Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cần triển khai từ tốn việc giảm lãi suất – một quan chức Fed nhận định trong bối cảnh ngân hàng trung ương này chuẩn bị cho hội nghị thường niên diễn ra trong tuần này tại khu nghỉ dưỡng Jackson Hole ở bang Wyoming.
Trao đổi với tờ báo Financial Times, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco – bà Mary Daly – nói rằng các số liệu kinh tế gần đây mang đến cho bà “niềm tin lớn hơn rằng” lạm phát đã được kiểm soát. Bà nói đã đến lúc cân nhắc việc giảm lãi suất từ mức cao nhất 23 năm hiện nay 5,25-5,5%.
Nhà hoạch định chính sách tiền tệ này kêu gọi Fed có một cách tiếp cận sáng suốt để đẩy lùi mối lo của các nhà kinh tế rằng nền kinh tế Mỹ đang rơi vào một thời kỳ giảm tốc mạnh – kịch bản đòi hỏi Fed phải cắt giảm lãi suất mạnh tay.
Khi giới chức Fed hội tụ về Jackson Hole tuần này, câu hỏi chính đối với họ là Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ như thế nào.
Vào ngày thứ Sáu tại hội nghị, Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một bài phát biểu được giới đầu tư toàn cầu dõi theo. Nhà đầu tư đang nóng lòng muốn biết kế hoạch của ông Powell về đưa nền kinh tế hoàn tất một cuộc hạ cánh mềm – khép lại cuộc chiến chống lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Bà Daly – người có quyền bỏ phiếu về các quyết định chính sách tiền tệ trong Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) – bác bỏ sự cần thiết phải hạ lãi suất nhanh để phản ứng với tình trạng suy yếu trên thị trường việc làm. Bà nói hiện tại không có nhiều dấu hiệu về một thời kỳ suy thoái và khẳng định rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới “không ở trong tình trạng khẩn cấp”.
“Chủ nghĩa từ tốn không phải là sự yếu đuối, không phải là chậm chạp, không phải là tụt hậu. Đó là sự sáng suốt”, bà Daly phát biểu, nói thêm rằng thị trường việc làm – dù đang giảm tốc – “không hề yếu kém”.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9, và đó sẽ là lần hạ lãi suất đầu tiên của Fed trong 4 năm trở lại đây. Khả năng Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày 18/9 là khoảng 70%, trong khi khả năng Fed hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần cắt giảm này là khoảng 30%.
Thị trường cũng cho rằng đến cuối năm nay, lãi suất quỹ liên bang của Fed sẽ giảm tròn 1 điểm phần trăm so với mức hiện tại, đồng nghĩa rằng trong 3 cuộc họp cuối cùng của năm nay, Fed lần họp nào cũng giảm lãi suất và sẽ có ít nhất một lần giảm 0,5 điểm phần trăm.
Trước Fed, các ngân hàng trung ương lớn khác gồm Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) đều đã hạ lãi suất. Do lạm phát ở Mỹ hồi đầu năm nay có dấu hiệu “bốc đầu” trở lại, nên Fed chủ trương thận trọng, dẫn tới trì hoãn việc giảm lãi suất.
Số liệu công bố vào tuần vừa rồi cho thấy mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Mỹ trong tháng 7 giảm còn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất 3 năm.
Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi – thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng – tăng 2,6% trong tháng 6. PCE toàn phần – chỉ số mà Fed dựa vào để đặt mục tiêu lạm phát 2% – có mức tăng 2,5% trong tháng 6.
“Sau quý 1 năm nay, lạm phát đã dần lùi về phía mốc 2%. Chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đó, nhưng rõ ràng điều đó khiến tôi tự tin hơn rằng chúng tôi đang trên con đường đi tới sự ổn định về giá cả”, bà Daly nói với Financial Times. Với lạm phát giảm và thị trường lao động trở nên cân bằng hơn, Fed phải “điều chỉnh lãi suất chính sách để phù hợp với thực trạng của nền kinh tế đang có và cả tình trạng mà chúng tôi kỳ vọng có được”, bà phát biểu.
Bà Daly nói Fed muốn nới lỏng bớt mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ, trong khi vẫn duy trì hạn chế nhất định để “hoàn thành công việc” đạt mục tiêu lạm phát.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, bà Daly cho biết Fed không “muốn thắt chặt quá mức trong lúc nền kinh tế đang chậm lại”. Bà nói thêm rằng việc không điều chỉnh chính sách sao cho phù hợp với tình hình lạm phát và tăng trưởng giảm tốc chính là “công thức dẫn đến kết quả mà chúng tôi không mong muốn, đó là giá cả ổn định nhưng thị trường lao động không ổn định và suy sụp”.
Những phát biểu này cho thấy bà Daly có chung quan điểm với Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic. Trả lời phỏng vấn Financial Times gần đây, ông Bostic nói rằng việc chờ đợi quá lâu để giảm lãi suất “sẽ gây ra rủi ro” đối với nền kinh tế.
Báo cáo việc làm xấu hơn kỳ vọng trong tháng 7 đã làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ. Dữ liệu đó đã góp phần gây ra làn sóng bán tháo cổ phiếu toàn cầu, dẫn tới một bộ phận nhà đầu tư và chuyên gia kêu gọi Fed cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, báo cáo doanh thu bán lẻ mạnh hơn kỳ vọng công bố trong tuần vừa rồi đã xoa dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế Mỹ.
Bà Daly cho biết doanh nghiệp Mỹ hiện tại nhìn chung không dùng đến biện pháp sa thải nhân viên. Thay vào đó, họ cắt giảm các khoản chi tùy nghi để thích ứng với môi trường tăng trưởng chậm lại so với trước đây.