Chi tiết

Phiên giao dịch chiều 26/6: GVR và BCM hợp sức kéo VN-Index trở lại

(ĐTCK) Dù dòng tiền không được cải thiện, nhưng với sự bùng nổ của GVR, cùng sự hỗ trợ của BCM, PLX, VN-Index đã được kéo trở lại lên trên tham chiếu, ghi nhận phiên hồi phục nhẹ thứ 2 liên tiếp sau phiên bão tố đầu tuần.

Trong phiên sáng, sau khi mở cửa với sắc xanh, VN-Index tiến dần tới mốc 1.260 điểm, nhưng lực bán sau đó gia tăng đã gây sức ép đẩy chỉ số này giảm hơn 15 điểm so với đỉnh của phiên, xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ MA50 trước khi bị chặn lại ở đường MA100.

Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền vẫn không có nhiều cải thiện khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau khi chứng kiến “cơn bão” đầu tuần. Tuy nhiên, diễn biến thị trường lại có sự thay đổi tích cực khi một số mã bluechip bắt nhịp hồi phục, thậm chí GVR được được kéo lên mức kịch trần, lan tỏa sự tự tin cho nhà đầu tư, qua đó kéo theo nhiều mã khác hồi phục hoặc hãm đà giảm. Qua đó, VN-Index cũng hồi phục dần và vượt qua tham chiếu, giữ được sắc xanh khi đóng cửa phiên chiều, dù không thể trở lại mức đỉnh của phiên sáng. Thanh khoản thị trường xấp xỉ phiên hôm qua.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,68 điểm (+0,37%), lên 1.261,24 điểm với 190 mã tăng (nhiều hơn phiên sáng 81 mã), trong khi số mã giảm bớt đi tương ứng, còn 216 mã, trong đó có 8 mã tăng kịch trần, trong khi chỉ còn duy nhất KHP giảm kịch sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 878,4 triệu đơn vị, giá trị 20.812 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 289,3 triệu đơn vị, giá trị 5.420 tỷ đồng.

Nhóm VN30 cân bằng với 12 mã tăng và 12 mã giảm, cùng 6 mã đứng giá. Chốt phiên, VN30-Index tăng 2,5 điểm (+0,19%), lên 1.291,3 điểm.

Trong nhóm này, GVR bất ngờ nổi sóng lớn khi được kéo lên mức kịch trần 35.950 đồng, khớp 10,26 triệu đơn vị, đóng góp cho VN-Index 2,3 điểm. Trong khi đó, BCM lại đảo chiều từ mức giảm hơn 1% của phiên sáng, đóng cửa tăng 4,76% lên mức cao nhất ngày 66.000 đồng, khớp 2,34 triệu đơn vị. PLX cũng đảo chiều bật tăng 3,41% lên 42.400 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.

Ngoài ra, còn phải kể đến POW tăng 2% lên 15.300 đồng, khớp 15,89 triệu đơn vị; FPT tăng 1,38% lên 131.800 đồng, mức cao nhất ngày, khớp 7,15 triệu đơn vị. MWG cũng hồi phục với mức tăng 0,97% lên 62.600 đồng, khớp 8,19 triệu đơn vị. Bên cạnh đó, BID và HPG cũng có mức tăng nhẹ trên dưới 0,7%. Các mã này cùng với GVR đã đóng góp cho VN-Index 5,32 điểm trong phiên hôm nay.

Ở chiều ngược lại, VCB lại đảo chiều giảm nhẹ, cùng với đó là các mã ngân hàng khác như MBB, VIB, STB, SHB, CTG. Mã giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 là VRE giảm 2,35% xuống 20.800 đồng, còn lại đều chỉ giảm dưới 1%. Nhóm này chỉ lấy đi của VN-Index 1,97 điểm.

Về các nhóm ngành dẫn dắt, nhóm ngân hàng trong khi VCB đảo chiều thì LPB vẫn giữ được sắc với mức tăng 1,41% lên 28.750 đồng. Ngoài ra, phiên chiều ghi nhận sự hồi phục của 3 mã BID (+0,68% lên 44.500 đồng), HDB (+0,44% lên 22.700 đồng) và ACB (+0,21% lên 24.100 đồng). Cùng với đó có 5 mã đứng giá, số mã giảm là 9 mã, chỉ duy nhất OCB giảm trên 1%, còn lại đều dưới mức này.

Nhóm chứng khoán dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức giảm nhẹ, toàn bộ chỉ dưới 1%, trong khi 5 mã tăng đều tăng trên 1%, trong đó APG tăng tới 4,6% lên 13.650 đồng, tiếp đến là VND tăng 1,83% lên 16.700 đồng.

Nhóm bất động sản cũng có thêm nhiều mã đảo chiều thành công, dù số mã giảm vẫn chiếm ưu thế, nhưng mức giảm đã được thu hẹp.

Trong khi nhóm thép chỉ còn 3 mã giảm nhẹ là HCM, TNA và TLH, 2 mã đứng giá là POM và VCA, còn lại tăng. Trong đó, DTL tăng tốt nhất là 2,94% lên 14.000 đồng, tiếp đến là TNI tăng 1,5% lên 2.700 đồng, SMC và NKG tăng hơn 0,8%, HPG tăng 0,7% lên 28.900 đồng. HSG chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 25.050 đồng.

