Chi tiết

Phiên giao dịch chiều 10/7: Lực chốt lời đột ngột gia tăng

(ĐTCK) Sau phiên sáng giằng co nhẹ và có sắc xanh nhạt, tưởng chừng thị trường sẽ duy trì được phiên tăng thứ 8 liên tiếp thì lực bán chốt lời đột ngột gia tăng trong phiên chiều, đẩy VN-Index quay đầu, chấm dứt chuỗi 7 phiên tăng liên tiếp.

Trong 7 phiên tăng điểm liên tiếp trước đó, VN-Index đã tăng hơn 48 điểm, từ mức 1.245 điểm lên 1.493,71 điểm (mức đóng cửa phiên hôm qua 9/7). Tuy nhiên, thanh khoản của chuỗi tăng điểm này lại ở mức thấp.

Trong phiên giao dịch sáng nay, thị trường mở cửa trong sắc xanh, nhưng khi tiếp cận mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại và giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Sự thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục được duy trì khiến thanh khoản đứng ở mức thấp và VN-Index đóng cửa chỉ có được sắc xanh nhẹ.

Ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều, khi nhận thấy VN-Index khó có sức để vượt qua mốc 1.300 điểm, bên nắm giữ cổ phiếu đã quyết định chốt lời ở nhóm VN30. Lực bán chốt lời đột ngột trong khi lực cầu thận trọng khiến VN-Index quay đầu giảm về vùng 1.280 điểm trước khi thoát khỏi mức thấp nhất ngày trong đợt ATC.

Tuy nhiên, lực bán không quá mạnh và bên mua cũng không dám xuống tiền trong bối cảnh xu hướng thị trường thiếu động lực như hiện nay khiến thanh khoản vẫn đứng ở mức thấp.

Chốt phiên, với 151 mã tăng, trong khi có 299 mã giảm, VN-Index đứng ở mức 1.285,94 điểm, giảm 7,77 điểm (-0,60%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 751 triệu đơn vị, tổng giá trị 21.825,8 tỷ đồng, giảm 8,6% về khối lượng và tương đương về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 72,9 triệu đơn vị, giá trị 3.911 tỷ đồng.

Trong khi đó, VN30-Index giảm mạnh hơn khi mất 10,87 điểm (-0,82%), xuống 1.310,91 điểm với 6 mã tăng, trong khi có tới 23 mã giảm và SSB đứng giá.

Trong nhóm này, có 4 mã giảm trên 2% là GVR giảm 2,63% xuống 37.000 đồng, FPT giảm 2,55% xuống 134.000 đồng, MWG giảm 2,4% xuống 65.200 đồng và BCM giảm 2,1% xuống 65.300 đồng. Trong đó, MWG khớp trên 10,9 triệu đơn vị, GVR khớp 5,6 triệu đơn vị, FPT khớp 6,3 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, PLX là mã tăng mạnh nhất cũng chỉ 1,2% lên 46.550 đồng, khớp 2,76 triệu đơn vị, 5 mã còn lại là MBB, VCB, SHB, MSN và VRE chỉ tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Khớp lớn nhất trong nhóm này là HPG với gần 31 triệu đơn vị, cũng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn hôm nay, đóng cửa giảm nhẹ 0,17% xuống 28.950 đồng. Ba mã ngân hàng MBB, SHB và VPB là các mã có thanh khoản tốt tiếp theo với từ hơn 15 triệu đơn vị đến hơn 19 triệu đơn vị.

Ngoài HPG, một cổ phiếu thép khác là HSG cũng có thanh khoản tốt hôm nay là HSG với 27,8 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG và đóng cửa tăng nhẹ 0,4% lên 25.300 đồng. Nhóm cổ phiếu thép có sự phân hóa về giá với số mã tăng, giảm cân bằng nhau.

Trong khi đó, sắc đỏ chiếm ưu thế trong nhóm ngân hàng khi chỉ có 6 mã tăng, trong đó có 2 mã tăng hơn 1% là EIB và OCB. Trong khi đó, có 11 mã giảm, trong đó LPB giảm 2,35% xuống 31.200 đồng; STB, BID, HDB, MSB, VPB giảm hơn 1%.

