Chi tiết

Phản ứng gay gắt trên thị trường trái phiếu toàn cầu giai đoạn đầu năm mới

Thị trường trái phiếu lớn nhất thế giới và là đầu tàu toàn cầu đang dẫn đầu việc thiết lập lại chi phí vay cao hơn, với viễn cảnh lãi suất tăng cao kéo dài gây ra hậu quả cho nền kinh tế và tài sản ở khắp các nền kinh tế.

Chỉ trong vài ngày đầu năm 2025, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng vọt khi rủi ro đối với tài sản siêu an toàn này tăng lên. Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang xem xét lại thời điểm cắt giảm thêm lãi suất và Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng với các chính sách ưu tiên tăng trưởng hơn là nợ và nỗi lo lạm phát trở lại khi vay nợ tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng vọt hơn 1 điểm phần trăm trong bốn tháng và hiện đang trong tầm ngắm của ngưỡng 5% từng bị phá vỡ trong thời gian ngắn vào năm 2023, đây cũng là ngưỡng chưa chạm tới kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu gần hai thập kỷ trước. Ngưỡng 5% cũng được nhiều người trên Phố Wall xem là mức bình thường mới.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và Lãi suất quỹ liên bang của Fed
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm và Lãi suất quỹ liên bang của Fed

Những đợt tăng đột biến tương tự cũng đang diễn ra trên toàn thế giới, khi các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với trái phiếu từ Anh đến Nhật Bản.

Gregory Peters, đồng Giám đốc đầu tư tại PGIM Fixed Income cho biết: “Có một loại môi trường giống như hiện tượng mất kiểm soát (trên thị trường trái phiếu) và nó mang tính toàn cầu”.

Ở một góc độ nào đó, lợi suất tăng là một phần của sự điều chỉnh tự nhiên sau nhiều năm duy trì môi trường lãi suất gần bằng 0 sau các biện pháp khẩn cấp được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính và sau đó là Covid. Nhưng những người khác cho rằng, điều này có thể đặt ra những thách thức lớn.

Giai đoạn bình thường mới với lợi suất cao hơn

Với vai trò là chuẩn mực cho lãi suất toàn cầu và tín hiệu về tâm lý đầu tư, căng thẳng trên thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ có nguy cơ dẫn tới chi phí vay cao hơn ở những nơi khác. Các hộ gia đình và doanh nghiệp sẽ thấy việc vay mượn đắt đỏ hơn, với lãi suất thế chấp của Mỹ đã trở lại mức khoảng 7%, trong khi các nhà đầu tư chứng khoán đang bắt đầu lo lắng rằng lợi suất cao hơn có thể là liều thuốc độc cho thị trường tăng giá. Chất lượng tín dụng doanh nghiệp cũng có nguy cơ xấu đi trong môi trường lãi suất cao trong thời gian dài hơn.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng đã báo trước những cơn co thắt của thị trường và kinh tế như cuộc khủng hoảng năm 2008 cũng như sự bùng nổ của bong bóng dotcom trong thập kỷ trước. Trong khi lãi suất cực thấp trong những năm gần đây cho phép một số người đi vay chốt được các điều khoản thuận lợi giúp bảo vệ họ khỏi đợt lợi suất tăng đột biến mới nhất, thì các điểm áp lực có thể tăng lên nếu xu hướng này vẫn tiếp diễn.

Lợi suất trái phiếu Mỹ đang tăng ngay cả sau khi Fed cùng các ngân hàng trung ương lớn khác bắt tay vào lộ trình cắt giảm lãi suất. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ bắt đầu vào tháng 9 dự kiến ​​sẽ tiếp tục diễn ra đồng bộ với nền kinh tế và lạm phát đang chậm lại, tạo điều kiện cho trái phiếu tăng giá.

Mặt khác, một số nhà hoạch định chính sách của Fed gần đây đã ra tín hiệu ủng hộ việc giữ nguyên lãi suất trong một thời gian dài.

Kathy Jones, chiến lược gia trưởng về thu nhập cố định tại Charles Schwab & Co cho biết: “Fed không có nhiều dư địa để nói về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới”.

“Nếu năm 2024 là bài học về việc chính sách tiền tệ không phải là tất cả trong việc thúc đẩy lợi nhuận của thị trường trái phiếu, thì năm nay có vẻ sẽ củng cố bài học đó bằng cách tập trung nhiều hơn vào chính sách tài khóa và các biện pháp khác của chính phủ, như thuế quan, khả năng cắt giảm thuế, khả năng cắt giảm chi tiêu, các biện pháp tác động đến lực lượng lao động và mô hình phát hành”, Cameron Crise, chiến lược gia vĩ mô của của Bloomberg cho biết.