Trong các nhóm đơn lẻ, PSH vẫn giữ sắc tím với chỉ hơn 100.000 đơn vị được khớp thêm trong phiên chiều, nâng tổng khớp cả ngày lên gần 2 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần 0,7 triệu đơn vị. Một số mã khác cũng được kéo trần trong phiên chiều, ngoài GVR có thể kể đến DRC lên 37.450 đồng, khớp 6,78 triệu đơn vị; PPC lên 16.850 đồng, khớp 5,62 triệu đơn vị; SAV lên 18.700 đồng, khớp 0,83 triệu đơn vị. Một số mã khác tăng trần nhưng thanh khoản thấp như DXV, SMA (chỉ khớp thêm 900 đơn vị trong phiên chiều, nâng tổng khối lượng lên 1.5000 đơn vị), HID.

Về thanh khoản VPB có giao dịch sôi động trong phiên chiều và vượt qua HPG trở thành mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 27,22 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực bán cũng khá lớn nên cổ phiếu này chỉ có được mức tham chiếu 19.000 đồng khi đóng cửa.

HPG đứng ở vị trí thứ 2 với 19,75 triệu đơn vị, còn AAA vẫn ở ngay dưới với 16,71 triệu đơn vị, mức thanh khoản cao nhất gần 1 tháng, nhưng lại không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở tham chiếu 11.500 đồng. POW và HSG là 2 mã có thanh khoản trên 15 triệu đơn vị, đứng tiếp sau đó là STB khớp 14,57 triệu đơn vị, VND khớp 13,06 triệu đơn vị, DBC khớp 12,24 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,75% lên 36.000 đồng, mức cao nhất ngày.

Trên HNX, dù nỗ lực hồi phục như sàn HOSE, nhưng do không có mã nào đủ sức dẫn dắt, nên HNX-Index không thể trở lại vạch xuất phát.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,21%) xuống 239,68 điểm với 84 mã tăng và 76 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 52,2 triệu đơn vị, giá trị 1.132,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,2 triệu đơn vị, giá trị 138,5 tỷ đồng.

Phiên chiều có thêm 2 mã nữa gia nhập nhóm thanh khoản triệu đơn vị, nâng tổng số lên 8 mã, trong đó có 2 mã tăng là TIG tăng 0,69% lên 14.600 đồng, khớp 2,92 triệu đơn vị và TNG tăng 1,18% lên 25.700 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị; 2 mã đứng tham chiếu là PVS khớp 3,69 triệu đơn vị, sau SHS và HUT khớp 1,13 triệu đơn vị.

Trong khi đó, SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản với 7,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,14% xuống 17.300 đồng. CEO lùi xuống thứ 3 sau PVS với 3,62 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,74% xuống 16.900 đồng; MBS khớp 2,87 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,31% xuống 32.00 đồng và IDC khớp 1,67 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,14% xuống 60.600 đồng.

Trong khi đó, UPCoM lại may mắn hơn khi kịp về điểm xuất phát trước khi đóng cửa một vài tích tắc.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (+0,07%), lên 98,9 điểm với 158 mã tăng và 133 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66,2 triệu đơn vị, giá trị 1.254,2 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 424 tỷ đồng.

Sàn UPCoM phiên chiều nay có thêm 6 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, lên 11 mã. Trong đó, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 6,28 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,21% lên 23.100 đồng; AAH tiếp theo với 3,93 triệu đơn vị, nhưng vẫn đóng cửa giảm 3,77% xuống 5.100 đồng, trong khi VGT hồi phục khi đóng cửa tăng nhẹ 0,62% lên 16.200 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị. Đứng trên VGT là DRI với 3,55 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 6,82% lên 14.100 đồng. TVN và OIL là 2 mã còn lại có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và đều đóng cửa tăng lần lượt là 6,82% lên 9.400 đồng và 1,56% lên 13.000 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng nhẹ quanh mức tăng của thị trường cơ sở, trong đó hợp đồng đáo hạn tháng 7 là VN30F2407 tăng 2,3 điểm (+0,18%), lên 1.290 điểm với 247.917 hợp đồng được giao dịch, giá trị 31.848 tỷ đồng; khối lượng mở 58.106 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 10 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó 4 mã dẫn đầu đều do SSI phát hành. Thanh khoản cao nhất hôm nay là CVIB2305 với 2,68 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,79% xuống 550 đồng, đây cũng là mã duy nhất có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 17,23 triệu đơn vị được giao dịch, giá trị 6.430,2 tỷ đồng. Trong đó, mã có khối lượng giao dịch cao nhất là BNC12102 của Dịch vụ Cáp treo Bà Nà với 7,5 triệu đơn vị, giá trị 690,65 tỷ đồng, cũng là mã có giá trị giao dịch lớn nhất. Tiếp đến là DRT12101 của Đầu tư và Du lịch Vạn Hương với hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 206,68 tỷ đồng.


Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/phien-giao-dich-chieu-266-gvr-va-bcm-hop-suc-keo-vn-index-tro-lai-post348242.html