(ĐTCK) Với việc cựu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, Phố Wall đang mong đợi tiềm năng của cải cách thuế, bãi bỏ quy định và ông sẽ nhanh chóng lên tiếng về mọi thứ, từ thị trường chứng khoán đến đồng đô la.
Cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa thuế quan và cắt giảm thuế thành những yếu tố chính trong bài phát biểu của mình với cử tri, nhiều người trong số họ cho biết nền kinh tế là vấn đề lớn nhất của cuộc bầu cử. Một điểm quan trọng khác trong nền tảng mà ông dự kiến sẽ là bãi bỏ quy định trong các lĩnh vực từ ngành ngân hàng đến tiền điện tử.
Đối với chính quyền ông Trump, “thị trường về cơ bản nghĩ rằng đó là chính sách thúc đẩy tăng trưởng, ngay cả khi đi kèm với lạm phát cao hơn và lãi suất cao hơn”, David Bianco, Giám đốc đầu tư khu vực châu Mỹ tại DWS Group cho biết.
Trong khi các diễn biến chính trị có thể tác động đến thị trường, các nhà đầu tư cho biết, chúng thường có xu hướng đứng sau các lực lượng kinh tế vĩ mô và sức khỏe của lợi nhuận doanh nghiệp cũng như các sự kiện toàn cầu.
Ví dụ, chỉ số S&P 500 đã tăng gần 70% trong nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump khi cổ phiếu công nghệ tăng vọt, ngay cả khi các chính sách thuế quan của ông gây ra những đợt biến động mạnh. Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng đã ghi nhận mức giảm mạnh sau khi các nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt bởi đại dịch Covid-19, mặc dù chính quyền của ông ủng hộ việc phát triển nhiên liệu hóa thạch.
Lịch sử chỉ để tham khảo?
Việc ông Trump đắc cử năm 2016 đã châm ngòi cho giao dịch theo kỳ vọng lạm phát (reflation trade), trong đó các nhà đầu tư đổ xô vào một loạt các tài sản như hợp đồng tương lai của giá đồng và cổ phiếu của các công ty xây dựng với niềm tin rằng việc cắt giảm thuế và các chính sách kích thích khác sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chậm chạp của Mỹ.
Nhưng bối cảnh kinh tế đã thay đổi và một số nhà đầu tư tin rằng, các động thái của năm 2016 có thể không đưa ra lộ trình chính xác về diễn biến của giá cổ phiếu, trái phiếu và đồng đô la trong những tháng tới.
Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2,8% trong quý III/2024, so với mức chỉ dưới 2% vào năm 2016. Trong khi nhiều tháng áp dụng chính sách tiền tệ hạn chế đã giúp kiềm chế lạm phát từ mức cao nhất trong bốn thập kỷ ghi nhận vào năm 2022, một số nhà đầu tư lo ngại thuế quan hoặc cắt giảm thuế có thể khiến giá tiêu dùng tăng cao trở lại. Ngược lại, lạm phát và tăng trưởng chậm chạp là mối lo ngại của Fed cách đây 8 năm.
Các dấu hiệu lạm phát phục hồi cũng có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải xem xét lại quỹ đạo lãi suất, trong khi Fed cũng vừa bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi tăng lãi suất để hạ lạm phát từ mức cao nhất trong 40 năm.
Trong khi những tuần cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 chứng kiến lợi thế nghiêng về ông Trump hơn, thì chiến thắng năm 2016 của ông “là một bất ngờ chung, phản ứng tích cực của thị trường cũng là một bất ngờ, và định vị của các nhà đầu tư trong thời gian chuẩn bị cho cuộc bầu cử là vì bối cảnh lạm phát giảm dần”, các chiến lược gia của JPMorgan cho biết.
Thuế quan và cải cách thuế
Việc áp dụng thuế quan cao hơn mà Trump đã tuyên bố sẽ tăng 10% đối với hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể tạo ra sự khác biệt quan trọng trong cách các nhà đầu tư tiếp cận thị trường tài sản trong những tháng tới.
Báo cáo của Deutsche Bank cho biết chiến thắng của ông Trump sẽ giúp tăng thêm khoảng 0,5% vào tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ nếu thuế quan không được áp dụng, trong khi việc áp dụng thuế quan sẽ làm giảm 0,25% GDP.
“Vẫn còn một số dấu hỏi về mức độ quyết liệt của chính quyền ông Trump đối với thuế quan và đó sẽ là một câu chuyện bất kể cơ cấu của Quốc hội là gì, vì điều đó có thể được thúc đẩy thông qua hành động của cơ quan hành pháp”, Garrett Melson, chiến lược gia danh mục đầu tư tại Natixis Investment Managers cho biết.
Ông Trump cũng muốn cải cách thuế, bao gồm giảm thuế suất thuế doanh nghiệp xuống còn 15% đối với những công ty sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ, sau khi đã cắt giảm thuế suất xuống còn 21% từ 35% trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2021 của ông.
Những đợt cắt giảm thuế như vậy có thể hỗ trợ lợi nhuận của công ty và giá cổ phiếu, mặc dù mức độ thúc đẩy như vậy vẫn chưa chắc chắn.
Theo ước tính của các chiến lược gia của Goldman Sachs, việc cắt giảm thuế xuống 15% sẽ thúc đẩy lợi nhuận của S&P 500 tăng khoảng 4%.
“Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cổ phiếu sẽ có cái nhìn tích cực về chiến thắng của ông Trump vì tiềm năng của ông ấy để kéo dài các đợt cắt giảm thuế hiện tại”, Jake Seltz, giám đốc danh mục đầu tư của Allspring Global Investments cho biết.
Đồng thời, việc cắt giảm thuế rộng rãi có thể làm dấy lên lo ngại về việc tăng thêm nợ của Mỹ khi các nhà đầu tư ngày càng tập trung vào thâm hụt liên bang. Những lo ngại về thâm hụt ngân sách đã góp phần gây ra đợt bán tháo gần đây đối với trái phiếu chính phủ Mỹ, đưa lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm lên 4,471% vào thứ Tư (6/11), mức cao nhất kể từ tháng 7.
Một điểm đáng chú ý nữa là sở thích của ông Trump là nói về nhiều chủ đề có khả năng tác động đến thị trường, điều này đã được thể hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông khi ông thường xuyên bình luận về mọi thứ, từ sức mạnh của đồng đô la đến thương mại cho đến chính sách của từng công ty. Những nhận xét đó đôi khi đã gây ra biến động giá tài sản.
“Thị trường đang có chút lo lắng về ý tưởng rằng chính quyền Trump sẽ đưa ra nhiều thông tin khó có thể phân biệt được là tín hiệu thật hay chỉ là thông tin nhiễu”, ông David Bianco cho biết.
Nguồn tin: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/pho-wall-chuan-bi-cho-trump-20-thue-quan-cat-giam-thue-va-nhieu-bien-dong-post357484.html