Những lo ngại về ngân sách đang diễn ra ở những nơi khác trên toàn cầu. Trái phiếu chính phủ Pháp và Brazil đã bị bán tháo vào cuối năm ngoái và vào tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ Anh đã tăng cao hơn trong bối cảnh nhà đầu tư phản đối các kế hoạch tài khóa của chính phủ mới thành lập. Vào một thời điểm nào đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm của Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 1998, khiến nhiều người liên tưởng tới sự sụp đổ của thị trường trái phiếu ​​trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của cựu Thủ tướng Liz Truss vào năm 2022.

Mặc dù trái phiếu chính phủ Mỹ theo truyền thống là tài sản an toàn nhất thế giới và đồng đô la chi phối thị trường và thương mại, các dấu hiệu cảnh báo về sự thay đổi vĩnh viễn trong tâm lý cũng đang lóe lên.

Phần bù rủi ro kỳ hạn đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong hơn một thập kỷ và theo mô hình của Fed, nó đã trở thành một thành phần ngày càng lớn hơn của lợi suất chung. Trong khi đó, lợi suất của các khoản nợ dài hạn đã tăng nhanh hơn so với các khoản nợ ngắn hạn tương ứng – cho thấy dấu hiệu đáng lo ngại cho triển vọng dài hạn.

“Phần bù rủi ro kỳ hạn tăng đối với chúng tôi cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng xung quanh con đường tài chính của Mỹ… Đường cong dốc hơn cũng phù hợp hơn với mối quan hệ lịch sử giữa thâm hụt lớn và thâm hụt gia tăng”, Zachary Griffiths, Giám đốc chiến lược vĩ mô và xếp hạng đầu tư của Mỹ tại CreditSights cho biết.

Trong khi đó, một số phân tích cho rằng việc thắt chặt các điều kiện tài chính sẽ dẫn tới nền kinh tế suy yếu và Fed có thể nới lỏng trở lại. Sự sụt giảm liên tục của tài sản rủi ro cũng có thể thay đổi phương trình và thúc đẩy nhu cầu về trái phiếu.

“Tôi chỉ không tin vào ý tưởng rằng lợi suất trái phiếu có thể tiếp tục tăng mà không ảnh hưởng đến chu kỳ kinh tế”, Brij Khurana, Giám đốc danh mục đầu tư tại Wellington Management cho biết.

Lợi suất tăng đột biến có thể chỉ là thoáng qua. Thị trường trái phiếu nổi tiếng với những đợt phản ứng mạnh mẽ – đáng nhớ nhất là vào năm 2013 khi Fed tuyên bố sẽ giảm mua trái phiếu và vào cuối năm 2023 khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chạm mức 5% – chỉ để đạt đến một điểm được xem là cơ hội mua vào và bắt đầu một đợt tăng giá mới.

Jim Bianco, người sáng lập tại Bianco Research cho rằng, sự gia tăng lợi suất trái phiếu không nhất thiết là điềm gở. Đây là tình hình thế giới trước cuộc khủng hoảng tài chính. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trung bình khoảng 5% trong thập kỷ cho đến năm 2007.

Ông cho biết, điểm bất thường thực sự là giai đoạn sau năm 2008 khi lãi suất được cố định ở mức 0, lạm phát liên tục ở mức thấp và các ngân hàng trung ương mua lượng lớn trái phiếu để ứng phó với cuộc khủng hoảng. Điều đó đã ru ngủ thế hệ nhà đầu tư mới chấp nhận rằng lợi suất trái phiếu 2% và lãi suất điều chỉnh theo lạm phát là bằng 0.

“Lệnh đóng cửa do Covid và các biện pháp kích thích kinh tế lớn sau đó của chính phủ đã thiết lập lại nền kinh tế toàn cầu và thực sự đã thay đổi mọi thứ trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta”, ông cho biết.

Hệ quả là lạm phát liên tục tăng cao khoảng 3% và lãi suất điều chỉnh theo lạm phát là 2%. Cộng chúng lại với nhau sẽ tạo ra mức lãi suất 5% mà ông Bianco cho biết là khá hợp lý. Ông kỳ vọng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ tăng lên trong phạm vi khoảng từ 5% đến 5,5%.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng, có những lý do mang tính cấu trúc đằng sau sự thay đổi lợi suất cao hơn, báo hiệu sự thay đổi mô hình chứ không phải là sự trở lại bình thường.

Các chiến lược gia tại JPMorgan đã liệt kê tình trạng phi toàn cầu hóa, dân số già hóa, sự bất ổn chính trị và nhu cầu chi tiền để chống biến đổi khí hậu là những lý do để kỳ vọng trái phiếu kỳ hạn 10 năm sẽ đạt lợi suất 4,5% hoặc cao hơn trong tương lai.

Theo Bank of America, trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bước vào “Thị trường trái phiếu giá xuống” mới nhất, lần thứ ba trong 240 năm sau một đợt tăng giá kéo dài hàng thập kỷ kết thúc vào năm 2020, khi lãi suất chạm mức thấp kỷ lục vào thời điểm bắt đầu lệnh phong tỏa do Covid.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)



Nguồn