Chi tiết

Pháp quan tâm đến hình thức PPP trong dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

Tại lễ vận hành thương mại đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn – ga Hà Nội diễn ra ngày 9/11/2024 tại ga S8 (ga Cầu Giấy), Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Olivier Brochet, đã nhận được nhiều câu hỏi từ báo chí về sự quan tâm của Pháp đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Chia sẻ với báo chí, ông Brochet khẳng định Việt Nam và Pháp đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện sau chuyến công tác của Tổng Bí thư Tô Lâm tại châu Âu mới đây. Một trong số những nội dung quan trọng trong các vấn đề hợp tác song phương là lĩnh vực phát triển giao thông bền vững.

Cả Việt Nam và Pháp đều quan tâm đến giao thông đường sắt, gồm cả đường sắt đô thị và đường sắt nối liền các tỉnh, thành. Việc vận hành thương mại tuyến metro đoạn Nhổn – ga Hà Nội là minh chứng về cam kết của Pháp đồng hành với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.

Tuyến metro số 3, Pháp và Việt Nam đã có được những bài học “hết sức quý giá” để hai bên có thể triển khai tiếp tục những dự án trong tương lai, không chỉ trong các loại hình giao thông đô thị mà còn cả các tuyến đường sắt tốc độ cao, Đại sứ Pháp chia sẻ.

Đặc biệt, chính phủ Pháp đang dành sự quan tâm và theo dõi rất sát sao dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam mà Quốc hội Việt Nam đang xem xét về chủ trương đầu tư. Trên cơ sở quyết định đó, Pháp sẽ xem xét có thể đáp ứng theo cách tốt nhất như thế nào cho dự án.

Được biết, kể từ khi khánh thành hệ thống tàu điện ngầm Paris vào năm 1900, cho đến khi khai trương các tuyến tàu cao tốc (TGV – Train à Grande Vitesse) đầu tiên ở châu Âu cách đây hơn 40 năm, Pháp chưa bao giờ ngừng thúc đẩy các giới hạn kỹ thuật trong lĩnh vực này.  

Đặc biệt, xuyên suốt thời gian đó, không có bất kỳ một tai nạn nào xảy ra khi di chuyển tàu ở tốc độ cao. Do đó, có thể nói giao thông đường sắt cao tốc, với mô hình của Pháp là một mô hình giao thông hết sức đáng tin cậy.

Hiện, Pháp đang tiếp tục phát triển các dự án quy mô thế giới như đại dự án metro mở rộng Grand Paris Express và 200km tuyến đường mới để phục vụ rộng khắp toàn bộ khu vực Paris. Pháp cũng xuất khẩu công nghệ ra khắp thế giới, mới đây là tuyến tàu cao tốc tại Maroc.

Đại sứ Pháp cho rằng việc triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao rất phức tạp, đòi hỏi có kinh nghiệm trong quản lý và điều hành. Do đó, Pháp có thể chia sẻ với Việt Nam các kinh nghiệm và công nghệ.

Song song đó, Đại sứ Brochet cho biết ở giai đoạn này rất khó để trả lời bài toàn về hỗ trợ kinh phí, bởi phải chờ động thái từ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam quyết định phương án tài trợ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là gì.

Theo Đại sứ Pháp, nếu Việt Nam quyết định một phần nào đó trong dự án sẽ triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP) thì đây sẽ là một vấn đề Pháp có thể đặc biệt quan tâm.

Được biết, sáng ngày 9/11, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát các công việc phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó có việc chuẩn bị tốt hồ sơ trình chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất hình thức đầu tư dự án là đầu tư công, việc phân chia dự án thành phần được thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).

Nguồn