Hợp đồng dầu thô Brent tương lai đáo hạn vào tháng 11/2024 được giao dịch ở mức 71,44 USD/thùng. Hợp đồng dầu ngọt nhẹ WTI tháng 11 ở mức 67,75 USD/thùng. Đây là mức giá khiến Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) lo lắng.
OPEC+ không đạt được mục đích neo giữ giá dầu cho dù nhóm này liên tục cắt giảm sản lượng khai thác. Giá dầu có xu hướng sụt giảm, đẩy nhiều nền kinh tế đến bờ vực suy thoái.
Theo báo cáo tháng 9 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), mức tăng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu chỉ đạt 800.000 thùng/ngày, thấp nhất kể từ năm 2020. Trung Quốc giảm nhu cầu, Iraq và Kazakhstan – các thành viên chủ chốt của OPEC+ đã sản xuất vượt hạn ngạch.
Một trong những nguồn tin tiết lộ Nga, quốc gia có lượng dầu bị phương Tây trừng phạt và được vận chuyển bởi một đội tàu bí mật, điều đó cũng khiến nguồn cung tăng đáng kể.
Việc không tuân thủ thoả thuận đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của OPEC+, phủ bóng đen lên chính sách cắt giảm nguồn cung của tổ chức này. Vì vậy, 8 thành viên OPEC+, bao gồm cả quốc gia chủ chốt là Saudi Arabia, dự kiến sẽ bắt đầu giảm 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Tổ chức này đang thực hiện hai đợt giảm sản lượng khác: theo chính sách chính thức, họ sẽ sản xuất tổng cộng 39,725 triệu thùng/ngày vào năm tới. 8 thành viên được đề cập ở trên đang tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1,7 triệu thùng/ngày trong suốt năm 2025.
Saudi Arabia đang chịu áp lực lớn cho chương trình “Tầm nhìn 2030”, cần lượng vốn khổng lồ để nền kinh tế này thoát khỏi phụ thuộc vào dầu mỏ. Nhưng, hiện tại phần lớn nguồn vốn huy động đều trông chờ vào xuất khẩu dầu mỏ.
Kazakhstan – nền kinh tế lớn nhất Trung Á, chịu ảnh hưởng nặng nề do biến động chính trị trong khu vực, nhất là lệnh cấm dầu Nga. Vì hầu hết lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan đều chảy qua Nga.
Kinh tế tế Iraq phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lợi thu được từ dầu mỏ, hàng năm thu được khoảng 95% nguồn ngoại tệ của đất nước. Iraq có trữ lượng 145 tỷ thùng dầu thô, tương đương với 96 năm khai thác ở mức hiện tại – đây là lượng dầu tồn kho khổng lồ.
Ngày 29/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 67,6 USD/thùng, giảm 0,11 USD; Giá dầu Brent giao dịch ở mức 75,19 USD/thùng, giảm 0,11 USD. Giá dầu Brent và dầu WTI của Mỹ đã giảm hơn 4% trong tuần qua và gần 10% trong tháng này.
Cho dù đã có những đốm sáng lóe lên trên thị trường dầu mỏ, song nhìn tổng thể “màu xám” vẫn bao trùm. Lybia sẽ đưa 400.000 thùng/ngày trở lại thị trường sau thỏa thuận chấm dứt xung đột nội bộ. Trong khi đó, khả năng phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc về mức trước đại dịch COVID-19 đang là dấu hỏi lớn.
Ấn Độ, nền kinh tế đang phất lên nhanh chóng – đang dư dả nguồn cung dầu sau thời gian dài mua dầu Nga với mức chiết khấu rất cao. Trong khi đó, tờ Financial Times cho biết Saudi Arabia sẽ từ bỏ mục tiêu giá dầu không chính thức là 100 USD/thùng.
Với tác động dài hạn, xu hướng sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo ngày càng mạnh mẽ. Dù chưa thể soán chỗ năng lượng hóa thạch, nhưng năng lượng tái tạo đang tạo ra hiệu ứng tâm lý, hình thành các quy chuẩn “xanh” bắt buộc phải tuân thủ nếu muốn gia nhập thị trường.