Những nền tảng có sẵn
Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định sẽ mở rộng và xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi.
Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29/12/2022 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW cũng khẳng định sẽ xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu Dung Quất.
Tại KKT Dung Quất đã có Nhà máy lọc dầu Dung Quất do CTCP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) quản lý, vận hành hoạt động 16 năm qua.
Từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay đã chế biến trên 100 triệu tấn dầu thô; sản xuất và xuất bán ra thị trường hơn 91 triệu tấn sản phẩm, đáp ứng trên 30% nhu cầu xăng dầu của cả nước; tổng doanh thu đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước gần 224 nghìn tỷ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 5/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất với vốn đầu tư (sau điều chỉnh) là hơn 1,2 tỷ USD (hơn 31.200 tỷ đồng), nâng công suất từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày.
Dự kiến sau khi nâng cấp, sản lượng xăng các loại của nhà máy này tăng từ 65.900 thùng lên 79.700 thùng, dầu diesel từ 53.200 thùng lên 59.200 thùng, nhiên liệu phản lực và dầu hỏa tăng từ 5.500 thùng lên 13.100 thùng và các khoản thu ngân sách sẽ tăng thêm khoảng 1.361 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý, KKT Dung Quất đến nay đã thu hút được 18 dự án liên quan đến lọc hóa dầu và năng lượng, với tổng vốn đăng ký khoảng 7 tỷ USD, trong đó có 11 dự án đã đi vào hoạt động.
Theo đánh giá, nhóm dự án liên quan đến lọc hóa dầu và năng lượng và các ngành công ngiệp sử dụng năng lượng, sản phẩm sau khí là động lực quan trọng để phát triển các dự án trọng điểm trong thời gian đến.
Sớm hoàn thiện đề án
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang đã chủ trì cuộc họp với Ban Quản lý KKT Dung Quất, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn và các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo về nội dung Đề án Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.
Theo Đề án, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất đặt ra 3 mục tiêu lớn, đó là đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế – xã hội; phát triển xanh và bền vững, và thu hút đầu tư.
Đề án xác định đến năm 2030, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia Dung Quất đáp ứng toàn bộ nhu cầu xăng dầu cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu xăng dầu cả nước, đóng góp 30% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Định hướng đến năm 2050 trở thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Về phát triển xanh bền vững, đến năm 2030, khoảng 5 – 10% nguồn điện năng của Trung tâm được sản xuất từ năng lượng tái tạo, giảm 15% lượng phát thải khí nhà kính; Tỷ lệ tái chế và sử dụng chất thải trong sản xuất đạt 10%. Đến năm 2050, khoảng 20% nguồn điện năng của Trung tâm được sản xuất từ năng lượng tái tạo, giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính.
Về thu hút đầu tư, đến năm 2030, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia Dung Quất thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư trong và ngoài nước. Hình thành mạng lưới hợp tác với các tập đoàn năng lượng, công nghệ hàng đầu thế giới. Đến năm 2050, thu hút 50 tỷ USD vốn đầu tư, trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng và vật liệu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với tỉnh Quảng Ngãi trong việc thu hút các nhà đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, nguồn thu ngân sách và tạo việc làm, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Quảng Ngãi nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ nói chung và cả đất nước.
“Đề án này, từ nhiều tháng qua tỉnh đã nhiều lần lấy ý kiến. Đến nay, đã có một số nội dung được tiếp thu. Riêng một số nội dung đại biểu góp ý thêm tại cuộc họp như vấn đề quỹ đất, giao thông, môi trường, nước thải, hạ tầng liên quan, đặc biệt là việc vận hành tổng thể Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất trên cơ sở yêu cầu của các nhà đầu tư lớn đã, đang và sẽ đầu tư.
Do vậy, bộ phận thường trực là Sở Công Thương bổ sung vào đề án các ý kiến, kiến nghị sát, đúng, mang tính khả thi và thuyết phục cao để Ban cán sự đảng UBND tỉnh thông qua và trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy”, ông Nguyễn Hoàng Giang yêu cầu.