Nhóm chứng khoán thậm chí toàn bộ chìm trong sắc đỏ, trong đó giảm mạnh nhất là TVS và TVB khi mất hơn 2,3%. ORS và VDS giảm trên dưới 1,9%; FTS và BSI giảm trên dưới 1,7%; FTS, VND, VIX và CTS giảm trên dưới 1,5%.

Trong nhóm bất động sản, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, nhưng nhóm này lại có 2 mã tăng kịch trần là NVT và NTL lên 10.450 đồng và 26.650 đồng; AGG, ITC và HDG là những mã tăng trên 4%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ITA giảm mạnh nhất 4,67% xuống 4.490 đồng; DRH là mã giảm tiếp theo mất hơn 2%.

Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự sàn HOSE khi quay đầu giảm trong phiên chiều, nhưng thoát được mức thấp nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,12 điểm (-0,46%), xuống 244,54 điểm với 61 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64 triệu đơn vị, giá trị 1.530,8 tỷ đồng, giảm 7% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,6 triệu đơn vị, giá trị 217,8 tỷ đồng.

Trong 8 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị của sàn HNX có 4 mã tăng và 4 mã giảm giá. Trong đó, SHS là mã có thanh khoản tốt nhất 6,06 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,13% xuống 17.500 đồng; 3 mã tiếp theo là LAS, TIG và CEO có thanh khoản từ hơn 3,4 triệu đơn vị đến hơn 3,8 triệu đơn vị đóng cửa tăng nhẹ. Trong khi đó, VGS là mã tăng mạnh nhất 9,18% lên 42.800 đồng, khớp 2,81 triệu đơn vị, có lúc đã lên mức kịch trần 43.100 đồng.

UPCoM cũng có giao dịch như 2 sàn niêm yết khi quay đầu giảm trong phiên chiều, dù sắc đỏ ít hơn sắc xanh.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,56%), xuống 98,7 điểm với 152 mã tăng và 117 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74,7 triệu đơn vị, giá trị 1.544,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,5 triệu đơn vị, giá trị 276 tỷ đồng.

BSR vẫn là mã có thanh khoản vượt trội so với với phần còn lại trên UPCoM với 9,97 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 23.600 đồng. Tiếp đến là DDV khớp 5,41 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,06% xuống 21.700 đồng. VGT khớp 4,43 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,69% xuống 17.400 đồng; BVB khớp 4,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,25% lên 12.700 đồng. Ngoài ra, có 2 mã khớp trên 3 triệu đơn vị và đóng cửa trong sắc xanh là OIL và AAH, bên cạnh đó có 3 mã khớp trên 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 7 giảm tương đương VN30. Cụ thể, VN30F2307 giảm 10,50 điểm (-0,80%), xuống 1.310 điểm với 208.531 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị 27.451,6 tỷ đồng; khối lượng mở 55.227 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 3 triệu đơn vị và đều do SSI phát hành là CVHM2313 với 3,84 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 22,22% xuống 70 đồng/chứng quyền và CMSN2313 với 3,56 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,84% lên 650 đồng/chứng quyền. Ngoài ra, còn có 8 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 4 mã do SSI phát hành, 4 mã còn lại do VND, HSC, KIS và ACBS phát hành.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hôm nay có 5,13 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 3.320,9 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch lớn nhất là IDS12101 của Đầu tư và Phát triển Sài Gòn với hơn 0,91 triệu đơn vị, giá trị hơn 93,1 tỷ đồng. Trong khi về giá trị có 2 mã trái phiếu do ACB phát hành với giá trị giao dịch lần lượt là 578,4 tỷ đồng và 465 tỷ đồng, khối lượng tương ứng chỉ 5.500 đơn vị và 4.500 đơn vị.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chieu-107-luc-chot-loi-dot-ngot-gia-tang-post349136.html