nhân tiên tiến hoặc thu giữ carbon, theo Mark Menezes, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Năng lượng Mỹ, người từng là quan chức số 2 tại Bộ Năng lượng dưới thời ông Trump trong nhiệm kỳ I. Tuy nhiên theo ông Mark, việc đóng góp các khoản tiền mới cho các dự án khí hậu ở các quốc gia đang phát triển có khả năng sẽ không xảy ra.
“Nếu Mỹ sẽ cung cấp hàng tỷ USD trong khi các quốc gia khác không đóng góp vào bất kỳ loại quỹ nào, tôi không nghĩ rằng điều đó sẽ tiến xa,” Menezes nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia của ông Biden cảnh báo việc xóa bỏ các thành tựu của Mỹ trong ngành năng lượng sạch có thể gây tác động ngược tới chính những cử tri ủng hộ ông Trump.
Trong các bài phát biểu khai mạc, John Podesta và Ali Zaidi, các cố vấn khí hậu phái đoàn Mỹ đang tham dự COP29, nhấn mạnh tính bền vững của đạo luật khí hậu quan trọng nhất của chính quyền Biden, Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA). Ông Trump đã cam kết sẽ dừng hàng tỷ USD chưa được chi tiêu từ đạo luật này, nhưng Zaidi cho biết việc hủy bỏ hoàn toàn đạo luật này sẽ gây ra sự “bất ổn kinh tế” — chỉ ra rằng các ưu đãi thuế và các lợi ích khác của đạo luật đang mang lại việc làm và đầu tư cơ sở hạ tầng chủ yếu ở các khu vực bầu cử của Đảng Cộng hòa.