Giao dịch Bitcoin và các loại tiền mã hóa đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhưng khuôn khổ pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển này.
Thách thức trong giám sát và bảo vệ nhà đầu tư
Theo Thời báo Tài chính Việt Nam, chia sẻ về vấn đề quản lý tiền mã hóa tại Việt Nam, TS. Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán và Luật tại Đại học RMIT Việt Nam cho rằng, giao dịch Bitcoin và các loại tiền mã hóa đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam, nhưng khuôn khổ pháp lý hiện nay vẫn chưa theo kịp sự phát triển này.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nhưng chưa có quy định rõ ràng về quyền sở hữu và giao dịch, khiến tiền mã hóa rơi vào “vùng xám” pháp lý, tạo ra thách thức trong việc bảo vệ nhà đầu tư và giám sát quy định hiệu quả.
TS. Nguyễn Tấn Sơn nhấn mạnh rằng, sự thiếu hụt các quy định rõ ràng về tiền mã hóa đang khiến nhà đầu tư đối mặt với nhiều rủi ro như gian lận, thao túng thị trường, hoặc mất tiền khi giao dịch trên các nền tảng không được giám sát.
Hơn nữa, tính ẩn danh của công nghệ blockchain làm gia tăng nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố. Vì vậy, việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch, an toàn và xây dựng niềm tin trên thị trường.
Tuy nhiên, TS. Sơn cũng lưu ý rằng quản lý tiền mã hóa không chỉ là giảm thiểu rủi ro mà còn phải thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một hướng tiếp cận quản lý cân bằng có thể biến tiền mã hóa thành động lực tăng trưởng, giúp Việt Nam trở thành trung tâm blockchain và thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững.
Trong một phiên họp Quốc hội gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh rằng, dù thực tế có các giao dịch Bitcoin nhưng phần lớn lĩnh vực này vẫn chưa được quản lý. Việc thiếu quản lý làm gia tăng rủi ro như gian lận, thao túng thị trường và rửa tiền, và khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế của blockchain.
Ngân hàng Nhà nước đã cấm sử dụng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán hợp pháp, nguồn: Internet |
Học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế
Khi được hỏi về các quốc gia có thể học hỏi kinh nghiệm trong việc quản lý tiền mã hóa, TS. Nguyễn Tấn Sơn đưa ra một số ví dụ điển hình từ các quốc gia tiên phong. Nhật Bản, là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp từ năm 2017.
Các sàn giao dịch tiền mã hóa tại Nhật Bản phải đăng ký và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp chống rửa tiền (AML) và an ninh mạng. Chính sách này không chỉ giúp bảo vệ nhà đầu tư mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong lĩnh vực blockchain.
Một quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á là Singapore, đã tạo ra sự cân bằng giữa quy định và đổi mới. Luật Dịch vụ Thanh toán yêu cầu các doanh nghiệp tiền mã hóa phải có giấy phép hoạt động và thực hiện các biện pháp chống rửa tiền nghiêm ngặt.
Singapore cũng phát triển môi trường thử nghiệm cô lập, nơi các công ty khởi nghiệp blockchain có thể thử nghiệm giải pháp sáng tạo trong một môi trường được giám sát, vừa đảm bảo an toàn vừa thúc đẩy đổi mới.
“Những ví dụ này chứng minh rằng quản lý tiền mã hóa không chỉ là kiểm soát rủi ro mà còn đặt nền tảng cho sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình này để xây dựng khung pháp lý vững chắc riêng”, TS. Nguyễn Tấn Sơn chia sẻ.
Việt Nam có thể học hỏi từ những mô hình các nước để xây dựng khung pháp lý vững chắc riêng, nguồn: Internet |
Đề xuất giải pháp quản lý tiền mã hóa tại Việt Nam
TS. Nguyễn Tấn Sơn đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển khung pháp lý rõ ràng cho tiền mã hóa tại Việt Nam.
Đầu tiên, cần xác định rõ Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác là tài sản hay chứng khoán để quản lý giao dịch và bảo vệ nhà đầu tư. Đồng thời, yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa phải đăng ký và tuân thủ các quy định chống rửa tiền là rất quan trọng, nhằm bảo đảm tính minh bạch, an ninh tài chính và giảm thiểu rủi ro gian lận hay tài trợ khủng bố.
Mô hình thử nghiệm, như ở Singapore, có thể là một giải pháp hiệu quả để hỗ trợ các doanh nghiệp blockchain phát triển các giải pháp sáng tạo dưới sự giám sát của chính phủ. Việc triển khai mô hình này tại Việt Nam sẽ giúp bảo vệ an toàn tài chính trong khi vẫn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cuối cùng, theo TS. Nguyễn Tấn Sơn, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần có một khung pháp lý vừa bảo vệ nhà đầu tư vừa thúc đẩy đổi mới công nghệ. Một hệ thống pháp lý chặt chẽ sẽ mở ra cơ hội cho ngành blockchain, giúp Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ số và thúc đẩy phát triển kinh tế số bền vững.