Với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, Hội thảo và triển lãm Smart Banking 2024 đã chính thức diễn ra tại Hà Nội ngày 29/10.
Sự kiện do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.
Sự kiện năm nay nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp bảo vệ an toàn và chiến lược phát triển bền vững ngành Ngân hàng trên không gian số, hứa hẹn mang đến một chương trình hấp dẫn với những phần thảo luận sâu sắc, thông qua: 1 phiên toàn thể; 3 phiên chuyên đề; diễn tập thực chiến phòng thủ không gian mạng – DF Cyber Defense; Triển lãm với sự hiện diện của 27 gian hàng đến từ các ngân hàng, công ty công nghệ, Fintech, trung gian thanh toán, các tổ chức thẻ trong nước và quốc tế.
Chia sẻ chủ đề của Hội thảo và triển lãm năm nay, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, từ việc áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, đến việc phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính số hóa.
Những thay đổi này không chỉ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngân hàng trong việc phục vụ khách hàng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA đánh giá, chủ đề của sự kiện năm nay không chỉ đơn thuần là bàn luận về những xu hướng công nghệ, mà còn là tìm kiếm những chiến lược phát triển bền vững cho ngành Ngân hàng.
“Sự phát triển bền vững không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức hay một cá nhân nào mà là sự nỗ lực chung của toàn ngành. Chúng ta cần xây dựng một môi trường hợp tác, nơi mà các ngân hàng có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển”- ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Hành lang pháp lý đã mở…
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng chia sẻ, về mặt không gian pháp lý đối với chuyển đổi số, ngành Ngân hàng hiện nay rất mở và đạt được những thành quả mà chưa ngành nào làm được. “Chẳng hạn, từ việc mở tài khoản bằng eKYC từ năm 2021, cho đến việc từ ngày 1/10/2024 chỉ cho phép mở tài khoản bằng căn cước công dân có gắn chip, triển khai bảo lãnh cũng như cho vay trực tuyến hoàn toàn…Điều này cho thấy hành lang pháp lý của ngành Ngân hàng đã và đang mở đường cho việc áp dụng công nghệ…”- Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Trên thực tế, theo Phó Thống đốc, tại nhiều ngân hàng thương mại đã ghi nhận tỷ lệ giao dịch trên kênh số đạt khoảng 97-98%. Tỷ lệ tăng trưởng giao dịch trên kênh số của ngành Ngân hàng vẫn đạt mức 2 con số hằng năm cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch.
“Có thể nói, tỷ lệ số hoá của ngành Ngân hàng là rất cao với mức tăng trưởng mạnh mẽ”- Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng còn mang vai trò kết nối với các ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Đặc biệt, kết nối và tích hợp với dữ liệu của Bộ Công an, ngành viễn thông,… “Kết nối và tích hợp là điểm mới, điểm sáng mà ngành Ngân hàng đã làm được”- Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Hướng đến mục tiêu an toàn và bền vững
Việc tích hợp với nhiều đơn vị cũng dẫn đến những nguy cơ liên quan đến an toàn bảo mật và gián đoạn vận hành, lãnh đạo NHNN đặc biệt lưu ý, Smart Banking 2024 là cơ hội để chúng ta chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp, lắng nghe và đưa ra các ý kiến để làm sao kết nối và tích hợp một cách an toàn, bền vững…
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng đề nghị, các chủ đề được thảo luận, chia sẻ tại sự kiện Smart Banking năm nay sẽ hướng đến nội dung định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng tại Việt Nam một cách thiết thực, gần gũi, sát với thực tiễn và mang tính ứng dụng cao.
“Hiện tại, dữ liệu cho thấy chúng ta có hàng chục triệu khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. Thử tưởng tượng, điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống ngân hàng dừng hoạt động 5 phút? Tác động chắc chắn sẽ vô cùng lớn. Do đó, sau khi đã phủ sóng sản phẩm dịch vụ trên diện rộng, chúng ta phải hướng tới đảm bảo an toàn hoạt động và chiều sâu cho sản phẩm dịch vụ đó. Đây là thời điểm, các ngân hàng cần phải quan tâm đến việc đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các sản phẩm dịch vụ của mình”, Phó Thống đốc đặt vấn đề.
Về việc triển khai Quyết định 2345/QĐ-NHNN, Thông tư 17/2024/TT-NHNN, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, sau khi quy định mới có hiệu lực, số vụ việc lừa đảo đối với khách hàng cá nhân đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, không có một biện pháp nào triệt để và hoàn hảo. Quyết định 2345/QĐ-NHNN và Thông tư 17/2024/TT-NHNN đã siết chặt việc mở tài khoản chính chủ khách hàng cá nhân, nhưng từ đây xảy ra tình trạng lách quy định bằng mở tài khoản doanh nghiệp, lách xác thực sinh trắc học để phục vụ mục đích gian lận.
Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ chú trọng hơn hoạt động mở tài khoản của doanh nghiệp, để đảm bảo xác thực được người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp. Khi thực hiện giao dịch doanh nghiệp, nếu giao dịch lớn thì cần chữ ký để xác định người chịu trách nhiệm, đảm bảo khi xảy ra vấn đề thì chúng ta truy vết được người ký.
Lãnh đạo NHNN cũng đề nghị có sự phối hợp với các cơ quan bộ, ngành khác, bởi các doanh nghiệp được cơ quan thẩm quyền cấp phép kinh doanh. Nếu để tình trạng không xác định được chủ doanh nghiệp là ai thì không chỉ đối với ngành Ngân hàng mà tình trạng lừa đảo sẽ vẫn xảy ra trên mọi lĩnh vực.
Phó Thống đốc cũng bày tỏ hy vọng, sự kiện lần này, các công ty công nghệ cũng sẽ trình bày những giải pháp thiết thực giúp ngành Ngân hàng hướng tới hoạt động một cách an toàn, bền vững.