Nhiều doanh nghiệp đến đầu tư
Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư khảo sát, đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, một số dự án du lịch đã đi vào hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khách du lịch và các chuyên gia, kỹ sư đến làm việc, công tác, góp phần nâng cao số lượng và chất lượng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh như: Khách sạn Mường Thanh – Lý Sơn; Cocoland Resort; Khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, Khách sạn New C.C, khách sạn Đảo Ngọc…
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận hồ sơ đề xuất dự án du lịch có quy mô lớn như: Dự án Công viên Quảng Trường Biển kết hợp khu đô thị – dịch vụ sinh thái thành phố Quảng Ngãi, dự án Khu đô thị sinh thái Coastal Quảng Ngãi, dự án Khu đô thị sinh thái Đông Quảng Ngãi, dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – phía Nam và Dự án Khu đô thị mới Đông Nam Dung Quất – phía Bắc (các dự án này đều có hạng mục lưu trú), dự án khách sạn 5 sao, chuỗi nhà hàng tiệc cưới tổ chức sự kiện, văn phòng điều hành dịch vụ du lịch, bãi đậu ô tô điện đưa đón khách tham quan du lịch và đang được các sở, ngành, địa phương liên quan thẩm định, tham gia góp ý để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với các dự án du lịch đã được đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, và đang triển khai thực hiện, tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư để triển khai các thủ tục pháp lý có liên quan, nhất là việc hướng dẫn tiếp cận đất đai, thông tin đến nhà đầu tư về các quy hoạch có liên quan, hướng dẫn ký quỹ đảm bảo dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư để có cơ sở thực hiện các bước thủ tục đất đai, gia hạn sử dụng đất…
Đối với các dự án chậm tiến độ, không còn phù hợp với quy hoạch có liên quan và không thể tiếp cận đất đai, tỉnh đã làm việc với các nhà đầu tư, tiến đến nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động dự án; đồng thời tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dự án cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư các dự án du lịch tại tỉnh chưa nhiều; một số nhà đầu tư đã đề xuất dự án đầu tư nhưng phải tạm dừng vì không thể tiếp cận đất đai; một số dự án triển khai chậm, cầm chừng do năng lực tài chính hạn chế, không phù hợp với quy hoạch… dẫn đến hạ tầng cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức các sự kiện, hoạt động có quy mô lớn và mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư đối với lĩnh vực này.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt đã nhấn mạnh trong mục tiêu tổng quát, Quảng Ngãi sẽ hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển – đảo.
Quy hoạch cũng đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng, với hạt nhân Trung tâm du lịch biển – đảo Lý Sơn và du lịch trải nghiệm gắn liền với văn hóa, lịch sử và giá trị cốt lõi của Quảng Ngãi. Phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch như du lịch biển, đảo, núi rừng, du lịch cộng đồng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa, tâm linh theo hướng bền vững, chất lượng cao, đẳng cấp, có giá trị gia tăng lớn.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đặt mục đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.
Sau năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một trong những “trụ cột” quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; đóng vai trò một điểm đến quan trọng của khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Theo ông Dũng, trong thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ưu tiên quỹ đất, các vị trí thuận lợi tại các địa bàn du lịch trọng điểm để quy hoạch.
Từ đó, làm cơ sở thu hút đầu tư các khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, các cơ sở lưu trú du lịch từ 3 sao trở lên. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dịch vụ du lịch, xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch.
“Một trong những giải pháp có tính đột phá, đổi mới phát triển du lịch trong thời gian tới là xây dựng sản phẩm đặc trưng, thế mạnh lợi thế của tỉnh và phù hợp với lợi thế văn hóa vùng miền, có khả năng cạnh tranh so với các tỉnh/thành lân cận.
Đặc biệt là sản phẩm du lịch biển đảo, tập trung xây dựng huyện đảo Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″, ông Dũng thông tin.