Guyana là một quốc gia quốc gia nhỏ bé ở Nam Mỹ, nằm sát Venezuela (một đất nước rất nhiều dầu mỏ), với số lượng dân cư khiêm tốn, chỉ có 800.000 người. Sau khi tìm thấy mỏ dầu mới, nền kinh tế nước này phát triển nhảy vọt và đi kèm với đó là mức chi phi sinh hoạt cũng tăng vọt theo.
Trước tình hình đó, chính phủ Guyana quyết định hỗ trợ 2.000 USD cho mỗi hộ gia đình nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt đang tăng cao. Tổng thống Guyana Mohamed Irfaan Ali cho biết chính phủ sẽ bắt đầu phân phát tiền mặt ngay lập tức.
Giàu nhờ dầu
Tổng thống Ali cho biết quyết định này nhằm mục đích giảm chênh lệch giàu nghèo ở Guyana và giảm bớt căng thẳng tài chính cho người dân địa phương. Ông cho biết chính phủ Guyana sẽ tiêu tốn 287 triệu USD cho quyết định này.
“Đây là cách chúng tôi thúc đẩy sự thịnh vượng, quyền sở hữu, phân phối của cải”, ông Ali phát biểu và nhấn mạnh đây là cách chúng tôi phân bổ các nguồn lực và doanh thu để nâng cao cuộc sống của người dân, mở rộng sự giàu có của quốc gia, sự giàu có của vùng ven biển và sự giàu có của cộng đồng.
Khoản trợ cấp này có được là do mới đây, Guyana đã tìm thấy một mỏ dầu mới. Kinh tế của Guyana được mệnh danh là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, phần lớn nhờ mỏ dầu mỏ mới này.
Guyana trước đây là thuộc địa của Anh, sau đó đất nước này đã giành được độc lập vào năm 1966. Guyana có biên giới giáp với Venezuela ở phía Tây, Brazil ở phía Nam và Suriname ở phía Đông.
Kể từ năm 2015 đến nay, tập đoàn dầu mỏ Mỹ Exxon đã phát hiện ra lượng dầu tương đương 11 tỷ thùng ngoài khơi bờ biển Guyana. Dự báo năm 2027, Guyana sẽ sản xuất khoảng 1,3 triệu thùng mỗi ngày khi 6 dự án của công ty Exxon đi vào hoạt động. Con số đó ngang bằng với sản lượng hiện tại của Qatar và sẽ đưa Guyana vào danh sách 20 nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Đầu năm nay, Guyana đã tăng sản lượng lên hơn 600.000 thùng mỗi ngày, thúc đẩy tăng trưởng GDP khoảng 50% trong nửa đầu năm. Đồng thời, việc tăng sản lượng sản xuất dầu cũng giúp Guyana bám sát mục tiêu tăng trưởng 43% trong năm nay.
GDP thực tế tăng vọt khoảng 62% vào năm 2022, kế đến là 33% vào năm 2023. Trong đó, GDP bình quân đầu người đã tăng vọt từ 7.000 USD vào năm 2020 lên 26.000 USD trong năm nay, dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy.
Hệ lụy đi kèm
Nhưng đi kèm với đó là mức lạm phát tăng cao và nền kinh tế bị phụ thuộc vào dầu mỏ. Tháng 8 vừa qua, lạm phát ở Guyana đã tăng từ mức trung bình trước đại dịch là 2,3% một năm lên 3,3%. Chương trình phát tiền cho dân này là một nỗ lực của chính phủ nhằm làm dịu bớt tình hình.
Cũng cần lưu ý rằng trước đây, chính quyền Guyana đã ban hành nhiều chính sách khác nhau nhằm chống lại tình trạng chi phí sinh hoạt tăng cao. Họ đã xóa hơn 200 loại thuế phí, bao gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhiên liệu và thuế GTGT đối với nước, điện và một số loại thực phẩm cơ bản. Họ cũng miễn thuế một lần trị giá khoảng 120 USD/người cho giáo viên và công chức vào năm ngoái.
Nicolas Suarez, một nhà kinh tế cấp cao tại S&P Global Market Intelligence, người phụ trách khu vực Mỹ Latinh nói rằng: khoản chi mới nhất này của chính phủ sẽ tăng thu nhập khả dụng trung bình của hộ gia đình, giảm bớt một số hạn chế về ngân sách.
Dựa trên số liệu điều tra dân số gần đây nhất là 264.000 hộ gia đình, ông ước tính quy mô của chương trình chiếm khoảng 1,5% GDP quốc gia và 7,9% Quỹ tài nguyên thiên nhiên của Guyana (Các quan chức đã thành lập quỹ này vào năm 2019 để quản lý doanh thu từ dầu mỏ của đất nước).
Suarez cho biết: “Trong ngắn hạn, biện pháp này có thể thúc đẩy tăng trưởng tiêu dùng tư nhân. Ngược lại, chi tiêu của chính phủ cao hơn có thể dẫn đến áp lực lạm phát đáng kể trong 12 tháng tới”.
Cleo Goodman, người đứng đầu về thu nhập cơ bản tại tổ chức nghiên cứu Autonomy Institute cho biết: khoản trợ cấp tiền mặt một lần của Guyana là một bước tiến tích cực. Khoản trợ cấp này rất thiết thực đối với người dân. Tuy nhiên, bà lưu ý rằng: việc đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân mới là “cam kết toàn diện và hiệu quả về lâu dài”.
Trong thời gian gần đây, một số chính phủ bắt đầu thử nghiệm phương pháp phát tiền cho dân để giải quyết một số vấn đề trong nền kinh tế đất nước. Thái Lan vừa thực hiện chương trình phát 14 tỷ USD nhằm kích cầu tiêu dùng. Hồi đầu tháng 10 này, tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, bà Huỳnh Bích Ngọc, Phó chủ tịch thường trực Tập đoàn TTC cũng đề xuất phát những phiếu mua hàng có thời hạn cho người dân để kích cầu.
Tuy vậy, biện pháp phát tiền này mới ở những giai đoạn đầu thử nghiệm, tính hiệu quả của nó còn cần thêm thời gian để đánh giá.