UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi Bộ Quốc phòng về việc rà soát, phân định, bàn giao phần đất dân dụng để thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sân bay Chu Lai có diện tích gần 2.150ha, hiện nay do Bộ Quốc phòng quản lý, sử dụng. Trong đó, khu vực phía tây đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 1.281ha, bao gồm các công trình hiện hữu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư xây dựng và các công trình kỹ thuật do quân đội quản lý.
Khu vực phía đông của đường trục chính vào sân bay Chu Lai có diện tích khoảng 868ha, hiện trạng là đất trống, không có các công trình hạ tầng trên đất.
Theo quy hoạch, khu vực phía đông sân bay Chu Lai sẽ được đầu tư phát triển mới hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn khai thác như một sân bay độc lập.
Để thực hiện đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, đất quân sự dùng chung (dùng chung dân dụng và quân sự) và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý.
“Trước mắt, bàn giao trước khu vực phía Đông đường trục chính vào sân bay Chu Lai (khoảng 868 ha) cho tỉnh Quảng Nam để sớm triển khai các hồ sơ, thủ tục liên quan xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, tỉnh Quảng Nam đề nghị.
Tại họp báo mới đây, Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, Tập đoàn Adani và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).
Theo ông Dũng, trước đây Thủ tướng Chính phủ làm việc với tỉnh đã đồng ý chủ trương xã hội hoá. Tuy nhiên, từ đó đến nay chưa có doanh nghiệp nào vào làm chính thức do dịch bệnh khó khăn.
“Sau chuyến đi của Thủ tướng đến Ấn Độ, Tập đoàn Adani của Ấn Độ và Vietjet đang nghiên cứu tiền khả thi đầu tư sân bay Chu Lai. Nếu đủ điều kiện thì họ sẽ đề xuất tiếp, Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ”, ông Dũng thông tin.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, sân bay Chu Lai được đánh giá là một trong 3 sân bay lớn nhất cả nước hiện nay về không gian với diện tích hơn 2.000ha, đều là đất sạch do nhà nước quản lý. Đây là thuận lợi rất lớn đầu tư sân bay Chu Lai là sân bay quốc tế, trung chuyển hàng hoá lớn nhất, và cũng là cơ hội rất lớn cho Quảng Nam nếu được đầu tư.
“Quan điểm của tỉnh là mong muốn trung ương cho phép đầu tư sân bay Chu Lai theo hướng xã hội hoá. Tỉnh cũng hoan nghênh chào đón nhà đầu tư vào nghiên cứu, trên tinh thần tuân thủ các quy định pháp luật”, ông Dũng khẳng định.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Chu Lai với quy mô sân bay đạt cấp 4F, là trung tâm công nghiệp – dịch vụ hàng không quốc tế với các hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá, logistics hàng không; trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; trung tâm sửa chữa bảo dưỡng các loại máy bay, sản xuất linh phụ kiện ngành hàng không; gắn kết với khu phi thuế quan và các khu công nghiệp công nghệ cao, hình thành trung tâm sản xuất, chế tác, gia công các sản phẩm công nghệ cao, giá trị cao, xuất nhập khẩu đường hàng không.
Sân bay Chu Lai hướng tới công suất 10 triệu hành khách đến năm 2030, và 30 triệu hành khách đến năm 2050. Ngoài ra, sân bay được quy hoạch với quy mô 5 triệu tấn hàng hóa đến năm 2050. So với các sân bay lớn trong khu vực Đông Nam Á, sân bay Chu Lai có quy mô lớn nhất.
Được biết, sân bay Chu Lai chính thức đưa vào khai thác tuyến bay thương mại đầu tiên của Vietnam Airlines vào năm 2005. Đến thời điểm này, Jetstar Pacific, Vietjet Air đã đưa vào khai thác các đường bay Chu Lai – TP.HCM; Chu Lai – Hà Nội và ngược lại. Những năm gần đây, lượng hành khách, hàng hóa thông qua sân bay tăng mạnh với mức trung bình khoảng 1 triệu lượt khách/năm.