>>> PHR đi “giật lùi”
PHR vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2024 với lợi nhuận giảm tới 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, PHR đạt doanh thu thuần hơn 186 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn bán hàng tăng chậm hơn doanh thu, giúp lợi nhuận gộp tăng vọt 81% lên 21 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 73% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống gần 9 tỷ đồng. Các loại chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều được tiết giảm so với cùng kỳ, song lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 19 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế doanh thu 6 tháng đầu năm, PHR đạt doanh thu 455 tỷ đồng, và lãi sau thuế chỉ đạt 29 tỷ đồng.
Theo giải trình của PHR, sở dĩ lãi sau thuế quý II/2024 của doanh nghiệp giảm mạnh do trong quý II/2023, PHR ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ thanh lý cây cao su tới gần 69 tỷ đồng và cổ tức được chia hơn 16 tỷ đồng.
Trong năm 2024, PHR đặt kế hoạch đạt doanh thu 1.455 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 245 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 47% so với cùng kỳ 2023. Như vậy, sau hai quý đầu năm nay, công ty mới thực hiện được gần 12% mục tiêu lợi nhuận.
Tại bảng cân đối kế toán, tổng nợ phải trả của PHR giảm mạnh từ 432 tỷ đồng thời điểm hồi đầu năm nay xuống còn 210 tỷ đồng. Vay nợ ngắn hạn của PHR giảm 55% xuống 30 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của PHR đạt gần 3.103 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh tới 68,2%, xuống còn 37,8 tỷ đồng. Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đạt 387,7 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ở mức 136,6 tỷ đồng, giảm 37,3% so với đầu năm nay.
Trong năm 2024, PHR lên kế hoạch kinh doanh phấn đấu tiêu thụ 33.100 tấn mủ thành phẩm các loại, giá bán bình quân 36,4 triệu đồng/tấn, doanh thu mủ cao su dự kiến 1.205 tỷ đồng.
Về định hướng kinh doanh, Ban lãnh đạo PHR cho biết sẽ tổ chức việc tái canh tác 190,1 ha đảm bảo cơ cấu giống gắn với phòng trị bệnh mùa mưa trên các nhóm vườn cây, chăm sóc vườn cây tái canh. Ngoài ra, PHR lên kế hoạch thu mua khoảng 10.000 tấn mủ.
Không dễ hoàn thành mục tiêu
MBS Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của PHR giảm 20,4% do không còn ghi nhận tiền đền bù đất. Nhưng sang năm 2025, lợi nhuận ròng của PHR có thể tăng 4,8% so với cùng kỳ nhờ mảng khu công nghiệp và cao su có diễn biến tích cực.
Với mảng bất động sản công nghiệp, PHR đang triển khai 3 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích đất thương phẩm là 1.067 ha. Trong đó, KCN Tân Bình 1 đã ký hợp đồng cho thuê đất với 69 dự án với tổng diện tích đất cho thuê là 222,37 ha (chiếm 90,95% diện tích đất thương phẩm và chiếm 99% diện tích đất có thể cho thuê). Trong khi đó, KCN Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng hiện chưa được phê duyệt quy hoạch, chậm hơn nhiều so với dự kiến. Do đó, có thể phải sang năm 2026-2027, PHR mới ghi nhận doanh thu từ hai dự án này. Khi đưa vào vận hành, diện tích cho thuê của KCN Tân Lập 1 và Tân Bình mở rộng hàng năm có thể đạt lần lượt 10 ha và 30 ha.
Ngoài ra, lợi nhuận từ hoạt động KCN của PHR còn đến từ các khoản đầu tư khác là Nam Tân Uyên (sở hữu 32,85%) và VSIP III Bình Dương (hợp đồng góp đất hưởng lợi nhuận). Dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 nhiều khả năng có thể được vận hành trong năm 2024 sau khi có phê duyệt về giá thuê. Dự báo KCN này có thể đóng góp lợi nhuận 145 tỷ đồng cho PHR giai đoạn năm 2024 – 2025.
19 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế quý II/2024 của PHR, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự án KCN VSIP III Bình Dương được xây dựng trên quỹ đất rộng 1.000 ha với vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng. KCN này có vị trí đắc địa, được kỳ vọng thu hút các dự án đầu tư xanh, điển hình là dự án nhà máy LEGO khởi công từ cuối năm 2022 có tổng diện tích 44 ha với vốn đầu tư 1,3 tỷ USD và dự án của Tập đoàn Pandora đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở chế tạo trang sức. Theo thoả thuận giữa VSIP và PHR, PHR sẽ được nhận phần hỗ trợ 20% lợi nhuận gộp thu được từ cho thuê đất tại VSIP III. MBS kỳ vọng PHR ghi nhận lãi được nhận từ dự án này trong năm 2024-2025 lần lượt là 71 tỷ đồng và 80 tỷ đồng.
Đối với mảng cao su, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng tăng. Với giá bán cao su trung bình của PHR trong năm 2024 – 2025 đạt 35,8 triệu đồng/tấn, doanh thu mảng cao su của PHR có khả năng đạt 1.248 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy hiện các dự án của PHR mới chỉ đang trong quá trình đầu tư, doanh thu và lợi nhuận ghi nhận cuối năm nay hoặc sang năm 2025 mới được hạch toán vào sổ sách. Do đó, PHR có thể sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp này trong những tháng còn lại của năm 2024.
Đánh giá của bạn: